10:43 21/12/2010

CPI tháng 12 tại Hà Nội tăng 1,83%: Cả nước khó giữ một con số

Diệu Hương

Hà Nội trở thành đơn vị hành chính đầu tiên công bố mức lạm phát cả năm vượt một con số

Chỉ riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã đóng góp vào mức tăng chung tháng này của Hà Nội trên 1,3%.
Chỉ riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã đóng góp vào mức tăng chung tháng này của Hà Nội trên 1,3%.
Nguồn tin từ cơ quan thống kê cho hay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2010 tại Hà Nội đã tăng 1,83 % so với tháng trước, cao hơn con số tại Tp.HCM vừa công bố chiều ngày 20/12 (tăng 1,61%), nhưng vẫn thấp hơn so với chỉ tiêu tương ứng được công bố vào kỳ trước của Thủ đô (1,93%).

Như vậy, so với tháng 12 năm trước CPI tháng này của Thủ đô đã tăng 11,95%, biến Hà Nội trở thành đơn vị hành chính đầu tiên công bố mức lạm phát cả năm vượt 1 con số. CPI bình quân 12 tháng năm 2010 so với cùng kỳ tăng 9,56%.

Không có chỉ số giá giảm trong toàn bộ 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, với Hà Nội, chỉ vài mặt hàng thiết yếu chính tăng mạnh về giá đã có sức bao chùm lên kết quả chung tháng này. Đáng chú ý nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống.

Chiếm quyền số xấp xỉ 40% trong rổ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, CPI nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 12 đã tăng tới 3,27% so với tháng trước. Chỉ riêng nhóm này đã đóng góp vào mức tăng chung của Hà Nội trên 1,3%.

CPI lương thực tăng 2,86% do giá gạo tiếp tục tăng; CPI thực phẩm tăng 3,97% có nguyên nhân thịt lợn tăng mạnh giá bán và gia cầm các loại cũng lên giá so với tháng trước; CPI ăn uống ngoài gia đình tăng 1,72%.

Cũng tăng mạnh chí số giá trong tháng này, nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (tăng 2,86%) là sự góp mặt của tăng giá sắt thép, xi măng, gạch lát, thiết bị vệ sinh và gas… Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều công trình đang được gấp rút hoàn thiện trước tết nên nhu cầu sử dụng các loại vật liệu xây dựng tăng cao. Ngoài ra, tỷ giá USD và chi phí đầu vào sản xuất tăng cũng tác động nhất định đến giá bán các loại sản phẩm này. Có quyền số khoảng 10%, nhóm này góp thêm vào mức tăng chung gần 0,3%.

Nhu cầu tiêu dùng trong dịp lễ Noel và Tết dương lịch sắp tới cũng đẩy doanh số các nhóm sản phẩm may mặc, đồ uống, thuốc lá lên cao. Sự điều chỉnh giá cũng được ghi nhận trong tháng với CPI nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 0,91% và nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,96%...

Nhưng ngược lại, Hà Nội có tới 6 nhóm có chỉ số giá không tăng, hoặc tăng rất thấp trong tháng này. Điều đáng lưu ý là các sản phẩm thuộc nhóm này đa số không thuộc các đối tượng hàng hóa chịu sự kiểm soát giá bán, hay diện hàng được bình ổn giá như dịch vụ văn hóa, giải trí, thiết bị đồ dùng gia đình...

Chỉ sô giá vàng tháng 12 tại Hà Nội đã tăng 5,4% so với tháng trước; chỉ số giá USD tăng 3,44% trong cùng so sánh.

Việc Hà Nội và Tp.HCM đều công bố chỉ số giá tiêu dùng tăng khá cao trong tháng này cho thấy khả năng kiềm chế CPI cả nước năm nay ở mức một con số đã trở nên rất mong manh.

Theo tính toán, để giữ CPI năm nay tăng ở mức dưới 11%, chỉ số giá tháng 12 so với tháng 11 phải tăng thấp hơn 1,3%. Còn để cả năm tăng một con số thì CPI tháng này chỉ được tăng dưới 0,38%, mức rất khó đạt trong bối cảnh hiện nay.