09:22 26/08/2009

CPI tháng 8 tăng 0,24%

Anh Quân

Tổng cục Thống kê vừa cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2009 tăng 0,24% so với tháng trước đó

Với diễn biến chỉ số giá tháng 8 này, nhận định gần đây của một số chuyên gia về khả năng lạm phát tăng không quá 7% trong năm nay tiếp tục được củng cố - Ảnh: Việt Tuấn.
Với diễn biến chỉ số giá tháng 8 này, nhận định gần đây của một số chuyên gia về khả năng lạm phát tăng không quá 7% trong năm nay tiếp tục được củng cố - Ảnh: Việt Tuấn.
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2009 tăng 0,24% so với tháng trước đó.

Như vậy, đây là tháng thứ hai liên tiếp, tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn tháng trước đó (tháng 4 tăng 0,35%, tháng 5 tăng 0,44%; tháng 6 tăng 0,55%; tháng 7 tăng 0,52%).

Ở các mốc so sánh khác, diễn biến chỉ số giá tháng này đều tỏ ra “lạc quan” hơn so với những gì nó thể hiện từ đầu quý 2/2009. So với tháng 12/2008, CPI tháng 8/2009 tăng 3,47%; so với cùng kỳ năm trước tăng 1,97%. CPI bình quân 8 tháng đầu năm 2009 so với cùng giai đoạn của năm 2008 tăng 8,31%.

Theo một số chuyên gia trong ngành, có hai nguyên nhân chủ yếu đẩy CPI tháng này tăng so với tháng trước. Thứ nhất là do tác động của tăng giá xăng dầu vào ngày 9/8, gián tiếp tăng chi phí vận tải. Thứ hai, chu kỳ tính CPI tháng này rơi vào khoảng thời gian chuẩn bị cho năm học mới của học sinh, sinh viên.

Dưới tác động của tăng giá xăng dầu, chỉ số giá nhóm phương tiện đi lại, bưu điện đã dẫn đầu đà tăng trong tháng này, khi đạt mức 1,31%. Nhưng đây cũng là nhóm duy nhất tăng trên 1%.

Chịu tác động gián tiếp từ chi phí vận tải tăng, nhưng các nhóm còn lại có mức tăng thấp hơn. Riêng nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng có thêm tác động từ tăng giá gas, sắt thép… đứng thứ hai về tốc độ tăng giá khi đạt 0,93%.

Việc tăng sức mua các mặt hàng phục vụ khai giảng cũng đẩy chỉ số giá một số nhóm hàng tăng, dù biên độ là không lớn. Chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tháng này đã tăng 0,52%. Giá sách giáo khoa và thiết bị, đồ dùng học tập tăng tại một số thành phố cũng đẩy nhóm giáo dục tăng nhẹ, 0,15%.

Ngược với xu hướng giá của 9 nhóm hàng hóa dịch vụ khác, lực kìm hãm đà tăng của chỉ số giá tháng này lại đến từ nhóm hàng “chủ lực” - hàng ăn và dịch vụ ăn uống.

So với tháng trước, CPI nhóm này đã giảm 0,08% với sự “đóng góp” của chỉ số giá mặt hàng lương thực giảm 0,42%; thực phẩm giảm 0,09%. Riêng ăn uống ngoài gia đình tăng 0,35%.

Với diễn biến chỉ số giá tháng 8 này, nhận định gần đây của một số chuyên gia về khả năng lạm phát tăng không quá 7% trong năm nay tiếp tục được củng cố.