17:49 12/01/2008

“Cuồng phong” giá vàng ở 900 USD/oz, dầu “trôi dốc”

Kiều Oanh

Ngày 11/1, giá vàng trên thị trường thế giới lần đầu tiên trong lịch sử chạm mốc 900 USD/oz, trong khi giá dầu sụt xuống 92 USD/thùng

Nhu cầu mua vàng thì khó có thể bị hãm lại vì các nhà đầu tư vẫn sẽ coi đây là “nơi trú ẩn” an toàn nhất.
Nhu cầu mua vàng thì khó có thể bị hãm lại vì các nhà đầu tư vẫn sẽ coi đây là “nơi trú ẩn” an toàn nhất.
Ngày 11/1, giá vàng trên thị trường thế giới lần đầu tiên trong lịch sử chạm mốc 900 USD/oz, trong khi giá dầu sụt xuống 92 USD/thùng.

Tại New York, giá vàng thỏi kỳ hạn giao tháng 2/2008 tiếp tục tăng thêm 4,10 USD/oz, tương đương 0,5%, chốt lại ngày giao dịch ở mức 897,70 USD/oz. Trong buổi sáng, giá vàng có lúc chạm mức 900,10 USD/oz, cao nhất từ trước đến nay.

Giá vàng giao ngay cũng tăng thêm 4 USD/oz, tương đương 0,45%, lên mức 895,60 USD/oz.

Tại thị trường trong nước, giá vàng cũng hối hả “leo thang”. Cuối giờ chiều nay (12/11), vàng SJC được niêm yết ở mức 1.710.000 đồng/chỉ (mua vào) và 1.720.000 đồng/chỉ (bán ra), tăng thêm 10.000 đồng chỉ so với sáng hôm qua.

Vàng, "hầm trú ẩn" an toàn nhất

Nguyên nhân chính đẩy giá vàng qua mốc 900 USD/oz trong phiên giao dịch cuối tuần chính là dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm lãi suất đồng USD thêm 0,5% từ mức 4,25% hiện tại xuống mức 3,75% để “giải cứu” cho nền kinh tế lớn nhất thế giới trước nguy cơ suy thoái.

Khả năng này tăng cao hơn bao giờ hết sau khi Chủ tịch FED Ben Bernanke có bài phát biểu nhận định rằng, việc cắt giảm lãi suất là cần thiết để bảo vệ kinh tế Mỹ khỏi đà tăng trưởng chậm lại.

Trong năm ngoái, việc FED cắt giảm lãi suất đồng USD 1% trong 3 lần liên tiếp đã khiến đồng tiền này mất giá 9,5% so với Euro, đẩy giá vàng tăng 31%.

Theo nhà phân tích William O'Neill của một công ty nghiên cứu thị trường hàng hóa có tên Logic Advisors tại New Jersey, trong trường hợp kinh tế Mỹ suy thoái, nhu cầu đối với các loại hàng hóa nói chung sẽ giảm xuống, nhưng nhu cầu mua vàng thì khó có thể bị hãm lại vì các nhà đầu tư vẫn sẽ coi đây là “nơi trú ẩn” an toàn nhất.

Cũng chính vì lý do này mà các loại cổ phiếu và trái phiếu chính phủ tại Mỹ đang mất giá nặng. Ngày 11/1, giá trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2004. Từ đầu năm đến nay, chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán nước này cũng đã sụt mất 4,3%.

Đợt tăng giá vàng từ năm 2007 đến nay là đợt tăng giá mạnh mẽ nhất của kim loại này từ năm 1979, năm mà lạm phát tại Mỹ ở mức trên 13%. Hiện cũng có nhiều yếu tố nâng đỡ giá vàng như ở thời điểm tháng 1/1980, khi giá vàng chạm kỷ lục 873 USD/oz. Những yếu tố đó là đồng USD suy yếu, giá dầu cao đẩy nguy cơ lạm phát lên cao và tình trạng đối đầu giữa Mỹ và Iran.

Các nhà quan sát cho rằng, với tình hình như hiện nay, mốc 1.000 USD của giá vàng trong năm nay sẽ không phải là điều gì ngoài sức tưởng tượng. Ngoài ra, giới chuyên môn cũng dự báo mức giá vàng bình quân của cả năm nay sẽ là 862 USD/oz.

Thị trường dầu đang hạ nhiệt

Trái ngược với xu hướng tăng giá mạnh mẽ của giá vàng trong những ngày qua, giá dầu thế giới trong ngày 11/1 lại đi xuống ngày thứ ba liên tiếp, chạm mốc thấp nhất trong 3 tuần.

Tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ tiếp tục mất thêm 1,02 USD/thùng, tương đương 1,1%, đóng cửa phiên giao dịch ở mức 92,69 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 20/12 năm ngoái. Còn tại London, giá dầu thô Brent cũng giảm 1,15 USD/thùng, đóng cửa ở mức 91,07 USD/thùng.

“Có một số dấu hiệu cho thấy, thị trường dầu đang hạ nhiệt. Có thể đã đến lúc người ta thấy phi lý khi phải trả mức giá dầu quá cao như những ngày qua”, nhà phân tích Peter Beutel của công ty tư vấn năng lượng Cameron Hanover thuộc bang Connecticut nhận định.

Một số nhà phân tích khác thì cho rằng, việc dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh trong tuần trước đã không thể là một một nhân tố “kích” giá dầu lên vì có nhiều thông tin cho thấy, nhu cầu dầu của thế giới có thể giảm, do khả năng rơi vào suy thoái của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Nhật Bản.