08:58 18/01/2010

Da giày đặt mục tiêu xuất khẩu 5 tỷ USD năm 2010

Hồng Thoan

Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam Nguyễn Đức Thuấn nói về khả năng xuất khẩu của ngành da giày năm 2010

Công nghiệp da giày có nhiều lợi thế để phát triển.
Công nghiệp da giày có nhiều lợi thế để phát triển.
Kế hoạch tăng trưởng từ 10 đến 15% mà ngành da giày Việt Nam đặt ra cho năm 2010 hứa hẹn sẽ đem lại doanh số xuất khẩu khoảng 5 tỷ USD.

Đại diện các doanh nghiệp da giày đang đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành có những động thái hỗ trợ tích cực hơn giúp ngành hình thành được các trung tâm về nguyên liệu, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam Nguyễn Đức Thuấn cho biết.

Ông đánh giá thế nào về tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu năm vừa qua đến xuất khẩu da giày của Việt Nam?

Năm 2009, ngành da giày Việt Nam xuất khẩu gần 4,1 tỷ USD, giảm khoảng 13% so với năm 2008. Sự sụt giảm về kim ngạch chủ yếu do xuất khẩu vào thị trường Mỹ giảm (năm 2009 chỉ  đạt khoảng 1,1 tỷ USD, trong khi năm 2008 đã đạt tới 1,5 tỷ USD). Với thị trường Liên minh châu Âu, năm 2008, xuất khẩu da giày đạt 2,2 tỷ USD và năm 2009 vẫn đạt xấp xỉ 2,1 tỷ USD.

Xuất khẩu da giày của Việt Nam ra thị trường thế giới có Bắc Mỹ (Mỹ, Mehico và Canada), 27 nước của Liên minh châu Âu và Liên bang Nga, Đông Âu. Thị trường nhập khẩu rất lớn. Trong khi đó 5 nước xuất khẩu của châu Á luôn cạnh tranh với nhau: Trung Quốc (chiếm khoảng 50%), Việt Nam hiện ở vị trí thứ hai, tiếp đến là Ấn Độ, Indonesia và Bangladesh. Tổng lượng sản xuất của 5 nước hiện đạt trên 80% dung lượng giày cần nhập khẩu trên thị trường toàn thế giới.

Với vai trò Chủ tịch Hiệp hội da giày Việt Nam, ông đánh giá thế nào về  năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành?

Sau gần 20 năm hình thành và phát triển theo mô hình sản xuất công nghiệp đến nay đa số các doanh nghiệp trong ngành đã là công ty cổ phần. Hiện nay, Việt Nam có tổng số gần 500 doanh nghiệp ngành da giày. Trong đó tại miền Nam là gần 400 doanh nghiệp, miền Trung 10 doanh nghiệp và miền Bắc 60 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu chủ yếu tập trung vào 50 doanh nghiệp lớn có quy mô lao động 10.000 người trở lên, dây chuyền công nghệ hiện đại và có lượng khách hàng lớn như các công ty làm cho Nike, Adidad và các Tập đoàn phân phối lớn như Wallmart, Decatalon hoặc một loạt các kênh phân phối khác. Riêng 50 doanh nghiệp này chiếm tới 3/4 tổng doanh số.

Vì đặc thù của ngành da giày có cả công nghệ may mặc, công nghệ hóa cao su, công nghệ khuôn định... tạo thành một tổ hợp của các ngành, nên những doanh nghiệp không làm chủ được công nghệ thì khó chiếm lĩnh thị trường và ăn sâu vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Các doanh nghiệp đứng đầu ngành da giày hiện nay thuộc một tập đoàn nước ngoài với khoảng 0,5 triệu lao động.

Đồng thời, theo đánh giá của Hiệp hội Giày thế giới và Hiệp hội Da giày Việt Nam, ngành công nghiệp thời trang da giày của Việt Nam vẫn còn tiếp tục có lợi thế phát triển đến khi nào thu nhập bình quân trên đầu người của Việt Nam đạt trên 7.000 USD/người thì lợi thế này mới dần giảm đi. Thế nên, theo nhận định chung của ngành, đến năm 2020, thậm chí đến năm 2025, công nghiệp thời trang da giày vẫn phát triển mạnh với lực lượng lao động đặc thù của Việt Nam là lao động phổ thông.

Với năng lực như vậy, mục tiêu xuất khẩu mà ngành da giày hướng tới trong năm 2010 cụ  thể như thế nào? Các cơ quan chức năng cần hỗ trợ gì để tạo điều kiện thuận lợi cho ngành phát triển mạnh hơn trong năm nay?

Năm 2010, ngành da giày đề ra kế hoạch tăng trưởng từ 10 – 15%, đảm bảo doanh số xuất khẩu 4,5 – 5 tỷ USD. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, chúng tôi kiến nghị với Bộ Công Thương nghiên cứu hỗ trợ cho ngành da giày giống như ngành dệt may là xây dựng một thương hiệu của ngành công nghiệp thời trang da giày, trong đó chú trọng nhất là khâu đào tạo lực lượng thiết kế tạo giá trị gia tăng cao.

Kinh nghiệm này đã được một số nền kinh tế có ngành da giày phát triển chậm hơn Việt Nam như Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan... thực hiện rất thành công. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Công Thương can thiệp để có thể hình thành lên các trung tâm về nguyên liệu. Bởi thực tế, các tỉnh đều rất “ngại”, hầu như không tiếp đón các dự án thành lập khu, cụm công nghiệp dệt, nhuộm và thuộc da.

Trong khi hiện nay, riêng để phục vụ sản xuất dòng giày thể thao thì ngành công nghiệp giày Việt Nam đã chủ động được tới 65% nguồn nguyên liệu, còn lại 35% là những loại da đặc thù hoặc những loại da, loại PU cao cấp vẫn đang nằm  ở Đài Loan, Trung Quốc, Italia mà họ không chuyển giao cho Việt Nam. Muốn có được các loại nguyên liệu này chúng ta phải có những cụm công nghiệp chuyên ngành về phụ liệu.

Vì vậy, ngành da giày đang rất “bí”, bởi rất nhiều Hiệp hội của thế giới đang muốn đầu tư vào Việt Nam để thuộc da nhưng không có chỗ để đặt hàng, không tỉnh nào nhận. Chúng tôi đề nghị Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công Thương và các địa phương quan tâm làm sao để ngành da giày có thể đầu tư công nghệ nguyên liệu gốc – tức là thuộc da. Hiện Việt Nam mới thuộc da được chưa tới 20% trong tổng số nhu cầu cần phải có nên đều phải nhập khẩu nguyên liệu da đã thuộc rồi về chế biến.

Thêm vào đó, chúng tôi đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương có chương trình "nặng tay" hơn để Cục Xúc tiến thương mại xây dựng thương hiệu của ngành thời trang Việt Nam – gồm may mặc, da giày, túi xách, dây lưng, đồ trang sức... Đây sẽ là thương hiệu của quốc gia. Đồng thời, hỗ trợ mạnh cho các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu tại thị trường nội địa, cũng như các kênh phân phối.