14:17 18/06/2012

Đâu là hiệu quả thực sự của chương trình bình ổn giá?

Lê Trà

Chương trình bình ổn giá hầu như chưa để lại ấn tượng trong ý thức tiêu dùng của đại đa số người dân

Chương trình bình ổn giá hầu như chưa để lại ấn tượng trong ý thức tiêu dùng của đại đa số người dân.
Chương trình bình ổn giá hầu như chưa để lại ấn tượng trong ý thức tiêu dùng của đại đa số người dân.
Qua 10 năm thực hiện tại Tp.HCM, 5 năm tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác, chương trình bình ổn giá hầu như chưa để lại ấn tượng trong ý thức tiêu dùng của đại đa số người dân. Họ không biết mình nhận được gì và thực sự là bao nhiêu.

Mỗi năm thực hiện chương trình bình ổn giá, các cơ quan chức năng đều có đánh giá, nhưng giá trị của các con số chỉ dừng ở tầm vĩ mô và định tính.

Chẳng hạn, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Tp.HCM thấp hơn so với cả nước nhưng thực chất, chương trình này có tác động làm giảm bao nhiêu phần trăm CPI thì chưa được xem xét và tính toán. Số điểm bán hàng tăng lên, nguồn ngân sách địa phương cũng gia tăng.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, chỉ có 25% doanh nghiệp tham gia chương trình không nhận hỗ trợ về tài chính. Số địa phương áp dụng các nguồn tài chính khác ngoài ngân sách trực tiếp của địa phương chỉ chiếm 11/47 doanh nghiệp tham gia. Mỗi người tiêu dùng được bao nhiêu tiền từ chương trình, cụ thể hơn, mỗi người nghèo thêm được bao nhiêu kg gạo không phải là tham số để đánh giá hiệu quả.

Đây là một biến số cần thiết để tính được chênh lệch giữa số tiền ngân sách bỏ ra với khoản thụ hưởng thực tế của người dân. Từ đó, có thể tính được số tiền “rơi vãi” trong khi thực hiện chương trình và trả lời được câu hỏi, thực chất chương trình dành cho người giàu hay kẻ nghèo?

Cuối tuần qua, hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá chương trình bình ổn giá của Chính phủ với một số bộ, ngành và 36 tỉnh, thành trên cả nước được tổ chức tại Hà Nội. Tại đây, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng những kết quả của chương trình này có tác động tích cực đặc biệt là các kết quả chỉ tiêu về số địa phương, số doanh nghiệp, điểm bán hàng, đều tăng lên. Điều đáng mừng là chương trình đã tới được khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ giảm giá duy trì được thường xuyên, đáng kể.

“Đây là một trong những biện pháp đóng góp hết sức quan trọng trong bài toán kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế của Chính phủ và có tác động tích cực đến mục tiêu an sinh toàn xã hội”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Theo báo cáo của các địa phương, chương trình được thực hiện thông qua các biện pháp chủ yếu là chính quyền địa phương tạm ứng vốn ngân sách tạm thời nhàn rỗi với lãi suất 0% hoặc sử dụng ngân sách hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng cho các doanh nghiệp được lựa chọn tham gia chương trình.

Các doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức sản xuất kinh doanh, dự trữ lượng hàng hoá, bảo đảm số lượng, chất lượng, giá cả và các điều kiện khác của vhương trình. doanh nghiệp phải đăng ký giá và cam kết bán hàng bình ổn giá với giá thấp hơn giá thị trường từ 5-10% hoặc thấp hơn nữa; khi điều chỉnh giá phải báo cáo cơ quan quản lý xem xét.

Đánh giá của Bộ Công Thương thì cho thấy chương trình đã "thực sự đem lại hiệu quả thiết thực, số doanh nghiệp và tổng giá trị hàng hóa tham gia triển khai chương trình ngày càng tăng và đa dạng phong phú về các mặt hàng". Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết mức độ xã hội hóa ngày càng lan tỏa, trước kia 100% các doanh nghiệp là phải ứng vốn tham gia chương trình, nhưng nay, trong 245 doanh nghiệp tham gia chương trình thì có 60 doanh nghiệp không nhận ứng vốn.

Tuy nhiên, cả Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, hai cơ quan chủ trì thực hiện chương trình, đều nhận định, chương trình vẫn tồn tại một số điểm yếu kém. Cụ thể, số lượng các điểm bán hàng còn chưa rộng khắp, nên đối tượng thụ hưởng trực tiếp vẫn chưa nhiều, việc đầu cơ mua hàng bình ổn rồi bán lại để hưởng chênh lệch còn khá phổ biến.

Nhiều nơi còn có sự hiểu sai về chương trình bình ổn giá. Con số 250 doanh nghiệp tham gia bán hàng bình ổn là quá thấp so với quy mô của thị trường.

Tại nhiều địa phương, các doanh nghiệp đề xuất, để mở rộng các địa điểm bán hàng đến vùng sâu vùng xa cần kiểm soát chặt chẽ các địa điểm bán hàng nhập lậu trôi nổi trên thị trường. Các địa phương cũng kiến nghị cần nâng cao trách nhiệm, tinh thần của các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn giá, có những phê phán xử phạt công bằng với những doanh nghiệp nào lợi dụng bán hàng bình ổn để hưởng lợi bất chính.

"Chính phủ, các bộ, ngành sẽ tiếp tục tạo điều kiện về mặt chủ trương, cơ chế để các địa phương thực hiện chương trình bình ổn", Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nói. "Các địa phương hết sức ưu tiên hỗ trợ phát triển hệ thống bán lẻ, các điểm bán hàng bình ổn, đẩy mạnh hơn nữa quá trình xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia chương trình".