09:55 15/09/2011

Đầu tư ra nước ngoài: “Chịu” như trong nước, hoặc… làm chui

Anh Quân

Hoạt động đầu tư ra ngoài dù vẫn được khuyến khích, nhưng cơ chế thì còn bó… như trong nước

Mạng viễn thông di động Unitel là dự án đầu tư rất hiệu quả của Viettel tại Lào
Mạng viễn thông di động Unitel là dự án đầu tư rất hiệu quả của Viettel tại Lào
Giả sử, dự trữ ngoại hối đã tốt lên rất nhiều trong thời gian gần đây, sau khi Ngân hàng Nhà nước mua vào cỡ khoảng 6 tỷ USD, thì khoản đầu tư ra nước ngoài lên đến mức 10 tỷ USD của doanh nghiệp Việt Nam cũng chiếm kha khá trong tiềm lực ngoại hối quốc gia.

Theo một báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, tính tới 29/7, đã có 601 dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra ngoài lãnh thổ với tổng mức đầu tư đăng ký lên tới gần 24,56 tỷ USD. Nếu tính theo vốn điều lệ, nhà đầu tư Việt Nam đã cam kết góp vốn xấp xỉ 10 tỷ USD.

Cho nên, việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư có tới 10 “ăng ten” ở nước ngoài, hoạt động chính về hỗ trợ thu hút đầu tư, cũng là điều dễ hiểu. Trong quan điểm của Bộ, thậm chí những thị trường đầu tư quan trọng của doanh nghiệp Việt Nam còn phải có nghiên cứu cụ thể để hỗ trợ dòng vốn hiệu quả hơn.

Nhưng gần đây, nhiều phản ánh từ doanh nghiệp cho thấy, hoạt động đầu tư ra nước ngoài dù vẫn được khuyến khích nhưng cơ chế thì còn bó… như trong nước. Nhiều khổ chủ mới đây đã “tố” lên Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương.

“Cần sửa đổi Nghị định 78 về đầu tư ra nước ngoài (Nghị định 78/2006/NĐ-CP quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài - PV). Ở đây, rất nhiều doanh nghiệp đầu tư nhưng mà cả Nghị định 78 này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất bảo thủ”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) Trần Bắc Hà nói.

Có tới 8 điểm bất cập được ông Hà kiến nghị lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến Nghị định 78, cái ông thấy khó nhất là chuyện chuyển vốn trước khi dự án đầu tư ra nước ngoài được chấp thuận đầu tư, liên quan đến điều 23 của Nghị định 78.

“Người ta muốn có dự án đầu tư thì phải bỏ chi phí khảo sát, thăm dò, đánh giá, lập báo cáo, rồi chi phí đưa chuyên gia sang… Thế mà không đồng ý thì làm sao chuyển tiền ra bên ngoài được. Một chuyện đơn giản thế thôi mà không sửa nên doanh nghiệp cứ đi làm chui, đem Đô la lậu vượt qua cửa khẩu biên giới. Mà chui bị bắt được là chết. May mà “giỏi”, chưa ai bị bắt”, ông Hà nói thẳng.

Hay một kiến nghị khác là từ Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Xăng dầu (Petrolimex) Bùi Ngọc Bảo, liên quan đến điều 25 Nghị định 78 về nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài.

“Petrolimex đầu tư ra bên ngoài chỉ là hoạt động thương mại thôi, không có đầu tư cơ sở vật chất mà cái này thực thi cứ sau 6 tháng quyết toán phải chuyển lợi nhuận về thì không có tái đầu tư”, ông Bảo nêu vấn đề. Theo vị này, để doanh nghiệp giữ được vốn tái đầu tư ra bên ngoài đúng luật, thủ tục giữ vốn “cực kỳ khó”.

“Tôi đề nghị là không nên có các rào cản đối với đơn vị đầu tư ra bên ngoài. Trong kiến nghị sửa đổi quy định đối với doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài cũng xin lưu ý vấn đề tài chính của doanh nghiệp”, ông Bảo kiến nghị.

Cũng liên quan đến vấn đề vốn đầu tư, ông Trần Bắc Hà nêu một chuyện khác. Trong khi nước láng giềng Trung Quốc cho vay có những dự án lên đến 85% vốn, thông thường là 70%, thế nhưng Việt Nam “không có gì thì làm sao thắng được”.

Chưa có quy định cụ thể thì đôi khi, một cuộc điện thoại cũng giúp cho doanh nghiệp nào đó có được hợp đồng tín dụng cho dự án, nhưng lại không thể áp dụng rộng rãi. Ông Hà cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần sớm có nghị định hướng dẫn về hỗ trợ cấp tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư ra bên ngoài, tùy theo lĩnh vực phải cho vay đến 80% vốn.

Hay một việc là “thông lệ” quốc tế nhưng lâu nay không được điều chỉnh trong các văn bản luật. “Các chính phủ người ta quy định ngay trong thỏa thuận khai thác và ăn chia sản phẩm, đây ông vào đầu tư trên đất chúng tôi, ông phải đóng góp để xây dựng trường học, y tế cho đồng bào ở đấy… Thế mà mình không cho hạch toán thì rất là gay”, ông Hà phản ảnh thêm.

Hiện tại, để xử lý vấn đề này các doanh nghiệp Việt Nam có đầu tư ra bên ngoài phải sử dụng nguồn tiền từ quỹ phúc lợi của doanh nghiệp, hoặc mỗi lần phát sinh khoản hỗ trợ mới thì xin ý kiến Bộ Tài chính

“Bộ Tài chính cần phải có hướng dẫn, chấp thuận cho các doanh nghiệp một tỷ lệ trên doanh thu để hạch toán về chi phí. Phần lớn đầu tư ra bên ngoài là phải gắn với an sinh xã hội, không làm cái ấy không được”, ông Hà kiến nghị.

Với Tập đoàn Sông Đà, đơn vị có nhiều dự án thủy điện tại Lào, cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề trong điều hành mà chủ yếu là do đầu tư “gần quá” nên các bộ, ngành trong nước cứ nghĩ như ở Việt Nam.

“Các chế độ đầu vào, lương các thứ nghĩ cứ như ở Việt Nam, nó khó thế”, ông Dương Khánh Toàn, người sẽ giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Sông Đà từ ngày 1/10 tới đây cho hay.

Hoặc một chuyện khác cũng phát sinh với dự án của Sông Đà tại Lào mà nguyên nhân là quy định không “khớp” giữa hai quốc gia. Với Việt Nam, theo quy định là đơn vị thiết kế không được giám sát. Nhưng cũng ông Toàn cho biết, trước đây các dự án của doanh nghiệp này còn có Tập đoàn Điện lực tham gia giám sát, nay “cũng bận nhiều việc” nên không làm.

“Với Lào, luật không cấm. Chúng tôi một đơn vị thiết kế, một đơn vị khác cũng của Sông Đà giám sát, thanh toán ngân hàng Lào không có vấn đề, thanh toán ngân hàng Việt Nam lại bảo không được. Cứ thế là kéo dài thủ tục…”, ông Toàn cho biết.

Chuyện đầu tư ra bên ngoài lợi suất không cao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhiều lần đề cập, nhưng Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà cho rằng đầu tư mới nên không thể tính toán lợi ích sớm. “Bây giờ, không tranh thủ chiếm lĩnh địa bàn bên ngoài, 5 năm nữa liệu còn cái gì nữa không?”, ông đặt vấn đề.