11:36 17/11/2008

Dệt may trên “sân nhà”: Hai vấn đề cần giải quyết

Hồng Thoan

Yếu tố tiên quyết để dệt may chiếm lĩnh thị trường trong nước lúc này là giá thành hợp lý và hệ thống phân phối tốt hơn

Nhìn chung, người tiêu dùng Việt Nam chưa thực sự cần hàng dệt may có thương hiệu nổi tiếng, mà chủ yếu là giá cả hợp lý, kiểu dáng chấp nhận được, chất liệu phù hợp là được - Ảnh: Việt Nam.
Nhìn chung, người tiêu dùng Việt Nam chưa thực sự cần hàng dệt may có thương hiệu nổi tiếng, mà chủ yếu là giá cả hợp lý, kiểu dáng chấp nhận được, chất liệu phù hợp là được - Ảnh: Việt Nam.
Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chỉ chiếm được khoảng 30% thị phần nội địa, phần còn lại thuộc về hàng ngoại nhập và các nhà may nhỏ trong cả nước. Dệt may Việt Nam cần một chiến lược phát triển toàn diện và dài hạn.

Hàng ngoại nhập chiếm 30% thị phần, trong đó khoảng 20% là hàng dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc. Đó là số liệu do Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) xác định được thông qua kết quả của những cuộc nghiên cứu thị trường được tiến hành trong thời gian qua.

Người tiêu dùng nội địa cần gì?

Xác định tính chất của thị trường nội địa đối với ngành dệt may Việt Nam, ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc Vinatex thẳng thắn chỉ rõ, mặc dù tiêu thụ hàng dệt may Việt Nam tại thị trường nội địa hiện đang đạt 4,5 tỷ USD. Nhưng phải xác định một cách công bằng Việt Nam vẫn là một nước đang phát triển và mức thu nhập bình quân đầu người chưa cao. Nhìn chung, người tiêu dùng Việt Nam chưa thực sự cần hàng dệt may có thương hiệu nổi tiếng, mà chủ yếu là giá cả hợp lý, kiểu dáng chấp nhận được, chất liệu phù hợp là được.

Chính vì vậy, đối với thị trường nội địa, ngành dệt may phải giải quyết được hai vấn đề. Một là giá thành hợp lý hơn nữa để mang đến cho người tiêu dùng một mức giá cả cạnh tranh.

Hai là mạng lưới phân phối phải phát triển rộng khắp hơn. Một lãnh đạo của Vinatex phân tích, tất nhiên, trong chiến lược phát triển thị trường nội địa phải quan tâm tới yếu tố thời trang, thương hiệu. Điều đó hoàn toàn đúng nhưng đó là về mặt lâu dài.

Tại thời điểm này, yếu tố tiên quyết để chiếm lĩnh thị trường trong nước là giá thành hợp lý và hệ thống phân phối tốt hơn.

Theo nhận định của ngành dệt may Việt Nam, xu thế chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa trong tiêu dùng của người Việt Nam sẽ được cải thiện từng bước cùng với tốc độ tăng trưởng của GDP. Chắc chắn ngưỡng tiêu thụ trong nước khi GDP vượt 1.500 USD/người/năm thì khu vực sản xuất hàng dệt may mang tính tiểu thủ công sẽ giảm dần, may mặc công nghiệp cung ứng cho thị trường nội địa sẽ lớn dần lên.

Không thể coi những tổ chức, cá nhân sản xuất hàng dệt may với tính chất tiểu thủ công là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp, mà đây là những đối thủ cực kỳ linh hoạt đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng ở các khu vực phù hợp với mức thu nhập hiện tại của họ.

Yếu tố đầu tiên dẫn tới việc quyết định mua của người tiêu dùng chính là giá, còn thiết kế và thương hiệu phải chờ tới lúc GDP trên đầu người đạt trên 2.000 USD, ông Lê Tiến Trường nhìn nhận.

Chiến lược

Ông Trường nói: “Cho nên, chúng tôi vẫn xác định trong dài hạn thì thương hiệu và thời trang vẫn là 2 yếu tố quyết định nhưng để tạo được đế vững cho phát triển thị trường nội địa thì trước hết phải là sản xuất tiết kiệm, giá thành hợp lý, tốc độ sản xuất linh hoạt, cung ứng kịp thời đơn hàng và kênh phân phối được phổ biến rộng khắp, tiết giảm những chi phí không cần thiết, không tạo giá trị gia tăng cho người tiêu dùng, làm sao rút khoảng cách chi phí trong phân phối lưu thông từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng càng nhỏ thì hiệu quả lan tỏa và tốc độ tăng trưởng thị phần của dệt may nội địa càng cao”.

Vì vậy, ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đặt mục tiêu trong 3 năm tới vẫn tập trung phát triển theo chiều hướng này, mặc dù chiến lược dài hạn của ngành vẫn phải là các yếu tố thương hiệu và thời trang. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề phải quan tâm giải quyết. Bởi đây là quá trình vừa phải tập trung đào tạo nhân lực thiết kế, vừa phải từng bước hội nhập với thị trường thời trang thế giới.

Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, Vinatex luôn là đơn vị tổ chức giải thưởng Grand Collection Prix, và luôn là đơn vị hỗ trợ tổ chức các chương trình Tuần lễ Thời trang ở cả miền Bắc và miền Nam.

“Nếu nói tới hiệu quả tức thời thì các chương trình này không thể tạo ra, vì việc hình thành nên một phong cách thời trang, hình thành nên một thế hệ các thương hiệu thời trang Việt Nam cần có một quá trình lâu dài, là một yếu tố kết hợp cả chất lượng, nghệ thuật và văn hóa, cho nên không thể nào chỉ cần 1- 2 năm mà đã hoàn thành phong cách thời trang Việt Nam”, ông Trường nói.

Về vấn đề hội nhập, ngành dệt may Việt Nam thực sự mới chỉ hội nhập với thế giới thông qua xuất khẩu khoảng 15-16 năm nay và đang từng bước dịch chuyển từ sản xuất hàng gia công sang sản xuất hàng hóa mang thương hiệu riêng của doanh nghiệp, hoặc sản xuất hàng dệt may với hàm lượng giá trị gia tăng của Việt Nam ngày càng tăng lên.