09:06 14/04/2008

“Điện sẽ thiếu đến 2020!”

Thùy Trang

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào trả lời phỏng vấn về tình trạng thiếu điện hiện nay

"Nếu thực sự tính thì từ nay đến năm 2020, chúng ta luôn trong tình trạng thiếu điện chứ không chỉ có năm nay".
"Nếu thực sự tính thì từ nay đến năm 2020, chúng ta luôn trong tình trạng thiếu điện chứ không chỉ có năm nay".
Bên lề Diễn đàn Chính sách an ninh năng lượng ASEM lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội ngày 11/4/2008, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào đã trả lời phỏng vấn về tình trạng thiếu điện hiện nay.

>>Điện cho mùa nóng: Sẽ huy động mọi nguồn!

Ông nhận xét như thế nào về tình trạng cắt điện tràn lan hiện nay?

Việc cắt điện là ngoài ý muốn của tất cả mọi người. Đó là do những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn tới.

Về khách quan, thứ nhất là do phụ tải. Năm ngoái, đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 20 tỉ USD. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư trong nước cũng tăng lên. Rõ ràng là tốc độ đầu tư làm phụ tải tăng lên, đòi hỏi chúng ta phải tăng hơn gấp đôi nguồn điện.

Thứ hai là thời tiết, hạn năm nay rất sớm. Nước được ưu tiên phục vụ cho tưới tiêu nhằm bảo đảm an ninh lương thực.

Thứ ba là nguyên nhân chủ quan do các nhà máy của chúng ta đưa vào hoạt động chậm hơn so với kế hoạch.

Nguyên nhân thứ tư là quá trình vận hành. Một số nhà máy đưa vào vận hành nhưng gặp sự cố, điều này nằm ngoài ý muốn. Như Uông Bí vừa rồi đưa vào hoạt động nhưng chưa ổn định, một loạt các đường ống dẫn khí đưa vào sửa chữa... Cắt điện là trách nhiệm của EVN và phải làm thế nào hài hòa không để ảnh hưởng đến sản xuất.

Bộ Công Thương dự kiến tình trạng cắt điện sẽ kéo dài bao nhiêu năm?

Nếu thực sự tính thì từ nay đến năm 2020, chúng ta luôn trong tình trạng thiếu điện chứ không chỉ có năm nay. Đó là quá trình lâu dài bởi vì ngành điện của Việt Nam luôn luôn chạy theo tốc độ phát triển cao trong khi nguồn lực có hạn.

Hơn nữa, vấn đề tổn thất của nguồn điện dẫn đến nguồn lực không đáp ứng kịp với nhu cầu. Chúng ta không có dự phòng. Thông thường, với lượng dự phòng khoảng 500-1.000 Mw, khi có sự cố sẽ không gây ảnh hưởng chung.

Vậy có cơ chế nào để khuyến khích các dự án của tư nhân tham gia đầu tư thủy điện?

Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp muốn tham gia đầu tư. Ngay như dự án điện Nghi Sơn 2 khi đấu thầu có 30-40 doanh nghiệp muốn tham gia nhưng đến lúc đàm phán về giá mới có vấn đề. Hiện nay, giá dầu tăng gấp 5-6 lần trước đây, giá than, xi măng, thép cũng tăng gấp đôi.

Các nhà đầu tư rất khó đầu tư khi giá các đầu vào xây dựng tăng gấp đôi nhưng giá điện bán ra chỉ như cũ. Bối cảnh như vậy đang đặt EVN trong tình thế khó khuyến khích. Khuyến khích để rồi phải mua giá cao.

Như vậy, EVN sẽ lỗ và ai sẽ bù lỗ. Cho nên đã đến lúc đặt ra vấn đề chấp nhận giá điện cao theo thị trường nhưng phải bảo đảm đủ điện.

Ông có nhận thấy việc luồng vốn FDI đổ vào nhiều trong khi nguồn điện không đủ cung cấp đang tạo mâu thuẫn lớn?

Đúng là đầu tư nước ngoài tăng đột biến. Chỉ một năm vừa qua đã thu hút bằng chục năm cộng lại. Từ trước tới nay mới thu hút được 60 tỉ USD vốn FDI, riêng năm ngoái góp phần tăng lên thành 80 tỉ USD.

Do đó, việc thiếu điện là đương nhiên nhưng chúng ta sẽ cố gắng đảm bảo đủ. Thực ra, nếu như năm nay nước hồ Hòa Bình không bị hạn thì cũng không có vấn đề gì lớn lắm. Sau năm 2015, tình hình sẽ ổn định hơn vì lúc đó thủy điện Sơn La đi vào hoạt động. Sơn La có lượng dự trữ nước tương đối lớn.

Chính phủ vừa đề nghị không tăng giá 10 mặt hàng trong đó có điện. Điều đó ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của các công ty sản xuất điện?

Như tôi nói ở trên, giá cả đầu vào tăng trong khi đầu ra không tăng được rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến kêu gọi đầu tư nước ngoài. Đầu ra không tăng được thì EVN không thể mua điện với giá cao của các nhà sản xuất dự án điện độc lập. Không mua được sẽ ảnh hưởng đến quá trình đầu tư.

Hơn nữa giá năng lượng hiện nay cao như giá than, khí tăng gấp đôi, hơn nữa thị trường dầu khí rất khó lường. Nguyên tắc mua điện phải tính lộ trình 10-15 năm chứ không thể tính giá ngay được. Nên việc đàm phán giá nhập khẩu rất khó khăn. Kể cả những dự án được phép của Chính phủ đầu tư điện độc lập đều chậm. Gần năm nay chưa đàm phán được vì giá thay đổi không lường được.

Theo ông, đâu là giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu điện hiện nay?

Trước tiên là phải đẩy phần nguồn lên. Đó là giải pháp quan trọng. Tức là làm sao để những dự án trọng điểm như Cà Mau 2, Tuyên Quang, tổ máy số 1 của Sơn La sớm đi vào hoạt động.

Thứ hai là, phải có hệ thống truyền tải điện ổn định, khoa học không ảnh hưởng làm mất cân đối nguồn điện.

Thứ ba là giảm tổn thất xuống dưới 8-9%. Hiện nay, tổn thất điện của chúng ta khoảng 11%.

Thứ tư là tiết kiệm điện. Hiện nay, Bộ Công Thương đã có những chương trình tiết kiệm năng lượng.

Cuối cùng là cải tổ lại cơ cấu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, phối hợp tốt giữa các nhà sản xuất điện để có được nguồn điện dự trữ từ 500-1.000 Mw mới có thể đảm bảo an ninh năng lượng.