14:56 02/12/2009

Doanh nghiệp xăng dầu “tăng” lỗ 1.025 tỷ đồng

Y Nhung

Trong hai năm 2006 -2008, số lỗ của các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối với mặt hàng dầu đã tăng thêm 1.025 tỷ đồng

Có đơn vị tại một số thời điểm Nhà nước tăng giá bán nhưng vẫn bán cho một số trường hợp theo giá cũ.
Có đơn vị tại một số thời điểm Nhà nước tăng giá bán nhưng vẫn bán cho một số trường hợp theo giá cũ.
Trong hai năm 2006 -2008, số lỗ của các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối với mặt hàng dầu đã tăng thêm 1.025 tỷ đồng.

Thông tin trên được ông Lê Minh Khái, Phó tổng kiểm toán Nhà nước công bố tại buổi họp báo về kết quả kiểm toán chuyên đề cấp bù lỗ tại các đầu mối nhập khẩu xăng dầu giai đoạn 2006 -2008, sáng nay 2/12.

Theo đó, cuộc kiểm toán đã tập trung vào xác nhận số lỗ kinh doanh các mặt hàng dầu giai đoạn 2006-2008 của các đầu mối nhập khẩu xăng dầu đề nghị Nhà nước cấp bù; kiểm toán việc cấp bù mặt hàng dầu tại Bộ Tài chính; kiểm toán việc chấp hành pháp luật trong việc cấp bù lỗ các mặt hàng dầu.

Tuy nhiên, ông Đào Văn Dũng, quyền Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kiểm toán Nhà nước cho biết: kiểm toán không thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính; không chứng kiến kiểm kê các mặt hàng dầu tại các thời điểm điều chỉnh tăng, giảm giá; không xác minh đối chiếu nguồn gốc phát sinh các hóa đơn, chứng từ mua, bán vật tư, cung cấp dịch vụ trong giai đoạn này; không đối chiếu xác nhận các khoản nợ phải thu, phải trả tại thời điểm 31/12 các năm mà chỉ căn cứ vào chứng từ, tài liệu do các đầu mối cung cấp.

Kết quả kiểm toán tại 10 đầu mối nhập khẩu xăng dầu bao gồm: Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Công ty Thương mại Kỹ thuật Đầu tư, Công ty Dầu khí Tp.HCM, Công ty Xăng dầu Quân đội, Công ty Vật tư Tổng hợp Phú Yên, Công ty Thương mại Xăng dầu đường biển, Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, Công ty Cổ phần liên doanh Dầu khí Mêkông, Công ty Xuất nhập khẩu Thanh Lễ và Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), đã cho thấy các đầu mối nhập khẩu xăng dầu cơ bản đã chấp hành pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên trong quá trình kiểm tra đã phát hiện một số đầu mối nhập khẩu xăng, dầu áp dụng mức chiết khấu bán hàng cao hơn mức quy định; có đơn vị tại một số thời điểm Nhà nước tăng giá bán nhưng vẫn bán cho một số trường hợp theo giá cũ.

Sau thời điểm Quyết định số 32/2008/QĐ- BTC ngày 23/9/2008 của Bộ Công Thương có hiệu lực thi hành, các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu không còn bị khống chế mức thù lao nên đã liên tục điều chỉnh mức thù lao lên cao nhằm cạnh tranh thu hút khách hàng. Điều này dẫn đến chi phí thực tế của doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu tăng.

Thêm vào đó, phần lớn các đầu mối hạch toán các khoản đầu tư tài sản, các nguồn khác đài thọ vào chi phí, phân bổ chi phí không đúng đối tượng; chưa tính toán đầy đủ các khoản thu, chi, hoạt động khác liên quan đến kết quả  kinh doanh các mặt hàng dầu… Dẫn tới số lỗ kinh doanh các mặt hàng dầu doanh nghiệp báo cáo đã tăng thêm 1.025 tỷ đồng so với thực tế.

Cục Tài chính doanh nghiệp thì không lập bản tổng hợp quyết toán cấp bù theo năm; chưa phối hợp với các cơ quan chức năng trong kiểm tra, phê duyệt quyết toán cấp bù cho các đầu mối dẫn đến việc cấp bù không đảm bảo tiến độ gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong cân đối nguồn vốn.

Cục này cũng chưa xử lý kiên quyết, kịp thời số tạm ứng vượt tới 95% theo quy định tại văn bản số 5010/BTC- TCDN của Bộ Tài chính (trên 34 tỷ đồng) đối với Công ty Thương mại Xăng dầu đường biển, trong năm 2008.

Về khoản tài chính chênh lệch, “Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị  thu hồi số tiền cấp bù lỗ các mặt hàng dầu tăng, thu cho ngân sách Nhà nước trên 87 tỷ đồng. Giảm quyết toán, giảm cấp bù lỗ cho các mặt hàng dầu năm 2008 từ ngân sách gần 938 tỷ đồng”, ông Khái cho biết.

Đơn vị này cũng đã kiến nghị cơ quan chức năng cần lưu ý trong việc ban hành chính sách quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu và cấp bù lỗ các mặt hàng dầu để đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Tuy vậy, mức thù lao đại lý, tổng đại lý; định mức hao hụt xăng dầu (ban hành từ 1986 đến nay) cũng cần được sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.  

Thêm nữa, việc giao hạn mức nhập khẩu xăng, dầu phải gắn với công tác kiểm tra, giám sát trách nhiệm đảm bảo an ninh năng lượng đối với các doanh nghiệp được cấp quota.