16:55 15/04/2008

Độc quyền dịch vụ sân bay, hàng không “kêu cứu”

Xuân Vũ

Giá dịch vụ tại các cảng hàng không tăng chóng mặt, khiến các hãng hàng không phải “kêu cứu” tới cơ quan quản lý

Hiện Vietnam Airlines cũng đang đàm phán với các cụm cảng về việc ban hành giá mới và không chấp nhận sự tăng giá trái luật của các cụm cảng - Ảnh: Việt Tuấn.
Hiện Vietnam Airlines cũng đang đàm phán với các cụm cảng về việc ban hành giá mới và không chấp nhận sự tăng giá trái luật của các cụm cảng - Ảnh: Việt Tuấn.
Giá hàng loạt dịch vụ tại các cảng hàng không tăng chóng mặt, khiến Vietnam Airlines, Pacific Airlines cùng nhiều hãng hàng không nước ngoài phải “kêu cứu” tới Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính.

Trong đó, giá nhiều loại dịch vụ đã tăng cao gấp 10 lần. Sự việc như giọt nước làm tràn ly về căn bệnh độc quyền trong lĩnh vực kinh doanh khai thác dịch vụ tại các cảng hàng không hiện nay.

Độc quyền, giá tăng “phi mã”

Vừa qua nhiều hãng hàng không đã phải gửi văn bản lên Bộ Tài chính, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải “phàn nàn” về mức phí dịch vụ đã tăng cao gấp nhiều lần khiến hoạt động kinh doanh rơi vào cảnh khó khăn.

Theo đó, mức giá mà các cụm cảng hàng không tự ý tăng, dịch vụ cho thuê quầy làm thủ tục hàng không hơn 5 lần, từ 980.000 đồng/chuyến lên 5,8 triệu đồng/chuyến. Dịch vụ xe đầu kéo hành lý tăng từ 200.000 đồng/giờ lên 800.000 đồng/giờ. Đặc biệt, dịch vụ vận chuyển khách trong sân đỗ tăng từ 450.000 đồng /chuyến lên 4,3 triệu đồng/chuyến.

Cụm cảng hàng không miền Bắc, Cụm cảng hàng không miền Nam đều có quyết định ban hành khung giá dịch vụ mới. Chỉ tính riêng dịch vụ vận tải trong sân đỗ, chi phí vận chuyển một người trong vài trăm mét lên tới 30.000 đồng, cao hơn giá 1 hành khách đi 40 km từ Nội Bài về Hà Nội (25.000 đồng).

Cùng trong thời gian này, sau khi nhà ga hành khách mới tại Tân Sơn Nhất đi vào hoạt động, Cụm cảng hàng không miền Nam đã nâng mức thu đối với mỗi hành khách sử dụng phòng khách VIP từ 15 lên 32 USD (tăng 113%). Quyết định này đã bị phản ứng không chỉ từ các hãng hàng không nội địa mà còn của cả trưởng đại diện các hãng hàng không quốc tế có chuyến bay đến Tp.HCM.

Giá tăng cao chóng mặt, khiến lãnh đạo của Pacific Airlines thực sự lo lắng. Ông Lương Hoài Nam - Tổng giám đốc Pacific Airlines nói: “Nếu giá phục vụ mặt đất tại các sân bay, đặc biệt là sân bay địa phương tăng theo biểu giá mới này sẽ khiến các chuyến bay đến Huế, Cam Ranh... lỗ rất nặng, vượt khỏi khả năng chịu đựng về tài chính của Pacific Airlines. Tình hình không khả quan hơn, có thể chúng tôi sẽ xem xét hủy kế hoạch mở đường bay tới Đà Lạt và Buôn Ma Thuột vào tháng 8 này”.

Theo ông Nam, hầu hết các dịch vụ được cung cấp tại sân bay hiện nay là dịch vụ độc quyền và vì vậy giá phải được các cơ quan có thẩm quyền kiểm soát hữu hiệu ngăn ngừa khả năng áp đặt giá hoặc phân biệt đối xử, gây thiệt hại cho các hãng hàng không, gián tiếp gây thiệt hại cho hành khách.

Còn đại diện của Vietnam Airlines khẳng định, dịch vụ trong cụm cảng hàng không là do Bộ Tài chính quy định khung biểu giá, bởi đây là một loại hình dịch vụ độc quyền. Với những loại dịch vụ cụm cảng được phép định giá cũng phải thương thảo với khách hàng theo hợp đồng kinh tế đã ký. Hiện Vietnam Airlines cũng đang đàm phán với các cụm cảng về việc ban hành giá mới và không chấp nhận sự tăng giá trái luật của các cụm cảng.

Để bảo vệ quyền lợi của các hãng bay cũng như của hành khách, ông Dương Chí Thành - Chủ tịch Hiệp hội các hãng hàng không hoạt động tại Việt Nam (VBAR) cũng đã có văn bản kiến nghị và cho rằng mức giá này là quá cao so với cả khu vực.

Bộ Tài chính “thổi còi”

Trước tình hình căng thẳng này, cuối tuần qua Bộ Tài chính đã phải đứng ra làm trọng tài khi đưa ra Công văn số 4049/BTC-QLG gửi Cụm cảng hàng không miền bắc, miền Trung và Tổng công ty Hàng không Việt Nam.

Công văn nêu rõ: “Việc Cụm cảng hàng không đơn phương quyết định tăng giá phục vụ mặt đất mà không đạt được sự đồng thuận với khách hàng (tức là các hãng hàng không) là chưa phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý giá. Đề nghị các Cụm cảng hàng không và Tổng công ty cảng hàng không miền Nam căn cứ các quy định của pháp luật về quản lý giá để thực hiện theo đúng chế độ quy định”.

Bình luận về việc này, ông Lưu Thanh Bình - Cục phó Cục Hàng không Việt Nam - cho biết, Bộ Tài chính đã có văn bản chỉ đạo 5 loại giá phải xây dựng giá khung và 4 loại giá phải xây dựng giá cứng do Nhà nước quản lý, còn các loại giá dịch vụ tại các cảng hàng không do các đơn vị định giá và thương thảo với khách hàng. Nếu đàm phán không thành thì Bộ Tài chính “cầm trịch” hiệp thương giá.

Như vậy là, nếu muốn tăng giá các dịch vụ được phép định giá thì các cụm cảng sẽ phải hiệp thương với các hãng hàng không, chứ không tự nhiên công bố giá mới và bắt khách hàng tuân thủ, chưa kể đến 9 loại giá do Nhà nước quản lý.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc Bộ Tài chính “ra tay” kịp thời đã phần nào làm dịu bớt tình hình nhưng đó chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu về dài muốn trị dứt căn bệnh độc quyền trong lĩnh vực khai thác dịch vụ cảng hàng không cần sớm triển khai việc xã hội hóa.

“Ở nước ngoài chỉ mỗi ô đậu máy bay tại cảng mà cũng có tới hàng chục doanh nghiệp cạnh tranh với nhau. Khách đi máy bay tới đỗ tại ô của họ còn được tặng hoa đón chào nồng nhiệt. Còn ở ta, chỉ vì độc quyền mà doanh nghiệp phục vụ khách hàng theo kiểu thích thì làm, không thích thì bỏ”, một lãnh đạo hãng hàng không tư nhân nói.

Một quan chức của Cục Hàng không cho biết, xã hội hóa kinh doanh trong ngành hàng không là xu hướng bắt buộc phải làm. Luật hàng không mới sẽ mở ra hướng cho phép nhiều doanh nghiệp tham gia dịch vụ ngành hàng không. Cũng chính vì lẽ đó mà các cụm cảng hàng không lần lượt chuyển đổi sang hoạt động tự chủ theo mô hình tổng công ty khai thác cảng hàng không.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn quan ngại sự chuyển đổi này vì nếu không làm triệt để, làm khẩn trương thì rất có khả năng “bình mới mà rượu vẫn cũ”, có chăng chỉ khác nhau ở cái tên Cụm cảng và Tổng công ty mà thôi.