09:17 19/03/2012

Đồng USD đang chi phối giá hàng hóa thế giới

Diệp Anh

Dầu thô kỳ hạn, vàng kỳ hạn trong tuần qua đều biến động, chủ yếu theo sự lên xuống của đồng bạc xanh

Thị trường gần như không phản ứng trước những thông tin kinh tế tích cực từ Mỹ và châu Âu.
Thị trường gần như không phản ứng trước những thông tin kinh tế tích cực từ Mỹ và châu Âu.
Mặc dù được hỗ trợ bởi các tín hiệu khởi sắc của kinh tế Mỹ và châu Âu, nhưng tuần qua, giá cả các loại hàng hóa quan trọng trên thị trường thế giới vẫn biến động không ngừng do đồng USD mạnh lên.

Dầu thô giảm 0,3%

Tính chung cả tuần giao dịch trước, giá "vàng đen" giao sau trên thị trường New York đã giảm 0,3%. Mặc dù mức giảm đã rút ngắn do đồng USD suy yếu trong phiên giao dịch cuối tuần, nhưng đây vẫn là một trong những mặt hàng chịu ảnh hưởng nhiều nhất trước sự lên xuống của đồng bạc xanh.

Chốt phiên giao dịch ngày 16/3, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 4 tăng 1,95 USD, tương ứng 1,9%, lên 107,06 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên kể từ phiên 3/9/2011, giá dầu thô kỳ hạn vượt ngưỡng 107 USD/thùng. Tính từ đầu năm tới nay, giá dầu loại này đã tăng khá mạnh với mức 8,3%.

Phần lớn mức tăng trước đó của dầu thô kỳ hạn là nhờ những biến động khó lường của nền kinh tế Mỹ, châu Âu, bất ổn địa chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi. Tuy nhiên, sự lên xuống thất thường của thị trường trong tuần giao dịch vừa qua lại cơ bản xoay chuyển theo giá trị của đồng tiền Mỹ.

Các sản phẩm năng lượng khác cũng có diễn biến tương tự như giá dầu. Giá dầu sưởi giao tháng 4 tăng 6 cent lên 3,28 USD/gallon. Giá xăng giao tháng 4 tăng 7 cent lên 3,36 USD/gallon. Giá khí tự nhiên giao tháng 4 tăng 5 cent, lên 2,33 USD/ triệu BTU.

Vàng giảm 3,3%

Tương tự như dầu thô, giá vàng đã có một tuần giảm giá nhưng mức giảm có phần lớn hơn do chịu nhiều yếu tố bất lợi hơn. Tính chung cả tuần giao dịch vừa qua, giá vàng kỳ hạn trên thị trường New York đã giảm gần 56 USD trên mỗi ounce, tương ứng với mức giảm 3,3%.

Chốt phiên cuối tuần trước (16/3), giá vàng giao tháng 4 giảm thêm 3,7 USD, tương ứng 0,2%, xuống còn 1.655,8 USD/ounce. Trong phiên này, có lúc giá vàng còn chạm xuống ngưỡng 1.639,7 USD/ounce. Khối lượng giao dịch gần bằng mức bình quân trong vòng 30 ngày.

Theo các nhà phân tích ICICI Bank, giá vàng có thể đối mặt với nhiều sức ép trong thời gian tới khi Ấn Độ dự định nâng thuế nhập khẩu vàng thỏi và đồng xu vàng từ 2% lên 4%.

Cùng đi xuống với vàng, giá bạc giao tháng 5 giảm 12 cent, tương ứng 0,4%, xuống 32,6 USD/ounce. Giá đồng giao cùng kỳ hạn giảm 2 cent, tương ứng 0,5%, xuống 3,88 USD/lb. Bạch kim giao tháng 4 giảm 8,4 USD xuống 1.675,5 USD/ounce. Palladium hạ 8,2 USD, xuống 701,7 USD/ounce.

Tính chung cả tuần giao dịch vừa qua, giá bạc kỳ hạn giảm mạnh tới 4,7%, bạch kim giao tháng 4 hạ 0,6%, palladium mất 1,2% so với cuối tuần trước. Riêng kim loại đồng tăng nhẹ 0,5%.

Cacao kịp tăng giá

Sự đi xuống của đồng bạc xanh trong phiên giao dịch cuối tuần không chỉ nhấc giá dầu trở lại vòng quay tăng điểm mà còn giúp giá cacao bật khá mạnh trở lại. Với mức tăng 35 USD, tương ứng 1,58%, giá cacao hợp đồng tương lai đã đóng cửa phiên 16/3 ở mức 2.256 USD/tấn.

Tuy nhiên, trước đó, giá cacao quốc tế đã giảm mạnh liên tục nên mức tăng mạnh của ngày thứ 6 thực chất chưa thể giúp mặt hàng nông sản này giành lại được những gì đã mất. Trên thị trường cà phê, giá cà phê arabica cuối tuần trước giảm 2,95 cent, tương ứng 1,59%, xuống còn 182,35 cent/lb.

Giá đường thô thế giới cũng giảm giá nhẹ 0,35%, xuống còn 25,41 cent/lb.