18:54 18/09/2015

Du lịch Việt Nam bàn chuyện liên kết phát triển

Ái Vân

Cần kết nối các chuỗi giá trị để tạo thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn theo từng nhóm loại hình

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, bà Hoàng Thị Thủy Chung, bà Võ Sáng Xuân Lan, ông Hà Văn Siêu và ông Ngô Minh Chính.<br>
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, bà Hoàng Thị Thủy Chung, bà Võ Sáng Xuân Lan, ông Hà Văn Siêu và ông Ngô Minh Chính.<br>
Hoạt động du lịch tại Việt Nam ngày càng đối mặt với áp lực cạnh tranh vượt ra ngoài biên giới. Chính vì vậy, ngành du lịch không thể không chú ý đến việc xây dựng một hình ảnh chung để hỗ trợ cho hoạt động.

Liên kết tạo sản phẩm hấp dẫn

(Ông Hà Văn Siêu - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch)

Mỗi vùng có thế mạnh về vị trí địa lý, nguồn lực phát triển, tiềm năng du lịch. Vì vậy, cần kết nối các chuỗi giá trị để tạo thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn theo từng nhóm loại hình cung cấp cho du khách.

Cần liên kết phát triển các sản phẩm du lịch của các vùng trong cùng một dòng sản phẩm. Hiện tại, du lịch tìm hiểu văn hóa được du khách nhiều thị trường ưa chuộng và có khả năng hình thành nhiều sản phẩm du lịch tìm hiểu bản sắc văn hóa miền biển, miền núi.

Tiếp theo, du lịch nghỉ dưỡng cũng hãy hướng tới kết hợp giữa nghỉ dưỡng biển và nghỉ dưỡng núi. Tương tự, loại hình du lịch sinh thái nếu xem xét việc kết hợp giữa khu vực Tây Nguyên và vùng duyên hải Nam Trung Bộ sẽ tạo được sản phẩm hấp dẫn.

Du lịch tìm hiểu lịch sử cách mạng có thể khai thác ở mọi vùng. Đến nay, có thể đưa du lịch đô thị vào danh mục để thu hút du khách.
 
Ngoài ra, cần đẩy mạnh liên kết các sản phẩm trong các dòng sản phẩm giữa các vùng để tạo ra bộ sản phẩm du lịch tổng hợp, đáp ứng yếu tố phong phú cho một chuyến đi.

Kết nối sản phẩm du lịch ở địa phương có hoạt động du lịch sôi nổi, có sản phẩm đã phát triển lâu dài với những sản phẩm du lịch ở các địa phương mới khai thác du lịch. Qua đó, thúc đẩy các địa phương mới phát triển, mặt khác sẽ kéo dài vòng đời sản phẩm, tạo ra cái mới liên tục cho hệ thống sản phẩm du lịch.

Để triển khai các hoạt động liên kết phát triển sản phẩm, loại hình du lịch giữa các tỉnh thành với nhau cần đẩy mạnh khâu tổ chức quản lý. Đây là giải pháp đóng vai trò quan trọng. Trong đó, cần phát huy vai trò của ban điều phối phát triển du lịch các vùng du lịch.    

Chọn kênh huy động vốn hữu hiệu

(Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Ủy viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng BIDV)

Đầu tư phát triển du lịch yêu cầu phải có nguồn vốn. Tùy theo điều kiện của mình mà mỗi địa phương sẽ chọn kênh huy động vốn hữu hiệu, vì có nhiều kênh huy động vốn để cân nhắc.

Hiện tại, ngành du lịch có thể đẩy mạnh thu hút nguồn vốn xã hội hóa trên cơ sở đẩy mạnh triển khai hình thức hợp tác công tư (PPP), để tập trung và ưu tiên phát triển các dự án kết cấu hạ tầng, phục vụ kinh tế xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng.

Tiếp đó, nguồn vốn tư nhân sẽ đóng vai trò chủ chốt. Muốn thu hút được nguồn vốn này, cần cải cách thủ tục hành chính, có cơ chế, chính sách đầy đủ, ổn định. Cam kết hỗ trợ giải phóng mặt bằng, giao đất sạch đúng thời hạn cho nhà đầu tư triển khai dự án. Nghiên cứu chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư các dự án phát triển du lịch.

Chẳng hạn như Quảng Ninh đã áp dụng chính sách hỗ trợ như: giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với người làm du lịch có thu nhập chịu thuế, áp dụng cho cả người Việt Nam và người nước ngoài. Ứng trước 30% chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho nhà đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư đã chi trả ít nhất 50% tổng giá  trị theo phương án đền bù, giải phóng mặt bằng đã phê duyệt. Hỗ trợ chi phí đào tạo và tuyển dụng lao động….

Nếu muốn thu hút nguồn vốn ODA, các địa phương cần xây dựng dữ liệu thông tin chi tiết về danh mục các dự án trọng điểm để kêu gọi đầu tư, thu hút nguồn vốn tài trợ.

Chủ động nguồn vốn đối ứng, tránh việc xem nguồn vốn đối ứng này là gánh nặng của ngân sách, mà phải xem đó là cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, dài hạn phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương.

Song song đó là xây dựng cơ chế triển khai các công trình hạ tầng, phương án giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, giải ngân, thanh quyết toán. Nâng cao năng lực tổ chức quản lý vốn ODA ở địa phương, cũng như đội ngũ quản lý dự án.

Nếu như chương trình, dự án do bộ, Trung ương là chủ quản, ban quản lý dự án trung ương và ban quản lý dự án địa phương cần phối hợp chặt chẽ để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh.

Còn việc chọn phát triển du lịch bằng nguồn vốn thông qua phát hành trái phiếu địa phương, chính quyền địa phương cần chủ động, tích cực hơn trong hoạt động phát hành trái phiếu, xác định rõ việc mình phải chịu trách nhiệm trả nợ cho khoản vay này.

Tuy nhiên, nguồn vốn từ việc phát hành trái phiếu địa phương chỉ nên áp dụng cho những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, các dự án phải rõ ràng và được Bộ Tài chính chấp thuận.

Ngoài ra, các địa phương có thể tìm kiếm giải pháp khác như giao đất đổi cơ sở hạ tầng cho các công ty uy tín, có kinh nghiệm trong hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhằm huy động vốn xây dựng cơ sở hạ tầng.

Nguồn vốn ngân hàng cũng ưu tiên cho các dự án hạ tầng du lịch. Vì vậy, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tăng quy mô hoạt động, mở rộng mạng lưới kinh doanh, triển khai các hình thức thu hút tiền gửi, dịch vụ ngân hàng để huy động tối đa các nguồn vốn nhàn rỗi tại địa phương, nhằm có nguồn vốn đối ứng cho nhu cầu.

Trong giai đoạn 2016 -2020, BIDV xác định là đơn vị đi đầu tham gia, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, du lịch vùng.

Theo đó, BIDV sẽ đề xuất các gói hỗ trợ, cung cấp nguồn vốn hỗ trợ không hoàn lại cho công tác nghiên cứu, quy hoạch, đồng thời tham gia, phối hợp trong công tác nghiên cứu, tư vấn chuyên sâu đối với chiến lược, quy hoạch.

BIDV sẽ cung cấp vốn tín dụng đầu tư phát triển cho khu vực. Cụ thể như, làm đầu mối, thu xếp nguồn vốn đồng tài trợ từ các ngân hàng thương mại khác để thực hiện các dự án quy mô lớn. Kêu gọi nguồn vốn quốc tế, nhận ủy thác đầu tư, cho vay lại đối với doanh nghiệp. Đẩy mạnh vai trò là tổ chức bảo lãnh phát hành trái phiếu cho doanh nghiệp địa phương.

Truyền thông những giá trị cốt lõi

(Bà Hoàng Thị Thủy Chung - Phó tổng Biên tập Báo điện tử Thời báo Kinh tế Việt Nam)

Cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ kỹ thuật số, Internet - sự ra đời của các phương tiện truyền thông mới đã và đang làm thay đổi cơ bản hoạt động sống của con người, tác động sâu sắc, đa dạng, phong phú đến “món ăn” tinh thần hàng ngày, đến “bữa tiệc thông tin” của công chúng.

Trong một thế giới công nghệ thông tin phát triển và ngày càng phát triển, tác động rất lớn vào công tác dẫn dắt thông tin, truyền bá, thậm chí là luôn sẵn sàng bùng phát và đảm nhận luôn vai trò “định hướng dư luận”.  

Từ “liên kết” đang trở thành trào lưu và được thịnh vượng trên các phương tiện truyền thông, và là từ được sử dụng rất rất nhiều trong báo chí, trong đó nó không tách rời 3 cụm từ phổ biến nhất: “Liên kết để phát huy lợi thế so sánh”, “Liên kết để phát triển bền vững” và “Liên kết để nâng cao sức cạnh tranh”.

Nhưng thực tế còn cách xa với thực tiễn.

Yếu tố “địa phương” còn xuất hiện nhiều trong hoạt động liên kết phát triển. Sự hợp tác giữa các địa phương trong khu vực liên kết còn mang tính hình thức, chưa có tính phối hợp và vì vậy chưa mang lại được hiệu quả cho mỗi địa phương.

Truyền thông là quan trọng, nhưng truyền thông cái gì phải căn cứ vào những giá trị cốt lõi. Khi một chiến lược đưa có tính chất “liên kết” cũng theo nguyên tắc chung cần có thông điệp và hành động cụ thể để hiện thực “tính chất liên kết” đó, đó chính là những giá trị cốt lõi cho truyền thông để nhận được sự ủng hộ của nhiều người hơn, để sớm và vững trong việc hoàn thành mục tiêu.

Khi “liên kết” trong truyền thông, trước hết phải thể hiện rõ sự liên kết trong mối quan hệ chung thông điệp, chung mục tiêu, trên tinh thần win-win, chia sẻ hay cộng hưởng nguồn lực để đạt mục tiêu chung.

Nâng chất lượng đào tạo nhân lực   

(TS. Võ Sáng Xuân Lan - Trưởng khoa Du lịch, trường Đại học Văn Lang)
          
Phát triển nguồn nhân lực du lịch cần dựa trên đặc điểm của từng khu vực để có sự chuẩn bị phù hợp với nhu cầu của mỗi vùng. Nếu phân vùng theo trọng điểm du lịch, thì miền Trung cần nhân lực trong hoạt động liên quan đến biển, biển đảo; nhân lực cung ứng cho khu vực Tây Nguyên phải am hiểu về bản sắc văn hóa địa phương.

Phục vụ ngành du lịch cần lượng lớn nhân sự để phục vụ cho vận chuyển, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, văn hóa văn nghệ.

Theo số liệu thống kê của từng vùng, hàng năm, ngành du lịch cần khoảng 40.000 người. Số lượng người tốt nghiệp ngành du lịch ở các bậc học khoảng 15.000 người.

Trong năm 2014, ngành du lịch đã sử dụng khoảng 500.000 lao động trực tiếp và 1 triệu lao động gián tiếp.

Trong năm 2015 này, dự kiến, ngành cần đến 650.000 lao động trực tiếp và 2 triệu lao động gián tiếp. Dù lao động trực tiếp hay gián tiếp thì chất lượng lao động cũng là yếu tố quyết định cho việc phát triển. Vì vậy, cần có giải pháp từ gốc để giải quyết những vấn đề vốn tồn tại lâu nay trong khâu đào tạo nhân lực cho ngành.

Trước hết, phải thay đổi được nhận thức của xã hội về ngành dịch vụ nói chung và ngành du lịch nói riêng. Cần để mọi người hiểu làm du lịch là việc chung của mọi người, bởi du lịch liên quan đến tất cả các lĩnh vực. Cho nên không phải chỉ người phục vụ trực tiếp khách du lịch mới làm du lịch, mà ở bất cứ vị trí nào cũng có thể làm du lịch.

Trong công tác đào tạo, không chỉ có nhà trường mà doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến việc đào tạo nhân lực. Nhà trường và doanh nghiệp hãy kết hợp với nhau để tạo điều kiện cho người học tiếp cận hết các kiến thức lý thuyết và thực tiễn. Dù rằng, thực tế việc kết hợp không phải dễ làm nhưng nếu quyết tâm, thay đổi nhận thức vấn đề thì vẫn làm được.

Yếu tố tư tưởng đóng vai trò quan trọng trong công tác đào tạo. Hiện tại, một trong những rào cản của những người làm du lịch là tính cục bộ, địa phương. Tư tưởng “giấu nghề”, “sợ bị ăn cắp nghề” cần được cởi bỏ, vậy mới có thể tận dụng được nguồn nhân lực phát huy sáng kiến theo điều kiện của địa phương mình.

Nâng chất lượng môi trường du lịch

(Ông Ngô Minh Chính - Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận)

Với lợi thế về tài nguyên du lịch cùng khí hậu nắng ấm quanh năm, ít mưa bão, Bình Thuận có điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng; du lịch thể thao giải trí trên biển, trên đồi cát; du lịch văn hóa, tín ngưỡng; tham quan dã ngoại; du lịch lặn biển, nghiên cứu các hệ động, thực vật dưới biển…

Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong giai đoạn đến 2020, Bình Thuận chủ động cùng với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đầu tư đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, đưa cảng Vĩnh Tân, sân bay Phan Thiết vào hoạt động, phục vụ tốt liên kết vùng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch.

Bình Thuận cam kết với các nhà đầu tư, các công ty lữ hành, các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Một là, việc cải thiện môi trường đầu tư với việc triển khai, quản lý tốt việc thực hiện quy hoạch du lịch, cải cách thủ tục hành chính, và tích cực tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư về đất đai, giải phóng mặt bằng…

Hai là, khai thác gắn chặt với bảo về tài nguyên du lịch và môi trường tự nhiên bằng các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế quản lý; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch không thực hiện đúng các quy định về vệ sinh, môi trường; có biện pháp xử lý hành vi làm mất vệ sinh công cộng, gây ô nhiễm môi trường đối với cả người dân lẫn du khách.

Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục thường xuyên về vai trò, vị trí của du lịch, về sự tác động tích cực của du lịch đến đời sống dân cư và sự tác động tiêu cực từ các hành vi chưa đúng, chưa tốt của dân cư đến hoạt động du lịch.

Từ đó nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong kinh doanh du lịch, dịch vụ phục vụ khách du lịch, thực hiện việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, chống các hành vi nâng giá, “chặt chém”, lừa gạt du khách.

Phát động phong trào người dân ứng xử văn minh, tận tình hỗ trợ khách du lịch. Mỗi người dân là một hướng dẫn viên, niềm nở với khách du lịch, đồng thời phát huy hiệu quả công tác hướng dẫn, hỗ trợ du khách thông qua “đường dây nóng”.

Bốn là, thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự, hạn chế nạn trộm cắp, cướp giật tài sản của du khách, tình trạng trẻ em, người ăn xin, người bán hàng rong chèo kéo, đeo bám du khách, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn du khách khách tắm biển, hồ bơi, chơi các môn thể thao trên biển.

Gắn kết điểm đặc trưng mỗi địa phương

(Ông Dương Đình Hiền - Phòng quy hoạch, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch)
 
Vùng duyên hải miền Trung có thế mạnh về tài nguyên du lịch văn hóa di sản gắn với văn hóa Champa, văn hóa dân cư vùng ven biển… Đặc biệt vùng này còn có thế mạnh về tài nguyên du lịch biển, đảo.

Vùng Đông Nam Bộ có thế mạnh về phát triển du lịch tổng hợp, trong đó nổi bật là du lịch kết hợp hội thảo (MICE). Vùng Tây Nguyên có hệ sinh thái cao nguyên, các khu bảo tồn tự nhiên, các vườn quốc gia… gắn liền với bản sắc các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia cũng được đánh giá thế mạnh tài nguyên du lịch sinh thái, cảnh quan, và bản sắc văn hóa dân tộc. Vì vậy, mỗi vùng có tiềm năng để phát triển loại hình, sản phẩm du lịch tạo dựng thương hiệu riêng. Đây cũng chính là yếu tố cốt lõi để gắn kết các vùng với nhau.

Việc gắn kết, cùng phát triển du lịch hiện đã nhiều sự thuận lợi, bởi giao thông đường bộ thông suốt với nhau. Vấn đề là có cách thức để liên kết. Các địa phương có thể hợp tác cùng nhau để khai thác du lịch theo chuyên đề về sự tương đồng.
 
Hoặc, mỗi nơi sẽ góp một loại hình, sản phẩm để tạo thành một sản phẩm phục vụ du khách, đây là sản pẩhm du lịch có thế mạnh trong việc thu hút du khách nhất.

Có nhiều loại hình mà các địa phương có đặc điểm giống nhau cùng khai thác. Đó là, sản phẩm du lịch biển, đảo. Ở loại hình này, vùng duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ có thể cùng nhau tạo nên thương hiệu. Còn loại hình du lịch sinh thái thì lấy Tây Nguyên làm trung tâm để các địa phương xây dựng sản phẩm khai thác.

Đối với loại hình du lịch văn hóa - lịch sử, cần được gắn kết giữa nhiều địa phương. Có thể mở rộng và phát triển các sản phẩm du lịch đã định hình theo hướng “con đường di sản Đông Dương”, và “con đường huyền thoại Hồ Chí Minh”. Kế đến là kết hợp giữa văn hóa, lịch sử và sinh thái.

Đây là hướng gắn kết và phát triển toàn diện nhất giữa các vùng, khả năng xây dựng được các chương trình hấp dẫn rất cao.