11:10 26/12/2008

“Dùng hàng Việt” hay hàng Việt phải được dùng?

Ngô Trọng Thanh

Liệu chiến dịch “dùng hàng Việt” của Bộ Công Thương có thành công như chúng ta mong đợi?

Chiến dịch "dùng hàng Việt" nếu chỉ dừng lại trong khẩu hiệu, cổ súy người dân dùng hàng nội địa, thì e rằng cũng sẽ đi theo vết xe đổ của chương trình "Người Việt dùng hàng Việt" trước đây mà thôi.
Chiến dịch "dùng hàng Việt" nếu chỉ dừng lại trong khẩu hiệu, cổ súy người dân dùng hàng nội địa, thì e rằng cũng sẽ đi theo vết xe đổ của chương trình "Người Việt dùng hàng Việt" trước đây mà thôi.
Có thể chính Bộ Công Thương cũng không thể ngờ được sự ủng hộ nhiệt tình như thế từ cộng đồng cho chiến dịch "dùng hàng Việt" mà Bộ chuẩn bị phát động.

Không phủ nhận rằng, chương trình này nếu thành công, sẽ có vai trò quan trọng trong việc cải thiện vị thế của hàng Việt trên thị trường, và càng quan trọng hơn trong thời buổi khó khăn hiện nay, cũng như trong tương lai, khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang ngày một lan rộng.

Một nền kinh tế có quy mô quá nhỏ, lại chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu như nước ta đã và sẽ còn đối mặt với bao khó khăn trước mắt. Thị trường nội địa với sức mua không nhỏ sẽ trở thành cứu cánh cho gần 300.000 doanh nghiệp Việt.

Và còn quan trọng hơn nữa, với hậu quả của cuộc suy thoái kinh tế, mà chắc sẽ kéo dài ít nhất 2 năm tới (người viết không tin vào một số dự đoán về sự phục hồi khoảng giữa năm 2009), khi bế tắc đầu ra tại thị trường thế giới, cơn hồng thủy hàng hóa Trung Quốc giá rẻ, với chất lượng vốn đầy tai tiếng qua những vụ bê bối, sẽ tràn ngập thị trường nội địa, ảnh hưởng tới mưu sinh của hàng trăm ngàn doanh nghiệp Việt, cũng như chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư.

Cần lắm một chiến dịch "dùng hàng Việt" trước khi quá muộn!

Nhưng, liệu chiến dịch đầy nhân bản này có thành công như chúng ta mong đợi? Chắc hẳn, chúng ta vẫn còn chưa quên chương trình "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" được phát động nhiều năm về trước, và đã lịm dần theo thời gian mà không để lại một kết quả nào đáng kể.

Làm sao người tiêu dùng có thể tin tưởng khi sữa có melamine, khi kẹo được làm từ bột đá, và khi cửa hàng rau sạch bán rau được tưới bởi nước thải công nghiệp? Và khi hơn 10 năm trời, nhiều nhà sản xuất lớn nhỏ vẫn vô tư ghi nhãn "sữa tươi" cho sản phẩm pha chế từ sữa bột?

Làm sao người tiêu dùng có thể tin tưởng, khi nước tương được quảng cáo rùm beng, với những mỹ từ tốt đẹp nhất, lại có chứa thành phần 3-MCPD độc hại, có thể gây ung thư cho người sử dụng? Và bột nêm được quảng cáo không chứa mì chính, nhưng rút cục, lại chứa siêu bột ngọt?

Và làm sao người tiêu dùng có thể tin dùng, khi còn đó không ít những công ty làm ăn chụp giật, vì lợi nhuận trước mắt mà bất chấp quyền lợi, thậm chí sinh mạng của người tiêu dùng.

Quan trọng hơn nữa, những hành vi gian dối này vẫn mặc nhiên tồn tại, khi chế độ kiểm soát của nhà chức trách bị buông lỏng, khi quyền của người tiêu dùng chưa được bảo vệ, và khi chế tài còn quá nhẹ để răn đe.

Và vì vậy, chiến dịch "dùng hàng Việt" nếu chỉ dừng lại trong khẩu hiệu, cổ súy người dân dùng hàng nội địa, thì e rằng cũng sẽ đi theo vết xe đổ của chương trình "Người Việt dùng hàng Việt" trước đây mà thôi.

Để người tiêu dùng nội địa sử dụng hàng Việt, việc đầu tiên và quan trọng nhất, là doanh nghiệp Việt phải làm cho chính cộng đồng người tiêu dùng tin và yêu hàng Việt. Tự thân các doanh nghiệp Việt phải chứng minh được lợi thế cạnh tranh của mình.

Lợi thế đó chắc hẳn không thể chỉ đến từ thương hiệu. Nếu chỉ tính 5 thương hiệu hàng đầu thế giới, thì bản thân mỗi thương hiệu đó đã có giá trị gấp nhiều lần GDP của cả Việt Nam chúng ta. Không kể đến lợi thế của mỗi sản phẩm ngoại được thừa hưởng sự bảo trợ của giá trị thương hiệu quốc gia của họ, như thương hiệu quốc gia của Mỹ có giá trị 18.000 tỷ USD, Nhật Bản: 6.000 tỷ USD, Đức 3.000-4.000 tỷ USD (theo đánh giá của Simon Anholt & GMI). Xin lưu ý, Việt Nam chúng ta và nhiều nước khác còn chưa được đưa vào danh sách đánh giá của họ.

Lợi thế của doanh nghiệp Việt chắc hẳn cũng không thể chỉ đến từ giá rẻ. Cơn hồng thủy hàng Trung Quốc đã và sẽ còn gây sửng sốt cho mọi người về mức giá rẻ khủng khiếp của nó. Hiện nay, một số mặt hàng như nhựa, quần áo, gạch lát nền,… của Trung Quốc luôn có giá thành hạ hơn mặt hàng tương tự của chúng ta khoảng 30- 50%. Mức giá này sẽ còn tiếp tục giảm và giảm hơn nữa trong thời gian tới khi áp lực giải tỏa hàng tồn ngày một lớn từ "công xưởng thế giới" này.

Lợi thế cạnh tranh chắc hẳn cũng không thể chỉ đến từ kênh phân phối. Giờ G đã điểm, khi thị trường bán lẻ được mở cửa, các đại gia bán lẻ 100% vốn đầu tư nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam, mang theo hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn chủng loại sản phẩm ngoại nhập trong mỗi điểm bán hàng. Cùng với sự hiện diện của họ, tỷ trọng kênh bán hàng hiện đại ngày một lớn, thu hẹp dần kênh phân phối truyền thống và đất sống của doanh nghiệp Việt.

Tuy nhiên, khác với các đối thủ nước ngoài, mỗi doanh nghiệp Việt đang có lợi thế lớn khi đại bản doanh đang được đặt ngay tại Việt Nam. Và như vậy, danh tiếng, tài sản, vốn đầu tư của doanh nghiệp phải được coi như một giá trị "đặt cọc" trong quá trình gây dựng lòng tin với khách hàng.

Lợi thế này nếu biết khai thác, sẽ là một yếu tố lớn mang lại sự an tâm cho người tiêu dùng. Sự minh bạch về chất lượng sản phẩm, dịch vụ sau bán hàng, sự đảm bảo về tuân thủ chất lượng đã đăng ký, và đặc biệt, sự cam kết và mức độ bồi thường kịp thời, thích ứng cho khách hàng sẽ là những việc làm cần thiết, gia tăng lòng tin trong người tiêu dùng.  

Người viết đã từng được nghe tâm sự của ông Võ Tất Thịnh - Tổng giám đốc Công ty Cáp điện Thịnh Phát: "Mỗi sản phẩm có lỗi là một sợi dây treo cổ chính doanh nghiệp chúng tôi". Chắc chắn rằng, chính sự đảm bảo bằng sự sống còn của chính doanh nghiệp, mà đã mang lại sự thịnh vượng của Thịnh Phát ngày hôm nay trong cuộc cạnh tranh mạnh mẽ của ngành cáp điện.  

Không chỉ dừng lại ở việc cổ vũ, phát động phong trào dùng hàng Việt, Bộ Công Thương và các cơ quan có thẩm quyền hãy là trọng tài giám sát trong việc thực hiện ‘hợp đồng’ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt. Ở đó, quyền lợi và nghĩa vụ của cả hai bên được thỏa thuận rõ ràng, theo hướng nâng tầm vị thế và tiếng nói người tiêu dùng.

Chỉ khi nào doanh nghiệp dám đảm bảo cho từng sản phẩm của mình, sẵn sàng chấp nhận những hình phạt thích đáng cho mỗi hành vi gian dối và người tiêu dùng được đảm bảo nhận được những gì doanh nghiệp cam kết, thì khi đó, người Việt chắc chắn sẽ tự nguyện dùng hàng Việt.

* Tác giả bài viết là Giám đốc Công ty Tư vấn phát triển thị trường Mancom.