07:56 25/10/2013

Dứt 4 phiên lao dốc, giá dầu lên nhẹ

Thanh Hải

Các số liệu kinh tế trái chiều được công bố trong cùng một ngày, đã khiến thị trường dầu thô chịu nhiều biến động lớn

Do có sự giằng co giữa các số liệu kinh tế Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, nên tính tới cuối phiên giao dịch đêm qua (24/10), giá dầu thô giao sau tại New York chỉ tăng nhẹ - Ảnh: Rfd.<br>
Do có sự giằng co giữa các số liệu kinh tế Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, nên tính tới cuối phiên giao dịch đêm qua (24/10), giá dầu thô giao sau tại New York chỉ tăng nhẹ - Ảnh: Rfd.<br>
Số liệu sản xuất tại Trung Quốc đã mang tới hy vọng lớn cho các nhà đầu tư về khả năng tiêu thụ dầu tăng trưởng, đồng thời giúp giá dầu đảo chiều thành công trong đêm qua, sau khi đi xuống 4 ngày liên tiếp.

Cụ thể, theo báo cáo của HSBC và Markit, chỉ số quản lý sản xuất sơ bộ tháng 10 của Trung Quốc đã đảo chiều tăng lên 50,9 điểm, cao nhất trong 7 tháng qua. Giới phân tích thị trường tin rằng, chỉ số sản xuất tại Trung Quốc hồi phục mạnh như vậy, sẽ làm xua tan đám mây u ám về triển vọng tiêu thụ, vốn dĩ đã bao phủ thị trường năng lượng nhiều tháng qua.

Tuy nhiên, cũng trong ngày hôm qua, thị trường đồng thời phải chịu tác động kép từ hai báo cáo khác về tình hình kinh tế châu Âu và Mỹ. Trong đó, báo cáo từ châu Âu cho thấy hoạt động khu vực tư nhân tháng 10 trong nhóm các nước sử dụng đồng tiền chung đã tăng trưởng với nhịp độ chậm hơn, báo hiệu sự trở lại của khu vực kinh tế này vẫn còn khó khăn.

Còn tại Mỹ, theo bộ lao động nước này, trong tuần kết thúc ngày 19/10, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm 12.000 người xuống còn 350.000. Trong khi, giới phân tích kỳ vọng mức giảm lớn hơn, xuống còn 337.000 người. Ngoài ra, chỉ số quản lý sức mua sơ bộ tháng 10 của Mỹ cũng giảm xuống 51,1 điểm, từ 52,8 điểm trong tháng 9.

Các số liệu kinh tế trái chiều được công bố trong cùng một ngày, đã khiến thị trường dầu thô chịu nhiều biến động lớn. Mặc dù số liệu tại Trung Quốc cho thấy triển vọng tiêu thụ năng lượng sẽ được nâng lên, song tình hình kinh tế kém lạc quan từ châu Âu và Mỹ lại gây ra những lo ngại về khả năng mức tiêu thụ sẽ không đáng kể, nhất là khi lượng cung quá lớn.

Chính bởi sự giằng co này, nên tính tới cuối phiên giao dịch đêm qua (24/10), giá dầu thô giao sau tại New York chỉ tăng nhẹ. Cụ thể, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 12 trên sàn hàng hóa New York chỉ tăng được có 25 cent, tương ứng với mức tăng 0,3%, lên 97,11 USD mỗi thùng. Trong 3 phiên giảm liên tiếp trước đó, giá dầu thô loại này đã bốc hơi 4%.

Trên sàn hàng hóa London, giá dầu thô ngọt, nhẹ Brent Biển Bắc giao tháng 12 giảm tiếp 81 cent, tương ứng với mức giảm 0,8%, xuống còn 106,99 USD mỗi thùng. Theo số liệu của FactSet, đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của dầu thô Brent Biển Bắc kể từ đầu tháng 8 cho tới nay, đưa khoảng chênh lệch giá với dầu thô New York xuống dưới 10 USD.

Trở lại sàn giao dịch hàng hóa New York, kết thúc ngày 24/10, giá xăng giao tháng 11 tăng gần 4 cent, tương ứng với mức 1,5%, lên 2,59 USD mỗi gallon. Giá dầu sưởi giao cùng kỳ hạn giảm 2 cent, tương ứng với mức giảm 0,8%, xuống còn 2,90 USD mỗi gallon. Giá khí tự nhiên cũng giao cùng kỳ hạn tăng nhẹ 0,3% lên chốt ngày ở mức 3,63 USD/ triệu BTU.