14:12 21/04/2014

“FTA kiểu mới sẽ tác động tích cực đối với tái cơ cấu kinh tế”

Lê Châu

Các hiệp định thương mại tự do kiểu mới, nếu được đàm phán phù hợp, sẽ góp phần tích cực cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nhìn nhận.
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nhìn nhận.
Các hiệp định thương mại tự do (FTA) kiểu mới, nếu được đàm phán phù hợp, sẽ góp phần tích cực cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang thực thi, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nhìn nhận.

Cho đến nay, chúng ta đã ký kết hoặc tham gia 8 hiệp định thương mại tự do (FTA) nhưng những hoa thơm quả ngọt nhận về dường như không bù đắp nổi những tổn thương của nền kinh tế?

Tính đến cuối năm 2013, Việt Nam đã tham gia 8 hiệp định khu vực thương mại tự do (FTA), trong đó có 6 FTA khu vực (ASEAN, ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - úc - New Zealand, ASEAN - ấn Độ) và 2 FTA song phương (VJEPA với Nhật Bản và FTA Việt Nam - Chile) với phạm vi và mức độ tự do hóa khác nhau.

Theo thống kê, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các đối tác FTA đều tăng cao sau khi có FTA. Chẳng hạn, kim ngạch thương mại Việt Nam - Hàn Quốc trước khi có FTA tăng bình quân 14,9%/năm. Sau khi FTA ASEAN - Hàn Quốc có hiệu lực, kim ngạch hai chiều đã tăng bình quân 29,1%/năm trong giai đoạn 2007- 2012.

Lợi ích thu được từ FTA là có. Tuy nhiên, lợi ích này được thể hiện rõ hơn trong quan hệ FTA với những đối tác có cơ cấu xuất nhập khẩu mang tính bổ sung cho cơ cấu của ta, như Nhật Bản, Australia, New Zealand và Hàn Quốc. Với các đối tác còn lại (ASEAN, Trung Quốc, ấn Độ) có tính bổ sung thấp, nếu như không nói là cạnh tranh với Việt Nam. Đặc biệt như là với Trung Quốc.

Nhiều năm qua, Việt Nam tiếp tục nhập siêu lớn từ Trung Quốc, tiếp đến là ASEAN. Hiện trạng này có nhiều nguyên nhân nên trước khi có các nghiên cứu thỏa đáng, tôi nghĩ cũng không thể khẳng định là do FTA gây ra.

Chưa từng tham gia một FTA thế hệ mới nào mà chỉ đang bước trên con đường đến những cái đích mới này, chúng ta kỳ vọng gì vào các FTA thế hệ mới?

Trước đây, các FTA chủ yếu liên quan đến lĩnh vực hàng hóa, có bổ sung một chút dịch vụ và đầu tư. Nay, các nước có xu hướng đàm phán, ký kết các FTA có phạm vi rộng hơn, bao gồm cả các lĩnh vực phi truyền thống như: môi trường, lao động, doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ...

Đồng thời, mức độ cam kết cũng sâu hơn, như phải xóa bỏ gần như 100% thuế nhập khẩu, trong đó trên 90% là xóa bỏ ngay, xóa bỏ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cho hàng đã qua sử dụng... Đây là các FTA thế hệ mới.

Các FTA kiểu này thường tác động lớn hơn đến thể chế. Vì vậy, nếu được đàm phán phù hợp, các FTA này sẽ góp phần tích cực cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang thực thi.

Các FTA thế hệ mới cũng sẽ mang đến cho chúng ta nhiều lợi ích hơn, đặc biệt là trong hoạt động xuất nhập khẩu?


Trong hoạt động xuất nhập khẩu, nước nào cũng hướng đến việc đa dạng hoá thị trường, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường nhất định. Khu vực Đông Á, bao gồm ASEAN, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc luôn chiếm tỷ trọng rất lớn trong kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, thường xuyên ở mức trên 60%, nếu tính riêng nhập khẩu thì lên tới trên 75%.

Với sự gần gũi về vị trí địa lý, việc Đông á chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại với Việt Nam là việc khó tránh. Tuy nhiên, tỷ trọng trên là quá lớn, có thể tiềm ẩn rủi ro khi kinh tế Đông á có biến động bất lợi. Đàm phán và ký kết FTA thế hệ mới với một số thị trường trọng điểm như Mỹ, EU có thể giúp chúng ta khắc phục tình trạng mất cân đối này.

Với TPP, một trong những FTA thế hệ mới mà chúng ta đang trong quá trình đàm phán, thì nền kinh tế Việt Nam sẽ được lợi những gì?

TPP sẽ tạo điều kiện cho ta cân bằng lại quan hệ thương mại với các khu vực thị trường trọng điểm, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường nhất định. Bên cạnh đó, quan hệ thương mại tự do với các thị trường lớn như Mỹ, Canada và việc Nhật Bản xóa bỏ thuế nhập khẩu cho hàng nông sản trong TPP sẽ là cú hích thực sự cho xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài ra, cơ hội tiếp cận các thị trường rộng lớn như Mỹ, Nhật Bản, Canada với thuế nhập khẩu bằng 0%, kết hợp với các cam kết rõ ràng hơn về cải thiện môi trường đầu tư và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chắc chắn sẽ góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhất là của các tập đoàn lớn.

Nếu biết tận dụng thời cơ này, Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn từ làn sóng đầu tư mới, tạo ra nhiều công ăn việc làm, hình thành năng lực sản xuất mới để tận dụng các cơ hội xuất khẩu và tham gia các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu do TPP đem lại.

Với các cam kết sâu và rộng hơn WTO, TPP sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phân bổ lại nguồn lực theo hướng hiệu quả hơn, từ đó hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng như đã trình bày.

 Cuối cùng, do TPP hướng tới môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch hóa quy trình xây dựng chính sách và khuyến khích sự tham gia của công chúng vào quá trình này nên sẽ có tác dụng rất tốt để hoàn thiện thể chế kinh tế cũng như tăng cường cải cách hành chính.