08:42 27/02/2012

Giá bán đường tại nhà máy tiếp tục giảm

Y Nhung

Giá bán đường tại kho của các nhà máy trong tháng 2/2012 tiếp tục giảm nhẹ so với tháng trước đó

Theo ước tính niên vụ 2011 - 2012, sản lượng đường của toàn ngành sẽ đạt khoảng 1,4 triệu tấn, tăng 250.000 tấn so với vụ trước.
Theo ước tính niên vụ 2011 - 2012, sản lượng đường của toàn ngành sẽ đạt khoảng 1,4 triệu tấn, tăng 250.000 tấn so với vụ trước.
Hiện đang là chính vụ sản xuất đường, nguồn cung tăng trong khi lượng tiêu thụ ở mức thấp đã khiến các nhà máy tiếp tục phải giảm giá bán để lấy vốn quay vòng sản xuất.

Theo số liệu từ Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến 15/2, các nhà máy mía đường đã ép được 636.200 tấn đường. So với cùng kỳ năm trước, lượng đường sản xuất đã tăng thêm 51.900 tấn.

Song lượng đường bán ra tính đến trung tuần tháng 2 mới đạt khoảng 116.400 tấn, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái là 29.000 tấn.

Trước tình hình trên, các doanh nghiệp buộc phải tiếp tục hạ giá bán so với tháng trước. Hiện nay, giá bán đường trắng loại 1 đã có VAT tại kho các nhà máy khu vực miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên từ 16.000 – 16.500 đồng/kg, miền Bắc từ 17.000 – 17.400 đồng/kg.

Vào tháng 1/2012, giá đường trắng loại 1 đã có thuế VAT tại kho các nhà máy đang được bán ra từ 16.300 - 17.700 đồng/kg.

Trao đổi với VnEconomy, ông Hà Hữu Phái, nguyên Tổng thư ký của Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho hay, đối với các nhà máy mía đường ở các tỉnh phía Bắc, giá bán sản phẩm khoảng 16.000 đồng/kg còn có lãi. Nhưng các doanh nghiệp ở phía Nam, nếu bán ở mức giá này sẽ gặp không ít khó khăn, do tại các tỉnh phía Bắc giá mía nguyên liệu được thu mua phổ biến từ 900.000 – 1.050.000 đồng/tấn.

Trong khi tại đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Đông Nam bộ giá mía nguyên liệu là 1 - 1,1 triệu đồng/tấn. Không những thế, lượng đường trong mía cây tại miền Bắc cũng cao hơn so với các tỉnh miền Nam.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp của ngành mía đường, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn gửi Bộ Công Thương đề nghị trước mắt cho xuất khẩu 100.000 – 150.000 tấn đường.

Lý do được Bộ đưa ra là theo ước tính trong năm 2012, tổng nguồn cung đường vào khoảng 1,57 triệu tấn (bao gồm cả đường sản xuất, tồn kho, nhập khẩu theo thỏa thuận WTO).

Trong khi, lượng tiêu thụ chỉ vào khoảng 1,4 triệu tấn và lưu chuyển sang vụ sau là 100.000 tấn. Sau khi cân đối cung cầu, lượng đường dư thừa trong năm 2012 sẽ ở mức 70.000 tấn.

Nhưng trên thực tế, hàng năm luôn có lượng đường nhập lậu vào Việt Nam rất lớn, nên khả năng lượng đường dư thừa đường năm 2012 sẽ cao hơn nhiều so với con số nêu trên.

Đối với việc điều hành nhập khẩu đường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kiến nghị Bộ Công Thương cần quy định thời gian thực hiện nhập khẩu 71.000 tấn đường trong hạn ngạch thuế quan bắt đầu từ tháng 6/2012, vì từ nay đến tháng 5/2012 đang là chính vụ sản xuất, lượng đường tồn kho nhiều.

Ngoài ra, đường là mặt hàng chỉ sản xuất trong 6 tháng mà tiêu thụ cả năm, do vậy đề nghị Bộ Công Thương trình Chính phủ cho tạm trữ 200.000 tấn đường với thời gian 6 tháng.