11:00 30/01/2009

Giá cả những ngày đầu năm biến động thế nào?

Lý Hà

Hàng hóa, dịch vụ trong dịp Tết, giá có tăng hơn so với những ngày thường cuối năm trước, nhưng mức độ tăng không lớn

Bước sang những ngày chuẩn bị cho Tết về tổng thể giá cả không biến động nhiều.
Bước sang những ngày chuẩn bị cho Tết về tổng thể giá cả không biến động nhiều.
Hàng hóa, dịch vụ trong dịp Tết, giá có tăng hơn so với những ngày thường cuối năm trước, nhưng mức độ tăng không lớn.

Các dịch vụ, nhất là dịch vụ giao thông, du lịch đã được các doanh nghiệp chuẩn bị khá tốt, bảo đảm nhu cầu đi lại, vui chơi, giải trí cho người dân. Thị trường Tết năm 2009 của cả nước nói chung bình ổn, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, sốt giá.

Đây là nhận định chung của sở tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và qua tổng hợp của Bộ Tài chính.

Theo quan sát của chúng tôi, những ngày giáp Tết, tại các siêu thị và trung tâm thương mại hàng sản xuất trong nước chiếm thị phần lớn (80-95%), các loại thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm nguội, bánh, kẹo, đồ uống, trái cây, giỏ quà Tết các loại... sản xuất trong nước được tiêu thụ khá mạnh.

Giá cả thị trường sau khi chỉ số giá tiêu dùng tính từ ngày 15/12/2008 đến ngày 15/1/2009 tăng nhẹ 0,32%, bước sang những ngày chuẩn bị cho Tết về tổng thể không biến động nhiều; trong những ngày giáp Tết (26, 27, 28, 29) giá nhiều nhóm hàng có những biến động trái chiều nhau: có những loại tăng như: thịt lợn, thịt bò, thịt gà, thủy sản tăng khoảng 5% đến 20% (tùy loại); các loại hoa, cây cảnh tăng khoảng 1,5 đến 2 lần so với Tết năm trước; giá một số hàng hóa khác cũng tăng nhẹ như: ga, đồ uống, thuốc lá...

Nhưng một số loại hàng, dịch vụ khác lại có giá ổn định như: xăng, dầu, xi măng, phân bón, cước vận chuyển hàng không, xe buýt nội đô... và có những loại hàng giá giảm như lương thực, hàng điện máy, quần áo, đồ gia dụng...

Tuy nhiên, đến chiều 30 Tết thị trường cây hoa cảnh đột ngột giảm giá từ 50% đến 70%. Ngược lại, dịch vụ rửa xe máy và ôtô lại tăng gấp 2 - 3 lần so với ngày thường.

Giá vàng và tỷ giá USD cũng có biến động nhẹ: giá vàng từ khoảng 17,7 triệu đồng tăng lên hơn 18 triệu đồng/lượng; tỷ giá USD trên thị trường tự do từ khoảng 17.580 đồng lên khoảng 17.700 đồng/USD.

Thị trường chứng khoán không có biến động nhiều, tại phiên giao dịch cuối cùng, chỉ số VN-Index ở mức 303,21 điểm, HASTC Index 99,93 điểm.

Từ ngày mùng 2 Tết, đã có một số cửa hàng dịch vụ mở hàng lấy may. Giá cả các loại rau ở các chợ tăng nhẹ và ít người mua vì đa số đã chuẩn bị từ trước Tết.

Đánh giá về giá cả thị trường đầu năm 2009, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng, Tết năm nay thị trường bình ổn, giá biến động không nhiều chính là do cơ quan chức năng đã triển khai một loạt các chính sách, biện pháp đồng bộ như thực hiện tốt Chỉ thị số 35/2008/CT-TTg ngày 9/12/2008 về tăng cường các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa và bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009 của Thủ tướng Chính phủ như đẩy mạnh sản xuất, dự trữ hàng hóa, tăng cung ra thị trường đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện giảm lãi suất chủ đạo của đồng Việt Nam thêm 1,5%, như lãi suất cơ bản từ 8,5% xuống 7%, lãi suất tái cấp vốn từ 9,5% xuống 8%, lãi suất tái chiết khấu từ 7% xuống 6%, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay xuống còn khoảng 10,5%.

Đồng thời kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và gian lận thuế, kiểm tra việc chấp hành pháp luật Nhà nước về giá cũng được chú trọng hơn trước...

Nhận định về tình hình kinh tế của những tháng tiếp theo trong năm 2009, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng tuy giá cả ít biến động trong dịp Tết nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu thụ giảm so với năm 2008 và thiếu nguồn vốn đầu tư. Sức mua trong nước trì trệ, cầu về hàng hóa dịch vụ thấp, hàng hóa khó tiêu thụ..

Một đặc điểm có thể ảnh hưởng tới việc sản xuất, kinh doanh trong nước là từ 1/1/2009 chúng ta đã mở cửa thị trường bán lẻ Việt Nam cho các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, thị trường bán lẻ Việt Nam trong năm 2009 thì: “Tình hình kinh tế chung cũng như các ngành kinh tế của Việt Nam, trong đó có ngành bán lẻ sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Cho nên, năm 2009 không phải là một năm mà chúng ta có thể chứng kiến sự sôi động trên thị trường bán lẻ”.

Do vậy các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam phải cố gắng và nỗ lực rất nhiều.

Hiện tại, những nỗ lực cố gắng đó đã được thể hiện ngay trong cuối năm 2008, ví dụ như các doanh nghiệp tìm mọi cách để tiết giảm chi phí để hàng hóa đến tay người tiêu dùng ở mức giá chấp nhận được, cùng chia sẻ với người tiêu dùng hết thời kỳ lạm phát lại sang giảm phát như hiện nay.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã đưa 5 nhóm giải pháp trong đó có giải pháp quan trọng là kích cầu bao gồm kích cầu đầu tư và kích cầu tiêu dùng. Theo đó các địa phương cần có các giải pháp tích cực thực hiện chủ trương của chính phủ để sản xuất kinh doanh phát triển.