09:42 18/03/2009

Giá dầu: 20 hay 40 USD/thùng?

Kiều Oanh

Có hai luồng dự báo khác nhau về giá dầu, một cho rằng giá dầu đã chạm đáy, một cho rằng, giá dầu còn giảm thêm

Một giàn khoan dầu của Petro China tại Trung Quốc. Nhu cầu dầu của nước này đang có dấu hiệu đi xuống - Ảnh: Reuters.
Một giàn khoan dầu của Petro China tại Trung Quốc. Nhu cầu dầu của nước này đang có dấu hiệu đi xuống - Ảnh: Reuters.
Đang tồn tại hai luồng dự báo khác nhau về giá dầu.

Một cho rằng, giá dầu đã chạm sàn và sẽ ở trên mức 40 USD/thùng cho tới khi kinh tế thế giới phục hồi, một cho rằng, giá dầu có thể sụt thêm, về mức 20 USD/thùng.

Hai dự báo về giá dầu

Trong mấy tuần gần đây, dù liên tục trồi sụt, giá dầu mỏ trên thị trường thế giới cũng chỉ quanh quẩn trong vùng 40 - 47 USD/thùng. Nhiều nhà quan sát dự báo, đợt thoái trào của giá dầu bắt đầu từ mùa hè năm ngoái đã tới hồi kết. Họ cho rằng, với những đợt cắt giảm mạnh sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), giá dầu đã hoàn tất quá trình dò đáy và sẽ ở mức đáy này cho tới khi kinh tế toàn cầu phục hồi.

Mặc dù vậy, một số chuyên gia, trong đó có những nhân vật nổi tiếng như Kenneth Rogoff thuộc Đại học Havard hay Nouriel Roubini thuộc Đại học New York, phản đối quan điểm này. Họ đưa ra dự báo, với tình hình thị trường và bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, giá dầu có thể sẽ giảm mạnh thêm. Vài ý kiến thậm chí còn cho rằng, giá dầu có thể sụt về ngưỡng 20 USD/thùng và giữ ở mức thấp này trong vòng vài năm.

“Hai đầu tàu lớn nhất của tăng trưởng kinh tế toàn cầu là Mỹ và Trung Quốc. Lúc này, kinh tế Mỹ đã suy thoái, còn kinh tế Trung Quốc thì đình lại. Theo kịch bản của tôi, giá dầu còn giảm nữa. Tôi sẽ không ngạc nhiên khi giá dầu giảm về 20 USD/thùng, một khi suy thoái diễn biến xấu thêm”, ông Roubini nhận định.

Tuy nhiên, trong số những chuyên gia theo dõi chặt chẽ thị trường dầu, ít người cho rằng giá dầu sẽ tiếp tục giảm trong ngắn hạn. Để bảo vệ quan điểm của mình, họ lập luận, OPEC sẽ dùng tới thứ “vũ khí” giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu. Từ tháng 9/2008 tới nay, OPEC đã quyết định 3 đợt cắt giảm sản lượng.

Trong cuộc họp ngày 15/3 vừa qua tại Vienna, Áo, OPEC không cắt giảm thêm như dự báo của giới quan sát vì lo ngại ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới. Nhưng trong cuộc họp vào tháng 5 tới, OPEC sẽ căn cứ vào tình hình thị trường và kinh tế toàn cầu để ra quyết định tiếp theo về vấn đề này.

Trên thực tế, trước cuộc họp của OPEC, giá dầu đã liên tục tăng, có lúc vượt ngưỡng 47 USD/thùng. Sau khi có tin OPEC không hạ sản lượng, giá dầu tại New York lại giảm về mức 44 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 16/3 tại châu Á. Trong phiên giao dịch ngày 16/3 tại Mỹ, giá dầu lại lên mức 47 USD/thùng sau khi Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke có nhận định cho rằng kinh tế Mỹ sẽ phục hồi vào cuối năm nay.

Nhưng dù sao, trước viễn bất ổn của kinh tế toàn cầu, quan điểm cho rằng giá dầu sẽ còn giảm sút xa hơn đang thu hút được sự ủng hộ của thêm nhiều người. Cuộc tranh luận khá gay gắt này về giá dầu không chỉ phản ánh những khác biệt trong dự báo về sức khỏe kinh tế thế giới, mà còn phản ánh quan điểm không đồng nhất về tương lai của ngành công nghiệp dầu lửa - lĩnh vực vốn đã liên tục “bay cao” để rồi lại “rơi sâu” trong mấy tháng gần đây.

Không ai có thể phủ nhận, dự báo giá dầu là một việc rất khó.

Khi giá dầu lên tới mức 147 USD/thùng vào năm ngoái, một số chuyên gia đã tin tưởng, giá dầu có thể sớm đạt 200 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu đã nhanh chóng lao dốc sau khi đạt đỉnh ở tháng 7/2008 và hiện đã mất khoảng 100 USD/thùng so với mức giá khi đó.

Bởi vậy, việc giá dầu phục hồi thời gian gần đây chưa thể khiến những chuyên gia cho rằng giá dầu có thể giảm sâu hơn thay đổi quan điểm.

Giá dầu khó tăng đột biến

Một trong những vấn đề khó đoán biết nhất lúc này là liệu thị trường dầu thế giới hiện nay có lặp lại những gì đã diễn ra ở đầu những năm 1980 - khi giá dầu rơi tự do và duy trì ở ngưỡng thấp trong vòng 2 thập kỷ sau đó, hay sẽ diễn biến giống như vào năm 1998 - khi giá dầu giảm mạnh khi xảy ra khủng hoảng tài chính châu Á, nhưng nhanh chóng tăng trở lại trong vòng một vài năm sau đó khi tăng trưởng phục hồi.

Nhiều chuyên gia đồng tình với quan điểm cho rằng, giá dầu sẽ tăng mạnh trở lại khi kinh tế thế giới phục hồi, nhưng không phải ai cũng cho rằng, giá dầu khi đó sẽ tăng theo chiều dựng đứng.

Ông Edward Morse, kinh tế gia trưởng của công ty môi giới thị trường hàng hóa LCM Commodities tại New York cho hay, trong 60 năm qua, mỗi cú sốc năng lượng xảy ra đều đem đến kết quả là nhu cầu tiêu thụ dầu tăng trưởng ở mức thấp trong vòng nhiều năm sau đó. Ông Morse cho rằng, lần này, mọi việc cũng sẽ diễn ra tương tự.

Theo ông Morse, trước cuộc khủng hoảng năng lượng 1973, nhu cầu dầu của thế giới tăng trưởng 8%/năm. Tuy nhiên, tới cuối thập niên 1970, nhiều nước tìm ra được cách sử dụng ít dầu hơn, khiến tốc độ tăng nhu cầu dầu chỉ còn 4%/năm. Tương tự, sau cú sốc dầu lửa do cách mạng Hồi giáo Iran, tốc độ tăng nhu cầu tiêu thụ dầu cũng giảm xuống 2%/năm. Trong suốt thập niên sau khi Iraq tấn công Kuwait, lượng dầu thế giới tiêu thụ chỉ tăng 1,5-1,8%/năm.

Chuyên gia này dự báo, khi kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới sẽ chỉ tăng 1%/năm do nhu cầu của Mỹ, Trung Quốc và Trung Đông không còn tăng mạnh như trước.

Trong dài hạn, một nhân tố khác có thể ghìm chân giá dầu. Đó là, khi OPEC cắt giảm sản lượng để ngăn giá dầu giảm, tổ chức này vô tình tăng lượng công suất dự trữ lên. Sau nhiều năm các nước OPEC duy trì công suất dự trữ thấp - một yếu tố đẩy giá dầu lên - thị trường dầu lửa lúc này có mức công suất dư thừa ít nhất 5 triệu thùng/ngày của OPEC.

Theo các quan chức của khối này, đến cuối năm nay, mức công suất dư thừa trên có thể lên tới 8 triệu thùng/ngày, cao nhất trong vòng một thập kỷ qua. Thời kỳ gần đây nhất khi công suất dư thừa của OPEC đứng ở mức này, giá dầu đã được giữ ở mức thấp trong nhiều năm trời.

“Xét tới bất kỳ phương diện kinh tế nào, giá dầu cũng có lý do để giảm thêm”, ông Adam Robinson, Giám đốc phụ trách mảng thị trường hàng hóa của quỹ đầu cơ Armored Wolf ở California nhận xét.

Hiện tại thị trường dầu đang dành sự chú ý cho bên cầu, thay vì bên cung. Trong khi đó, theo IEA, tại Trung Quốc, tiêu thụ dầu đã tăng liên tục 10 năm qua, nhưng đã giảm 4% vào tháng 12 năm ngoái. IEA cho rằng, nhu cầu dầu của Trung Quốc năm nay sẽ chỉ tăng 0,7%.

Năm ngoái, nhu cầu dầu của Mỹ giảm 6%, mạnh nhất trong vòng gần 3 thập kỷ. Kinh tế đi xuống, người Mỹ cũng đi lại ít hơn, khiến nhu cầu tiêu thụ xăng hàng không ở nước này trong tháng 1/2009 giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vui và lo với giá dầu giảm

Giá dầu hạ được xem là một niềm vui hiếm hoi của kinh tế thế giới thời gian này. Mùa hè năm ngoái, giá xăng ở Mỹ đạt đỉnh trên 4 USD/gallon, nhưng hiện giá xăng tại nước này chỉ còn bình quân 1,94 USD/gallon. Sự điều chỉnh này giúp người tiêu dùng Mỹ giữ được hàng tỷ USD trong ví.

Tuy nhiên, việc giá dầu sụt giảm mạnh thêm sẽ có thể dẫn tới một thời kỳ kéo dài mà ở đó hoạt động đầu tư vào ngành dầu lửa bị duy trì ở mức thấp, dẫn tới một giai đoạn tăng mạnh kéo dài của giá dầu một khi kinh tế thế giới thoát khỏi suy thoái.

Các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đang liên tục lên tiếng cảnh báo về sự thắt chặt nguồn cung có thể xảy ra trong vòng 5 năm tới vì, đẩy giá dầu lên tới những mức kỷ lục mới.

Đồng tình với quan điểm nay, ông Zhou Jiping, Phó chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) nhận định: “Ngành công nghiệp dầu lửa cần mức giá hợp lý. Nếu giá dầu xuống dưới 40 USD/thùng, rất nhiều giàn khoan sẽ bị đóng cửa”.

Giá dầu giảm cũng có thể khiến hoạt động đầu tư vào lĩnh vực năng lượng thay thế giảm sút, trong khi lĩnh vực này đã gặp nhiều khó khăn vì khủng hoảng tín dụng và kinh tế suy thoái. Nếu không có sự hỗ trợ của chính phủ, nhiều công nghệ năng lượng thay thế sẽ không thể địch nổi với mức giá dầu như hiện nay.

(Theo New York Times)