16:33 22/08/2008

Giá đồ dùng học tập “leo thang"

Đinh Phong - Kim Dũng

Nửa tháng nữa năm học mới bắt đầu, các nhà sách lớn đang là những địa chỉ thu hút đông đảo các bậc phụ huynh

Hầu hết mọi mặt hàng cho năm học mới này đều tăng giá mạnh.
Hầu hết mọi mặt hàng cho năm học mới này đều tăng giá mạnh.
Những tác động từ việc tăng giá nguyên vật liệu khiến giá sản phẩm đồ dùng học tập cũng tăng theo đáng kể, điển hình là các loại giấy vở tăng mạnh từ 10-20% so với năm 2007.

Tăng từ sách, vở...

Tại thị trường Hà Nội, hiện loại vở 72 trang của Hồng Hà, Mai Hà, Tiến Thành có giá bán giao động từ 3.500 đồng đến 8.000 đồng; vở 120 trang từ 6.000 đồng đến 12.000 đồng/quyển; vở ôly 48 trang có giá bán từ 3.300 đồng đến 6.000 đồng, vở ô-ly 96 trang từ 8. 000 đồng đến 9.000 đồng/quyển, tuỳ theo độ sáng, trắng tự nhiên của sản phẩm.

Không chỉ có vở học sinh mới tăng giá mà các loại sách giáo khoa (sách giáo khoa) giá cũng đã tăng khoảng 10% so với năm học trước, trung bình mỗi bộ sách giáo khoa tăng thêm từ 6.000-9.000 đồng/bộ.

Trong khi đó, tại thị trường Tp.HCM, sức mua các mặt hàng dụng cụ học sinh bán  ra tại các chợ đầu mối quận 6, siêu thị và các nhà sách cũng đang tăng lên từng giờ. Năm nay hầu hết các mặt hàng dụng cụ học sinh đều tăng từ 15 đến  30% so với năm ngoái, đa số các loại tập từ 100 trang đến 200 trang, đều tăng từ 500 đến 1.000 đồng/cuốn, giá bán lẻ tại các siêu thị, các chợ và các nhà sách, hiện giao động từ 4.000 đồng đến 7.000 đồng/cuốn tuỳ theo chất lượng.

Theo ông Lê Quốc Bảo, Giám đốc Công ty Sách, Thiết bị, Xây dựng trường học Hà Nội, nguyên nhân việc giá sách giáo khoa tăng 10% cũng do giá giấy in đột biến khiến giá bán tăng. Hiện giá vở, sách giáo khoa tăng là do ngành giấy trong nước mới chỉ đáp ứng 60% nhu cầu giấy in, giấy viết, còn lại phải nhập khẩu.

Trong thời gian qua giá giấy các loại lại tăng thêm ít nhất 400.000 đồng/tấn, đẩy giá giấy in, giấy viết lên tới 17-18 triệu đồng/tấn nên việc tăng giá vở học sinh, sách giáo khoa là điều khó tránh khỏi.

Bên cạnh đó, các loại bút viết do các doanh nghiệp trong nước sản xuất với các thương hiệu Thiên Long, Bến Nghé giá tăng khoảng 5-10%, những loại học cụ như: bảng, thước kẻ, hộp bút... tăng khoảng 10 - 20% so với năm trước. Thị trường cặp, balô, đồng phục học sinh năm nay cũng rơi vào tình trạng tăng giá 10 - 25% so với năm trước.

Khi năm học mới đã cận kề, việc sắm sách vở là điều không thể thiếu cho các em đến trường. Vì thế, đây cũng đang là đề tài có nhiều ý kiến nhất xung quanh viêc tăng giá sách của Nhà xuất bản Giáo dục đưa ra. Theo đó, mỗi đầu sách được áp giá tăng xấp xỉ mức cho phép của Chính phủ là 10%. Cụ thể: mức tăng cao nhất đối với một bộ sách bậc tiểu học là 6.200 đồng; bậc trung học cơ sở là 9.600 đồng/bộ và bậc trung học phổ thông là 12.200 đồng/bộ.

Tuy có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng theo ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, giáo dục thanh, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội, phương án tăng giá nhưng nên xem xét phương án trợ giá sách giáo khoa bởi đó là điều cần thiết  trong khi số tiền trợ giá cũng không lớn so với một số mặt hàng được trợ giá  khác.

Nhà xuất bản Giáo dục đã tham mưu với Bộ Giáo dục và Đào tạo là năm nay để đảm bảo sách giáo khoa phục vụ được học sinh trên mọi miền đất nước thì phải mở cuộc vận động mua sách giáo khoa cũ, bán lại cho học sinh với giá rẻ, còn lại phát cho các tủ sách giáo khoa dùng chung, tặng cho các thư viện trường học trong cả nước, những học sinh không có điều kiện mua sách mới có thể mượn sách cũ hoặc mua lại sách cũ để có sách học.

Hiện tất cả các sở giáo dục và đào tạo trong cả nước đã chỉ đạo các phòng giáo dục, các trường học vận động học sinh nhường lại sách cũ cho bạn hoặc bán lại sách cũ cho trường và công ty sách. Đó là biện pháp đầu tiên đảm bảo được tủ sách cho học sinh, đồng thời tiết kiệm chung cho xã hội và giúp các gia đình khó khăn có đủ sách cho con đến trường.

... đến dụng cụ học tập

Cùng với tập vở, cặp táp, bút máy, bút bi, viết chì thì giá bán lẻ và sỉ tại các chợ và các nhà sách hiện nay cũng tăng nhẹ từ 500 đồng đến 20.000 đồng/cây, bút bi Thiên Long loại thường trước đây có 12.000 đồng/chục, nay lên đến 18000 đồng/chục, tại chợ Bình Tây, quận 6, Tp.HCM các loại bút lông dạ quang của Trung Quốc từ 18.000 đồng/chục cũng lên 22.000 đồng/chục. So với năm ngoái thì năm nay, mặt hàng giày dép có nhiều cải tiến về chất lượng, kiểu dáng và mẫu mã, do sản lượng cũng tăng từ 25% đến 30%, giá cũng tăng mạnh.

Anh Trần Thanh Hùng, chủ tiệm giày dép chuyên bán giày dép học sinh ở Chợ Lớn, quận 6, cho biết: “Mấy tháng trước thì khách hàng mua có tăng, so với năm ngóai thì tháng này khách hàng mua yếu hơn, tại vì giá cả nó tăng hơn, tăng khoảng trên 10%. Nhưng mẫu mã năm nay thì đẹp hơn mọi năm, đa dạng hơn, dĩ nhiên chủ yếu là mặt hàng Trung Quốc. Riêng hàng Việt Nam mình năm nay cải tiến giày nhẹ và đế mỏng, mặt hàng này bán rất chạy.

Giá một đôi giày hiện nay từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng/đôi tùy loại, trung bình một đôi giày giá tăng khoảng 10% đến 15%. Khách hàng học sinh thường mua loại giày có giá trung bình từ 100.000 đồng đến 250.000 đồng/đôi. Khách hàng ở các tỉnh, nhất là ở các tỉnh miền Tây giảm khoảng 70% so với mọi năm”.

Cũng như những mặt hàng dụng cụ học sinh, giá đồng phục tại các chợ, siêu thị và trường học năm nay cũng tăng khá mạnh. Tại các cửa hàng chuyên cung cấp đồng phục trên đường Cao Thắng quận 3, đường Phan Đình Phùng, đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp, nếu như năm ngoái giá một một bộ đồng phục cho học sinh lớp 1 từ 50.000 đồng đến 55.000 đồng/bộ, thì năm nay đã lên đến 70.000 đồng đến 75.000 đồng/bộ, tương tự thì giá đồng phục học sinh được bán tại các trường năm nay, cũng tăng bình quân từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/bộ.