00:46 19/03/2008

Giá tăng cao, nhà thầu kêu cứu

Mạnh Chung

Giá vật liệu xây dựng tăng đột biến, khiến nhiều nhà thầu “chới với” trước nguy cơ phá sản

Từ cuối năm 2007, đặc biệt trong những tháng đầu năm nay, việc giá vật liệu cộng với giá chi phí dịch vụ đầu vào tăng mạnh đã… bỏ xa dự toán của các nhà thầu!
Từ cuối năm 2007, đặc biệt trong những tháng đầu năm nay, việc giá vật liệu cộng với giá chi phí dịch vụ đầu vào tăng mạnh đã… bỏ xa dự toán của các nhà thầu!
Giá vật liệu xây dựng tăng đột biến, khiến nhiều nhà thầu “chới với” trước nguy cơ phá sản.

>>“Sợ” xây nhà vì giá vật liệu

Trước khi ký kết các hợp đồng xây dựng, bao giờ các nhà thầu cũng tính sẵn đến những rủi ro do yếu tố trượt giá và các công trình phức tạp có thời gian thi công kéo dài. Tuy nhiên, từ cuối năm 2007, đặc biệt trong những tháng đầu năm nay, việc giá vật liệu cộng với giá chi phí dịch vụ đầu vào tăng mạnh đã… bỏ xa dự toán của các nhà thầu!

Tại một hội thảo do Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam tổ chức sáng 18/3, PSG.TS Vũ Khoa, Chủ tịch Hiệp hội nhấn mạnh điều này đã khiến nhiều dự án, công trình đang triển khai bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Một số nhà thầu đã bị lỗ nặng, một số khác không thể tiếp tục thi công, buộc phải chọn giải pháp chấp nhận phạt hoặc mất bảo lãnh thực hiện hợp đồng”, ông nói.

Càng làm, càng lỗ!

Ông Nguyễn Phú Khải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Xây lắp Công nghiệp Nam Định, đại diện cho Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Nam Định, “ngậm ngùi”: “Giữa tháng 10/2007, nhà thầu ký được hợp đồng trọn gói công trình xây dựng cống thủy lợi với trị giá 5 tỷ đồng, tiến độ buộc phải xong trước mùa mưa bão năm nay. Nhưng giá vật liệu tăng vượt ngoài dự tính nên nhà thầu phải “nghiến răng” bỏ thêm ngót một tỷ đồng mua vật liệu cho đúng tiến độ”.

Theo ông, rất nhiều nhà thầu ở Nam Định đang rơi vào tình trạng “lõm vốn” hoặc lãi mẹ đẻ lãi con, nợ ngân hàng.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thành Phương, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), toàn bộ Vinaconex có trên 60 nhà thầu, với phần lớn các công trình đều sử dụng vốn ngân sách. Dự toán của nhiều công trình được lập ở thời điểm giữa năm 2007, nay đã tăng ít nhất trên 20%.

Ông Phương nói trước sự biến động “chóng mặt” của giá vật liệu, các chủ đầu tư phải “bỏ tiền túi” từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng ra để “cứu nhà thầu”, nhằm hoàn thành hợp đồng rồi mới chờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Ông phân tích: cơ cấu vật liệu chiếm 60-80% giá thành xây dựng, nên dù giá vật tư tăng 1% cũng ảnh hưởng đáng kể tới giá thành xây dựng. Nhưng thời gian vừa qua, giá vật liệu xây dựng ở Việt Nam đã tăng trung bình từ 30 - 40%, điều đó đồng nghĩa với sự thay đổi hoàn toàn tổng giá thành xây dựng.

Theo ông Vũ Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, do trượt giá vật liệu nên nhiều nhà thầu dù đã được lựa chọn, trúng thầu nhưng đã phải bỏ hợp đồng; nhiều công trình đang thi công thì bị ngừng trệ, cầm chừng. Đặc biệt, nguy cơ phá sản cao nhất là đối với các nhà thầu đang thi công các hợp đồng xây dựng không được điều chỉnh giá, với cái lỗ nặng gần như cầm chắc trong tay.

Và, cũng không thể loại trừ khả năng có những chủ thầu tuy vẫn tiếp tục nhận thi công, nhưng để tránh tình trạng thua lỗ đã tìm mọi cách giảm chi phí vật liệu, dùng vật liệu kém chất lượng, dẫn đến những nguy hiểm tiềm ẩn đến độ an toàn của công trình.

Cần cơ chế định giá?

Thủ tướng đã ban hành quyết định cho phép điều chỉnh giá và các hợp đồng trọn gói sang hợp đồng theo đơn giá. Bộ Xây dựng cũng đã ra thông tư hướng dẫn điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng. Nhưng theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, việc hiện thực hóa những “tín hiệu” đáng mừng đó còn phải đợi một thời gian nữa, vì phải chờ các bộ khác và các địa phương hướng dẫn cụ thể.

Tại hội thảo nói trên, hầu hết nhà thầu đều mong muốn Nhà nước sớm xây dựng một cơ chế định giá cụ thể, nhằm kiểm soát giá trên thị trường, vì thực tế cho thấy, giá vật liệu xây dựng ở các đại lý được đẩy cao hơn rất nhiều so với giá bán tại nhà máy sản xuất vật liệu, đặc biệt là giá thép.

Bên cạnh đó, là một cơ chế cho phép sự linh hoạt điều chỉnh giá trong hợp đồng xây dựng, để phù hợp giá thực tại trên thị trường.

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, để các công trình hạ tầng cơ sở của đất nước không bị ngừng trệ trước tình hình tăng giá hiện nay, Nhà nước nên “cắt” những dự án công chưa cần thiết để tập trung đầu tư vào những công trình quan trọng hơn. Đồng thời, Nhà nước nên khuyến khích các chủ đầu tư tạm ứng vốn để các nhà thầu tiếp tục có vốn kinh doanh và trả nợ ngân hàng.