09:12 16/09/2011

Giá vé máy bay sẽ linh hoạt hơn?

Y Nhung

Giá trần vé máy bay tăng không đồng nghĩa với việc giá bán của vé máy bay sẽ đồng loạt tăng

Trên thực tế, giá vé trần chỉ được áp dụng vào những dịp cao điểm, khi nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao.
Trên thực tế, giá vé trần chỉ được áp dụng vào những dịp cao điểm, khi nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao.
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, dự kiến trong tháng 10/2011, phương án giá trần vé máy bay mới sẽ được trình lên Bộ Tài chính để cơ quan này xem xét cho ý kiến.

Thông tin về việc tăng giá trần vé máy bay đang được xem xét đã khiến không ít người có nhu cầu đi lại bằng đường hàng không thêm lo lắng.

Trao đổi với VnEconomy, chiều 15/9, ông Lại Xuân Thanh, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho hay: không giống những lần trước, giá trần vé máy bay thường do các đơn vị kinh doanh hàng không trong nước đề nghị, các cơ quan chức năng sẽ xem xét và đưa ra quyết định cuối cùng. Lần này, việc xem xét nâng giá trần lại từ “trên” đưa ra.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét đưa ra cơ chế giá vé linh hoạt để tạo điều kiện cho các hãng hàng không khai thác trên các đường bay nội địa.

Trên tinh thần này, Cục Hàng không đã yêu cầu các hãng hàng không có văn bản báo cáo về sự biến động của các yếu tố đầu vào trong giai đoạn gần đây, phương thức áp dụng giá bán… để làm cơ sở xem xét và đưa ra phương án giá vé trần mới.

Cũng theo ông Thanh, không giống như các loại hình kinh doanh khác, giá sản phẩm được tính toán đưa ra trên cơ sở giá thành cộng với khoản lợi nhuận nhất định.

Còn trong ngành hàng không giá vé khá linh hoạt, với nhiều mức giá khác nhau tùy thuộc vào từng thời điểm. Ví dụ như giá vé trần trên đường bay Hà Nội – Tp.HCM theo quy định của Bộ Tài chính là 2,22 triệu đồng/lượt. Nhưng thực tế, trên đường bay này các hãng hàng không có tới cả chục mức giá khác nhau. Thậm chí, vào thời gian khuyến mại, giá vé trên đường bay này chỉ ở mức vài trăm nghìn đồng.

Trước đó, đại diện Jetstar Pacific cũng cho rằng, mức giá trần thực tế chỉ được áp dụng vào các dịp lễ Tết, cao điểm. Nhưng sở dĩ khung giá trần vẫn được duy trì dù không ít lần các hãng hàng không đã có kiến nghị xóa, theo ông Thanh là vì quy định này sẽ khống chế các hãng không tăng giá quá mức vào những dịp nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao. Luật Hàng không Dân dụng Việt Nam cũng đã có quy định về điều này nên không thể bỏ.
 
Ông Thanh còn cho biết thêm, dự kiến phương án giá vé trần sẽ được trình Bộ Tài chính trong tháng 10/2011 để cơ quan này xem xét và cho ý kiến. Tuy nhiên, giá trần vé máy bay tăng không có nghĩa là giá vé máy bay trên các đường bay sẽ đồng loạt tăng.

Theo đề xuất giá trần mới có thể tăng tới 1,5 lần so với hiện hành, nhưng giá vé thực sẽ tăng tùy theo thời điểm với nhiều mức giá khác nhau.

Hiện tại, khung giá cước vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng được quy định tại Quyết định số 916/QĐ-BTC, cụ thể như sau: đối với cự ly dưới 300 km, mức giá tối đa là 863.636 đồng/vé; từ 300 km đến dưới 500 km giá trần là 1,1 triệu đồng/vé; từ 500 km đến dưới 850 km giá vé cao nhất là 1,48 triệu đồng/vé; từ 850 km đếm dưới 1.000 km giá trần là 1,9 triệu đồng/vé; từ 1.000 km đến dưới 1.280 km mức giá cao nhất là 2,22 triệu đồng/vé; từ 1.280 km trở lên giá vé tối đa là 2,72 triệu đồng/vé. Mức giá trần trên chính thức được áp dụng từ 27/4/2011.