10:42 30/07/2007

Giấc mơ dịch vụ y tế chất lượng cao

Quỳnh Lam

Liệu giấc mơ đó có thể trở thành hiện thực hay không, khi chi phí y tế cho một đầu người chỉ đạt 6 USD?

Liệu giấc mơ đó có thể trở thành hiện thực hay không, khi chi phí y tế cho một đầu người chỉ đạt 6 USD?

Đi chữa bệnh như đi du lịch…

“Bệnh viện ở Singapore lộng lẫy như khách sạn, nó giống chỗ nghỉ ngơi du lịch hơn là nơi chữa bệnh. Bác sỹ nơi đây thân thiện như người trong gia đình, và đặc biệt là không hề có mùi của thuốc tẩy. Tôi không có cảm giác là mình đang bị bệnh...”. Đó là tâm sự của anh T.E, một người từng đi chữa bệnh tại Singapore.

Quả thật, yếu tố tâm lý tác động rất nhiều đến sự chuyển biến của bệnh tật, nhiều chuyên gia tâm lý đã khẳng định như vậy. Thực tế, trong quá trình chữa bệnh, điều trị về tinh thần là vô cùng quan trọng. Có những người mắc bệnh nan y như ung thư, nếu được sống trong một môi trường thân thiện, thoải mái, tâm lý tốt, có thể kéo dài cuộc sống thêm vài năm, thậm chí là vài chục năm.

Thế nhưng, phần lớn bệnh nhân Việt Nam lại không tìm thấy không khí đấy tại các bệnh viện trong nước. Họ cho rằng ngoài sự quá tải đến ngột ngạt thì thái độ bác sỹ cũng khiến cho bệnh tật của họ nặng thêm. Nhiều người có tiền đã lựa chọn dịch vụ khám chữa bệnh ở nước ngoài.

Bà Phạm Hồng Linh, đại diện Trung tâm Thông tin Parkway, một địa chỉ làm cầu nối đưa người đi chữa bệnh ở Singapore tại Việt Nam cho biết, mặc dù giá cả khám chữa bệnh tại nước ngoài không rẻ chút nào (phẫu thuật điều trị tim bẩm sinh mất khoảng 250 triệu đồng/lần (bệnh nhân thường phải trải qua 2-3 lần), ghép gan cho người lớn hiến từ người sống hết khoảng 2,5 tỷ đồng, phẫu thuật u não bằng phương pháp xạ vi phẫu( tạo vết thương nhỏ) khoảng 200 đến 250 triệu đồng…), thế nhưng nhu cầu đang ngày càng tăng.

Theo số liệu thống kê hàng năm, Tập đoàn Parkway đưa được khoảng 200 nghìn người nước ngoài đến Singapore chữa bệnh, trong số đó, nhu cầu của bệnh nhân Việt Nam cũng chiếm một số lượng đáng kể. Cụ thể, sau gần 3 năm có mặt tại Việt Nam, Parkway đã đưa được khoảng 600 bệnh nhân sang chữa bệnh tại các bệnh viện của Tập đoàn ở Singapore.

Cũng theo bà Linh, phần lớn các bệnh nhân có nhu cầu đi chữa bệnh ở nước ngoài đều mắc các bệnh nặng như ung thư, tim mạch, hoặc cần được ghép tạng… và phần lớn họ không tin tưởng vào chất lượng dịch vụ y tế trong nước.

Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều người ra nước ngoài không phải vì bệnh hiểm nghèo mà chi muốn được tận hưởng một dịch vụ chăm sóc bệnh nhân hoàn hảo. Thế mới có chuyện, nhiều người có tiền tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần để sang Thái lấy cao răng?!

Vấn đề đặt ra ở đây là, Bộ Y tế có giải pháp gì khi chúng ta đang để mất một lượng đáng kể bệnh nhân có khả năng chi trả cao? Bao giờ các bệnh viện Việt Nam có dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế?

Bệnh viện trong nước vẫn ngoài cuộc

Trao đổi với VnEconomy, ông Lý Ngọc Kính, Vụ trưởng Vụ Điều trị (Bộ Y tế) cho rằng, rất khó để nói đến dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao tại các bệnh viện trong nước.

Ông Kính cho biết, về trình độ chuyên môn, các bác sỹ Việt Nam được đánh giá rất cao, họ có đủ khả năng để tiếp xúc với nền y học tiên tiến, hiện đại.

Đặc biệt, đến nay nhiều bệnh viện trong nước đã thực hiện thành công các ca ghép nội tạng. Trong đó, kỹ thuật ghép thận đã về đến các bệnh viện tuyến tỉnh, và có đến 5 bệnh viện tuyến trung ương có thể tiến hành ghép gan. Kỹ thuật ghép tim đang được bệnh viện Việt Đức tiến hành nghiên cứu thực hiện…

Tuy nhiên, để ngành y tế Việt Nam phát triển với hệ thống khám chữa bệnh chất lượng cao, chỉ chuyên môn thôi không đủ.

Theo TS. Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai, hệ thống bệnh viện Việt Nam chủ yếu được xây dựng theo mô hình bệnh viện công, vì thế luôn trong tình trạng quá tải. Đây chính là nguyên nhân khiến cho chất lượng dịch vụ kém đi.

Ông Hùng đưa ra dẫn chứng, một bác sỹ bình quân khám khoảng 20 bệnh nhân/ngày chắc chắn sẽ đủ “minh mẫn” hơn khi con số đó là 200. “Chất lượng hay không chính là ở chỗ đó”, ông nói.

Mặt khác, chi phí y tế cho một đầu người tại Việt Nam vẫn đang ở mức quá thấp, 6 USD/người. (tại Singapore, con số này là 2.000 USD, Mỹ trên 6.000 USD). Với chi phí đó, dịch vụ y tế nói chung, trang thiết bị, cơ sở vật chất nói riêng không thể đáp ứng được nhu cầu của những người có nhiều tiền.

Để khắc phục tình trạng này, theo ông Kính, chỉ có thể bằng cách chuyển đổi mô hình các bệnh viện công sang viện tư, đặt kinh doanh, lợi nhuận lên hàng đầu. Đến lúc đó, phần lớn người dân có bệnh lại không dám đến bệnh viện vì không có khả năng chi trả.

“Bản thân tôi cũng rất muốn có một bệnh viện hay phòng khám đạt chuẩn quốc tế được xây dựng tại Việt Nam. Nhà nước cũng đang khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, đây phải là một cái nhìn dài hơi. Trước mắt, làm thế nào để nâng chi phí khám chữa bệnh bình quân đầu người lên trên mức hiện tại là tốt rồi”, ông Kính nói.