14:00 07/02/2009

Hà Nội kiên quyết cấm chở gia súc gia cầm bằng xe máy

Bộ Tư pháp cho rằng lệnh cấm vận chuyển gia súc, gia cầm trên xe máy của Hà Nội là không có căn cứ pháp luật

Theo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), liên quan đến hoạt động vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm, Quyết định 51 có một số quy định mang tính cấm đoán, không có căn cứ, có biểu hiện “ngăn sông, cấm chợ”.
Theo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), liên quan đến hoạt động vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm, Quyết định 51 có một số quy định mang tính cấm đoán, không có căn cứ, có biểu hiện “ngăn sông, cấm chợ”.
Lệnh cấm vận chuyển gia súc, gia cầm trên xe máy, xích lô, xe đạp và các phương tiện thô sơ khác theo Quyết định số 51 của UBND thành phố Hà Nội đã chính thức có hiệu lực được gần một tuần (từ 2/2).

Hàng loạt các quy định chặt chẽ được áp dụng như: phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm phải là phương tiện chuyên dụng theo tiêu chuẩn, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y, tiêu độc, khử trùng, được cơ quan thú y cấp giấy chứng nhận vệ sinh thú y; sản phẩm gia súc, gia cầm phải được để trong các loại bao bì kín đáo đảm bảo không độc hại, không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm; chỉ được vận chuyển đến cơ sở giết mổ có phép của thành phố...

Các sản phẩm gia súc, gia cầm bán ra trên thị trường phải được lấy từ các cơ sở giết mổ có đủ điều kiện, phải có dấu kiểm soát giết mổ; cấm buôn bán gia súc, gia cầm trên vỉa hè, lòng đường, ngõ xóm và các khu vực công cộng; người bán hàng phải sử dụng trang phục theo quy định; mặt phản bán hàng phải bọc bằng inox, lát gạch men hoặc gỗ cứng cao tối thiểu 0,8m so với nền nhà...

Mặc dù vậy, theo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), nhiều quy định của lệnh này là không có căn cứ pháp luật và có biểu hiện "ngăn sông cấm chợ".

Tại văn bản số 13/KTrVB gửi UBND thành phố Hà Nội thông báo kết quả kiểm tra theo thẩm quyền đối với Quyết định 51/2009/QĐ-UBND của thành phố Hà Nội, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nêu rõ: đối tượng, phạm vi áp dụng của quy định là “Mọi tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế…” trong Điều 1 là chưa tương thích với chính Điều 2 là “Có đăng ký kinh doanh, giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật” và chưa sát với thực tế.

Bởi lẽ thực tế hiện nay, nhiều cá nhân tham gia hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc, gia cầm trong xã hội nhưng không có đăng ký kinh doanh, giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề mà trên cơ sở tự sản, tự tiêu nhỏ lẻ. Đây được coi là một nhu cầu chính đáng và là một thực tế của xã hội hiện nay.

Liên quan đến hoạt động vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm, Quyết định 51 có một số quy định mang tính cấm đoán, không có căn cứ, có biểu hiện “ngăn sông, cấm chợ” đối với các cá nhân công dân tham gia hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc, gia cầm như “Cấm vận chuyển gia súc, gia cầm vào khu vực nội thành, nội thị” (Khoản 1, Điều 4); “Cấm vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên xe máy, xích lô, xe đạp hoặc các phương tiện thô sơ khác” (Khoản 4, Điều 4).

Văn bản  13 cũng cho rằng nội dung quy định tại Khoản 1 điều này “gia súc, gia cầm chỉ được vận chuyển đến cơ sở giết mổ được phép thành lập của UBND thành phố,…” còn hạn chế quyền của công dân vì trong trường hợp giao dịch trao đổi gia súc, gia cầm không vì mục đích giết, mổ hoặc giao dịch nhỏ lẻ của người tiêu dùng thì không bắt buộc phải qua cơ sở giết mổ.

Mặt khác, liên quan đến hoạt động chế biến, buôn bán các sản phẩm gia súc, gia cầm, Quyết định 51 cũng có một số quy định mang tính cấm đoán không có cơ sở và không rõ ràng về nội dung quy phạm pháp luật, gây hiểu nhầm, đồng thời có thể dẫn đến việc áp dụng xử lý tuỳ tiện như “Cấm bán các sản phẩm gia súc, gia cầm có… độc tố, ký sinh trùng hoặc vi sinh vật gây bệnh cho người” (Khoản 1, Điều 5); và “Cấm buôn bán sản phẩm gia súc, gia cầm trên vỉa hè, lòng đường, ngõ xóm và khu vực công cộng” (Khoản 4, điều 5).

Cũng theo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, nội dung quy định về “Hình thức, mức độ xử lý vi phạm (Khoản 1, Điều 9) không dẫn rõ nguồn văn bản của các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương quy định về hình thức và mức phạt đối với các hành vi vi phạm mà diễn đạt như một “quy định mới” nên có thể dẫn đến cách hiểu những quy định này là trái thẩm quyền.

Ngoài ra, có những quy định khác cần tiếp tục được xem xét, kiểm tra để kết luận về tính hợp hiến, hợp pháp như quy định điều kiện kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm tại Điều 3.

Về phần “Nơi nhận” trong văn bản cũng chưa bảo đảm đúng quy định của Nghị định số 135/2003/NĐ-CP như thiếu cơ quan kiểm tra theo thẩm quyền và cơ quan giúp UBND tự kiểm tra, Cục Kiểm tra văn bản cũng đề nghị rút kinh nghiệm và hoàn thiện bổ sung.

Theo kết luận của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, trong một số nội dung của Quyết định 51 đã cho thấy chưa có sự cân nhắc kỹ về nội dung quy phạm, về thẩm quyền của cơ quan ban hành.  

Do đó, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã đề nghị UBND thành phố Hà Nội xem xét, xử lý lại văn bản Quyết định 51 cho bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, cũng như bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân có hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố. UBND thành phố Hà Nội khẩn trương tổ chức tự kiểm tra, xử lý và thông báo kết quả xử lý cho Cục trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo theo quy định của pháp luật.

Chiều qua 6/2, trả lời câu hỏi về tính khả thi của các lệnh cấm trong quyết định số 51, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lưu Tiến Long cho rằng, quyết định này có tính đặc thù và cần có lộ trình để người dân thay đổi nếp sinh hoạt và nhận thức rõ việc vận chuyển như hiện nay là vi phạm Luật Giao thông.

Ông Long nhấn mạnh rằng, về thực chất, các nội dụng quy định trên đã được áp dụng từ năm 2007 theo Quyết định số 98/2007/QĐ-UBND ban hành ngày 30/8/2007, Quyết định số 51 chỉ mở rộng phạm vi áp dụng cho cả vùng mới sáp nhập. Tuy nhiên, sau gần 2 năm ban hành, việc giết mổ gia cầm, gia súc ngay tại vỉa hè, lòng đường chợ cóc vẫn diễn ra bình thường, tình trạng vi phạm các quy định diễn ra ở khắp Hà Nội!

“Phải đẩy nhanh xây dựng các lò mổ thương nghiệp, nhưng chỉ xây dựng không thôi thì không được, hàng hóa sẽ không có người tiêu thụ vì người dân vốn quen với việc mua gà lông ở chợ, đường... thành phố sẽ xây dựng cơ chế hỗ trợ về đất đai, vốn... để giảm chi phí đầu tư ban đầu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu để thành lập dịch vụ vận chuyển bằng xe tải tại các trung tâm giết mổ đầu mối”, ông Long khẳng định.

Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Huy Tưởng cho biết, thành phố vừa giao Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu thiết kế hoặc đưa ra tiêu chuẩn về phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm và phải trình thành phố trước ngày 20/2/2009. Dự kiến, bắt đầu từ tháng 3/2009 sẽ triển khai thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm trên toàn thành phố.
 
(TTXVN/Vietnam+)