09:00 31/08/2011

Khi chợ Đồng Xuân chuyên phân phối hàng Trung Quốc

Y Nhung

Từ năm 1986 đến nay, hàng hoá của Trung Quốc đã chiếm thị phần chủ yếu tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội)

Mỗi ngày lượng hàng hoá luân chuyển từ chợ Đồng Xuân đến các vùng miền trong cả nước khoảng 15 – 20 tấn.
Mỗi ngày lượng hàng hoá luân chuyển từ chợ Đồng Xuân đến các vùng miền trong cả nước khoảng 15 – 20 tấn.
Hàng Việt vẫn chưa được ưu tiên kinh doanh ở chợ truyền thống hay chợ truyền thống khó có điều kiện để tiếp cận với hàng Việt là những vấn đề đã được “mổ xẻ” bởi các cơ quan chức năng và các tiểu thương tại chợ Đồng Xuân, vào sáng 30/8.

Tại toạ đàm “Vì sao hàng Việt chưa được kinh doanh ở chợ truyền thống”, ông Đỗ Xuân Thuỷ, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đồng Xuân, cho biết được xây dựng từ năm 1889, trong nhiều thập kỷ qua chợ Đồng Xuân vẫn luôn giữ vị trí là chợ đầu mối bán buôn lớn của cả nước. Mỗi ngày lượng hàng hoá luân chuyển từ chợ đến các vùng miền trong cả nước là khoảng 15 – 20 tấn. Doanh thu hàng năm đạt trên 4.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên từ năm 1986 đến nay, hàng hoá của Trung Quốc đã chiếm thị phần chủ yếu tại chợ Đồng Xuân. Những mặt hàng như đồ lưu niệm, đồ chơi, điện thoại, va ly, cặp sách… hàng Trung Quốc chiếm tới 90%, còn đối với hàng tạp phẩm, vải, quần áo may sẵn con số này là 70%. Mặc dù, theo đánh giá của chính các tiểu thương thì hàng hoá có nguồn gốc từ Trung Quốc đều có chất lượng không cao.

Nhưng điều đáng nói là, theo ông Thuỷ điều này không chỉ diễn ra ở riêng chợ Đồng Xuân mà ở nhiều chợ truyền thống khác, hàng Việt chưa có chỗ đứng xứng đáng.

Nguyên nhân được chỉ ra là do sức cạnh tranh của hàng Việt còn yếu. Đa phần thu nhập của người dân Việt Nam còn thấp nên người tiêu dùng khá quan tâm đến giá, chỉ cần chênh lệch từ 500 – 1.000 đồng/sản phẩm là họ sẵn sàng chuyển sang mua hàng của hãng khác. Trong khi đó, hàng hoá của Trung Quốc rất phong phú về chủng loại, mẫu mã, kiểu dáng luôn thay đổi, giá cả lại hấp dẫn.

Về phía doanh nghiệp trong nước cũng chưa quan tâm đến việc phân phối hàng hoá tại chợ truyền thống mà mới chỉ tập trung đầu tư cho việc xuất khẩu.

Do đó, hiện nay đang tồn tại một điều tưởng chừng như nghịch lý, đó là ở chợ Đồng Xuân các tiểu thương đang tự nguyện trưng bày sản phẩm bán chạy của Trung Quốc ở vị trí thuận lợi mà các nhà sản xuất này không phải tốn một đồng nào cho phí. “Nếu chúng ta thiết lập được mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, các hộ kinh doanh và có chính sách ưu đãi phù hợp thì hàng Việt Nam hoàn toàn có thể được ưu tiên trưng bày ở những vị trí thuận lợi nhất”, ông Thuỷ nhận định.

Một lý do khác khiến doanh  nghiệp Việt Nam để mất cơ hội đưa hàng hoá đến tay người tiêu dùng trong nước là vì hàng Trung Quốc len lỏi vào chợ Đồng Xuân thông qua đường tiểu ngạch, không phải đóng thuế nhập khẩu nên giá thành rẻ. Tiểu thương được đưa hàng đến tận nơi mà không phải lo kiếm tìm nguồn. Hình thức thanh toán thì khá linh hoạt, sản phẩm sai hỏng cũng dễ dàng được đổi lại…

“Thực tế không phải ở chợ Đồng Xuân ít kinh doanh hàng Việt mà chủ yếu là kinh doanh sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, không có bản quyền, thương hiệu. Nhưng làm việc với các đơn vị này tiểu thương không cần phải có tư cách pháp nhân để ký các hợp đồng. Hàng hoá cũng linh hoạt hơn trong thanh toán và đổi khi hỏng hóc”, ông Nguyễn Khắc Ngọc, một tiểu thương chuyên kinh doanh giày dép cho hay.

Tại buổi tọa đàm, tâm tư chung của các hộ kinh doanh tại chợ đầu mối này đều muốn kinh doanh hàng Việt. Phần vì, kinh doanh hàng hoá nhập khẩu không có nguồn gốc xuất xứ, các tiểu thương luôn phải đối mặt với việc có thể bị mất trắng hàng khi bị lực lượng quản lý thị trường kiểm tra và còn phải nộp phạt.

Nhưng để ký kết được hợp đồng với các doanh nghiệp hàng hoá đã có thương hiệu trên thị trường thì quả là việc khó đối với các tiểu thương nơi đây. “Chúng tôi đa phần là các hộ kinh doanh cá thể, làm ăn dựa trên uy tín, nên không có tư cách pháp nhân để tham gia ký kết các hợp đồng với các doanh nghiệp. Điều này khiến doanh nghiệp không dám hợp tác vì có thể bị mất hàng, khó thu tiền”, ông Nguyễn Khắc Dũng, một tiểu thương đưa ra kiến giải.

Phần khác, theo chị Nguyễn Thị Hương - chuyên kinh doanh hàng quần áo trẻ em là vì, hàng Việt có chất lượng giá bán khá cao. Trong khi, người tiêu dùng lại chỉ có thể chi trả ở mức thấp. “Doanh nghiệp biết điều này, sao họ không tính đến phương án sản xuất ra các sản phẩm có mức giá mà thị trường dễ chấp nhận nhất”.

Doanh nghiệp sẽ tự giới thiệu hàng tại chợ?

Giai đoạn hiện nay đang được đánh giá là cơ hội khá tốt để chiếm lại “sân nhà” vì khá nhiều người tiêu dùng không hề yên tâm với việc sử dụng hàng hoá Trung Quốc.

Cộng với tiềm năng lưu chuyển hàng hoá rất lớn tại chợ đầu mối Đồng Xuân, nhiều doanh nghiệp như Công ty cổ phần Sản xuất Dịch vụ và Thương mại Sản phẩm Da Ladoda - chuyên sản xuất đồ da trung và cao cấp đã tính đến việc sẽ mở một showroom giới thiệu sản phẩm tại đây. Đó cũng là mong muốn của Công ty HomeCook, đơn vị chuyên sản xuất thiết bị và đồ dùng gia đình.

Tuy nhiên, theo bà Hà Ngọc, một tiểu thương chuyên kinh doanh tại chợ thì việc làm đó sẽ không mang lại hiệu quả cao. Doanh nghiệp sẽ mất thêm một khoản chi phí trong khi việc phân phối sản phẩm chưa chắc đã được rộng khắp.

“Để đưa được hàng đến với người dân ở mỗi tỉnh, doanh nghiệp phải có ít nhất 50 điểm bán hàng tại địa phương đó. Trong khi ở chợ Đồng Xuân chỉ cần 5 quầy hàng kinh doanh một sản phẩm nào đó, sản phẩm đó sẽ được phân phối rộng khắp cả nước”, bà Ngọc chia sẻ.

Thêm nữa, “Nếu doanh nghiệp sản xuất hàng Việt tự lo việc phân phối thì chúng tôi cũng chỉ còn cách là kinh doanh hàng nước ngoài. Trong khi chỉ cần người bán hàng “tác động” vài câu, người mua hàng có thể dễ dàng chuyển từ dùng hàng ngoại sang hàng nội”, bà Ngọc cho biết thêm.

Còn theo nhìn nhận của ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam để hàng Việt thực sự không “lép vế” thì bản thân các nhà sản xuất cần phải đánh giá lại khả năng sản xuất cũng như cách tiếp thị sản phẩm.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần phải hướng đến nội địa hoá nguyên liệu vì nếu phải nhập khẩu tới 80% nguyên liệu thì hàng Việt sẽ rất khó cạnh tranh ngay cả với hàng nhập khẩu chính ngạch.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Ruệ đề nghị phải nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống buôn lậu để hạn chế hàng từ nước ngoài trốn thuế ồ ạt tuồn vào nước ta.