08:51 13/09/2007

Kiềm chế tăng giá: Doanh nghiệp vào cuộc

Duy Linh

Các doanh nghiệp đã vào cuộc để cùng Chính phủ kiềm chế mức độ tăng giá những tháng cuối năm

Tổ điều hành thị trường trong nước dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng từ 0,2 - 0,3%.
Tổ điều hành thị trường trong nước dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng từ 0,2 - 0,3%.
Các doanh nghiệp đã vào cuộc để cùng Chính phủ kiềm chế mức độ tăng giá những tháng cuối năm.

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, kết thúc đợt thanh tra giá các mặt hàng thép, gas, sữa theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, đoàn kiểm tra không phát hiện trường hợp doanh nghiệp nào lợi dụng tăng giá bt hợp lý; nhiều doanh nghiệp đã cam kết cắt giảm chi phí, không tăng giá từ nay đền hết năm để góp phần bình ổn giá thị trường. 

Theo Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa, đoàn liên ngành đã thực hiện thanh tra tại 4 công ty gas, 5 công ty thép và 5 công ty sữa. Kết quả sơ bộ cho thấy, nguyên nhân tăng giá các mặt hàng này trong những tháng đầu năm có tính chất khách quan là giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, cụ thể giá phôi thép tăng gần 20%, nguyên liệu sữa bột tăng 25 - 97%, giá gas tăng 8%.

Còn nguyên nhân chủ quan là do các doanh nghiệp hạch toán chi phí nhiều khoản còn cao và đây là những yếu tố có thể tiết giảm được trong những tháng cuối năm.

Do đó, các doanh nghiệp mà đoàn đến kiểm tra đều đã cam kết cắt giảm chi phí, trước hết là để giữ ổn định giá đến hết 2007, trong trường hợp giá thế giới ổn định hay chỉ tăng lên trong mức có thể chịu đựng được.

Đối với những mặt hàng mà Nhà nước vẫn quản lý thì doanh nghiệp dứt khoát không được tăng giá, những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá nếu thấy tăng giá không hợp lý thì các cơ quan hữu trách sẽ can thiệp trực tiếp (ví dụ xăng, thép). Còn những mặt hàng theo thị trường thì yêu cầu phải niêm yết, kê khai giá theo đúng quy định của Nhà nước.

Căn cứ trên tình thực tế và yêu cầu của đoàn kiểm tra, nhiều doanh nghiệp đã có những phản ứng tích cực. Cụ thể, các doanh nghiệp kinh doanh gas đã cam kết giảm giá 2.000 đồng - 3.000 đồng/bình (tương đương giảm khoảng 330 đồng/kg). Sữa của Công ty TNHH Thực phẩm 3A Tp.HCM đã giảm từ 4 - 8%. Công ty thép Việt - Úc giảm 200 đồng/kg thép; Thép Thái Nguyên giảm 100 - 200 đồng /kg.

Với nhóm hàng lương thực - thực phẩm có tốc độ tăng giá mạnh trong thời gian qua, Cục Quản lý giá nhận định rằng chỉ có gạo là mặt hàng trong diện bình ổn giá; giá gạo tăng cao trong thời gian vừa qua chủ yếu do điều hành xut khẩu gạo.

Từ nay đến cuối năm, chúng ta cần thực hiện dãn tiến độ xuất khẩu, rải đều 1,7 triệu tấn gạo đến hết năm. Giá lương thực cũng đã có dấu hiệu bình ổn. Việc giảm thuế đối với các mặt hàng thực phẩm cũng là cách để tăng cung, khắc phục việc mất cân đối cung cầu do dịch bệnh.

Bộ Tài chính cho biết, sau kiểm tra giá, ngành thuế sẽ kiểm tra về thuế để xem các doanh nghiệp - nhất là các doanh nghiệp được giảm thuế nhập khẩu lớn - đã hạch toán thuế như thế nào. Tại sao không giảm giá khi thuế được giảm và cần thiết có thể thu lại số thuế đã giảm. Việc kiểm tra phải xem xét kỹ yếu tố thuế giảm, lợi nhuận nhiều mà doanh nghiệp không giảm thì sẽ có biện pháp xử lý.

Bên cạnh đó, các bộ quản lý ngành liên tục đôn đốc kiểm tra các doanh nghiệp trong việc thực hiện bình ổn giá. Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiểm soát giá thức ăn chăn nuôi. Việc giảm giá thức ăn sẽ khuyến khích chăn nuôi, phát triển đàn gia súc, kịp cung cấp cho nhu cầu cuối năm.

Hiện Bộ Công Thương đã làm việc với các bộ và hiệp hội về cân đối cung cầu cho những tháng cuối năm và Tết, đảm bảo cân đối các mặt hàng thiết yếu và vật tư cơ bản.

Về phía mình, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục bàn với các bộ lớn để giải quyết các thủ tục còn vướng mắc để giải ngân nhanh hơn cho các dự án đầu tư; tiếp tục mở thêm giao dịch thị trường mở để hút tiền về; đẩy mạnh hơn nữa kiểm soát chi.

Cũng theo ông Thỏa, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 được Tổ điều hành thị trường trong nước dự báo tăng từ 0,2 - 0,3%; trong quý 4, nếu làm quyết liệt, Việt Nam sẽ đảm bảo mức tăng chỉ ở vào khoảng 1,2%.