06:10 13/03/2013

Kiểm soát hoạt động thu gom vơ vét nông, thủy sản

Chu Khôi

Rất nhiều thương lái Trung Quốc sang nước ta để thu gom gạo, tung ra nhiều chiêu, phổ biến là giả vờ mua, rồi hủy hợp đồng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo quy định xử
 phạt đối với vấn đề này nhằm nghiêm trị những thương lái trong nước hám
 lợi, tiếp tay trái phép cho thương lái nước ngoài thu gom thủy sản, 
nông sản nội địa - Ảnh minh họa.<br>
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo quy định xử phạt đối với vấn đề này nhằm nghiêm trị những thương lái trong nước hám lợi, tiếp tay trái phép cho thương lái nước ngoài thu gom thủy sản, nông sản nội địa - Ảnh minh họa.<br>
Một vấn đề khá nóng đối với ngành nông nghiệp hiện nay là thương lái nước ngoài đổ xô vào nước ta để thu gom, tranh mua nông sản, thủy sản theo kiểu vơ vét, ép giá nông dân, phá hoại sản xuất.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo quy định xử phạt đối với vấn đề này nhằm nghiêm trị những thương lái trong nước hám lợi, tiếp tay trái phép cho thương lái nước ngoài thu gom thủy sản, nông sản nội địa.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước đây thương lái Trung Quốc thường chỉ thu mua nông sản tại biên giới, các cửa khẩu, hiện nay họ lại vào sâu nội địa, không chỉ miền Bắc, miền Trung và mà cả ĐBSCL. Đáng lo là ngay cả sản phẩm không đạt chất lượng họ vẫn thu mua với giá cao hơn cả sản phẩm sạch, gây xáo trộn thị trường trong nước.

Không chỉ thương lái Trung Quốc, còn có cả Úc, Hàn Quốc, Đài Loan cũng sang thu gom thủy sản. Ở các cảng Quy Nhơn (Bình Định), Phan Thiết (Bình Thuận), mỗi ngày họ thu mua hàng tấn cá ngừ đại dương. Trong khi doanh nghiệp Việt Nam lại “đói” nguyên liệu phải nhập 60%-70% về để chế biến.

Do đó nhiều nhà máy chế biến thủy sản phải hoạt động cầm chừng, lao động thiếu việc làm, ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu thủy sản. Hơn thế thương nhân nước ngoài mua gom kiểu vơ vét các loại cá nên số đông ngư dân đánh bắt tận diệt thủy sản, dẫn đến nguồn sinh trưởng và sự phát triển thủy sản bị cạn kiệt.

Hiện nay rất nhiều thương lái Trung Quốc sang nước ta để thu gom gạo, tung ra nhiều chiêu, phổ biến là giả vờ mua, rồi hủy hợp đồng. Chủ một doanh nghiệp kinh doanh lương thực cho biết, họ đến tận kho yêu cầu từ 10.000 - 50.000 tấn theo hợp đồng giao trong vòng 3 tháng.

Thậm chí, họ còn thuê thương lái địa phương đi mua lúa gạo với giá cao để lũng đoạn thị trường. Đến khi các đơn vị cung ứng đã mua đầy kho thì họ “lặn” mất. Sau đó họ ra yêu sách phải giảm giá thật nhiều và chịu phí tổn thì họ sẽ trở lại bàn chuyện mua gạo.

Các chiêu phá hoại này khiến gạo Việt mang tiếng xấu là gạo sản xuất từ các giống lúa cũ, lạc hậu, năng suất thấp bán với giá cao. Nhiều trường hợp thương lái Trung Quốc còn mua gạo độn tạp nham với giá cao, sau đó xuất khẩu ra nước ngoài với nhãn mác gạo Việt, khiến thương hiệu gạo Việt bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhiều thương lái Việt Nam nếu muốn bán hàng cho họ, phải trộn gạo trắng thường với gạo thơm theo tỷ lệ 50:50 để họ đem về nước bán dưới mác gạo thơm, thương nhân Trung Quốc sẽ lợi 1/3 giá.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá việc làm trên của thương nhân Trung Quốc không chỉ đơn thuần là lợi ích kinh tế của họ mà có thể còn nhằm hạ thấp uy tín, chất lượng gạo Việt Nam. Sâu xa hơn, việc này có thể phá nát nền sản xuất gạo chất lượng cao, gạo thơm của Việt Nam, đồng thời phá thị trường gạo Việt Nam tại Trung Quốc.

Theo quy định của WTO, Việt Nam có quyền cấm thương lái nước ngoài đăng ký kinh doanh và thu mua trực tiếp hàng hóa nông, thủy sản để xuất khẩu. Tuy nhiên, phần lớn thương lái Trung Quốc lách luật bằng cách mở các điểm thu mua xuất khẩu qua tiểu ngạch, tiến hành theo hợp đồng miệng nên rất khó kiểm soát về thuế và xử phạt.

Đã thế, rất nhiều thương lái nước ta còn giúp thương lái nước ngoài, không màng đến thiệt hại của người dân. Để ngăn chặn tình trạng thương lái nước ngoài thu gom, tranh mua nông sản (đặc biệt thủy sản) theo kiểu vơ vét, ép giá người dân, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã soạn thảo dự thảo Nghị định quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thủy sản, đang chờ lấy ý kiến từ nhiều nguồn trong nhân dân.

Trong đó, điểm nổi bật của dự thảo này là quy định sẽ phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với hành vi cá nhân trong nước liên kết, hợp tác trái phép với tổ chức, cá nhân nước ngoài để thu gom thủy sản tại Việt Nam, còn nếu tổ chức vi phạm thì phạt tới 100 triệu đồng. Mức phạt cao nhất nêu trong dự thảo lên tới 200 triệu đồng.

Quy định còn cho phép tịch thu tang vật vi phạm như tàu thuyền, xe vận chuyển, thu gom thủy sản... và tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh của cá nhân, tổ chức vi phạm khi “bắt tay” với thương lái nước ngoài tranh mua, vơ vét thủy sản.

Trong dự thảo nghị định mới cũng đưa ra quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp liên kết đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trái phép và các vi phạm của tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam.

Theo đó, sẽ phạt tiền từ 50-100 triệu đồng đối với trường hợp tàu cá nước ngoài hoạt động trái phép tại vùng biển Việt Nam hoặc tàu cá được phép hoạt động nhưng giấy phép đã hết hạn từ 30 ngày trở lên, hoạt động sai vùng cho phép. Đồng thời tịch thu tàu cá, trục xuất thuyền viên nước ngoài rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Nông sản cũng là lĩnh vực đang bị thương lái nước ngoài thao túng, gây ra nhiều vụ xáo trộn thị trường nhưng hiện chưa có dự thảo nghị định xử phạt tương tự ngành thủy sản.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ xây dựng dự thảo nghị định quy định xử phạt các vi phạm có liên quan tới việc thương lái trong nước hám lợi, tiếp tay trái phép cho thương lái nước ngoài thu gom nông sản nội địa tương tự như quy định về thủy sản.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)