14:27 23/09/2007

Kinh doanh đèn trời mùa Trung thu

Chu Khôi

Việc đón Trung thu ở quảng trường Mỹ Đình, ngắm trăng và thưởng lãm đèn trời mới chỉ xuất hiện vài năm trở lại đây

Không ai thả đèn trời một mình, mà người ta tụ họp thành từng nhóm, một người giữ cho đèn thăng bằng, một người đốt bấc.
Không ai thả đèn trời một mình, mà người ta tụ họp thành từng nhóm, một người giữ cho đèn thăng bằng, một người đốt bấc.
Đón Trung thu ở quảng trường Mỹ Đình, ngắm trăng và thưởng lãm đèn trời tuy mới chỉ xuất hiện vài năm trở lại đây, nhưng đang dần trở thành một nét đẹp văn hoá của người Hà Nội.

Đèn trời vốn là một loại hình nghệ thuật lâu đời ở nước ta, người xưa thường dùng đèn thả lên cao để báo lệnh tiến, lui quân, báo tin thắng trận. Ở nhiều xã trong tỉnh Thái Bình có tục lệ thi thả đèn trời truyền thống. Lệ đặt ra là làm đèn bằng chiếc sọt to, dán giấy kín xung quanh, chừa hở phía dưới, bên trong đặt bát mỡ có bấc để đốt. Khi đốt, đèn tự bay lên cao, đèn nhà nào bay cao nhất mà không bị cháy thủng thì thắng cuộc.

Đèn trời kết cấu bởi hai vòng tròn uốn bởi nan tre làm khung, vỏ đèn bao bọc bằng loại giấy nhẹ và bền. Vòng tre phía trên có thêm hai que tre đấu nhau hình chữ thập để làm giá đỡ treo bấc đèn đặt trong bầu dầu đủ cháy suốt thời gian dài (khoảng 30-50 phút) trên không trung. Nguyên lý hoạt động của đèn khá đơn giản: bấc cháy nung nóng không khí, khiến đèn bay lên cao.

Kinh doanh đèn trời mùa Trung thu

Người nổi danh làm đèn trời là nghệ nhân Nguyễn Tiến Tần, ở làng Bình Đà (Hà Tây). Đèn trời của ông có mặt trong nhiều lễ hội lớn: Hội xuân chùa Hương hàng năm; chào mừng Seagames 22 tại sân Mỹ Đình; mừng kỷ niệm 110 năm Đà Lạt; ngày hội văn hóa - du lịch sông Hàn (Đà Nẵng)...

Đèn của nghệ nhân Tiến Tần độc đáo ở chỗ là có gắn những gói thuốc bông hoa nghệ thuật vào đèn trời, khi đèn bay cao, thuốc bông hoa bắt lửa toả sáng màu sắc sặc rỡ. Năm nay, đã có hàng trăm khách hàng đã tìm đến nhà nghệ nhân Tiến Tần đặt mua đèn trời để thả trong đêm Trung thu.

Nghệ nhân Tiến Tần cho biết: "Bí quyết của đèn là độ lửa cháy của bấc phải được tính toán vừa đủ, để lửa không làm cháy lồng đèn, đồng thời đủ lực mang toàn bộ đèn bay lơ lửng trên không trung. Khi hết dầu bấc tắt, đèn trời vẫn lơ lửng trên không trung một thời gian mới rơi xuống. Thả đèn lồng càng lặng gió càng đẹp".

Nắm bắt được thị hiếu mới này, một nhóm sinh viên đã tổ chức làm đèn trời cung cấp cho khách hàng. Đèn được họ bán tại cửa hàng ở 236D phố Vọng, và rao bán trên mạng tại địa chỉ www.dentroi.com. Những lời mời chào của họ thật dễ thương: "Bạn đã bao giờ thả đèn trời trong một đêm thật đặc biệt như Trung thu chưa? Bạn hãy thầm ước hoặc viết lời ước của mình ra giấy rồi dán lên đèn trời và thả đèn nhé. Chúng mình tin rằng bạn sẽ có một kỷ niệm thật khó quên".

Những chiếc đèn trời được bán tại cửa hàng 236D Phố Vọng có kích thước đường kính 65 cm, chiều cao 1,25 m, bấc đèn đủ cháy sáng 30 phút, đèn bay cao tới 1 km. Giá của đèn trời loại này rất "bình dân", chỉ khoảng 15 ngàn đồng/chiếc, với những đơn đặt hàng từ 10 chiếc trở lên sẽ được giao tận nơi miễn phí (trong phạm vi nội thành). Nhóm làm đèn trời sinh viên này còn cung cấp theo đơn đặt hàng của các công ty, tổ chức sự kiện trong dịp Trung thu.

Anh Huy, trưởng nhóm làm đèn trời cho biết: đèn trời bắt đầu được bán từ ngày 5/9, đến nay đã tiêu thụ được hơn 800 chiếc.

Đón Trung thu tại quảng trường Mỹ Đình

Vài năm trở lại đây, bên cạnh những địa điểm cũ như Hồ Tây, quảng trường Mỹ Đình trở thành nơi đón Trung thu của người Hà Nội. Năm nay cũng không ngoại lệ. Hà Nội nhà cửa san sát, nếu chọn một địa điểm thoáng rộng đủ để ngắm nhìn bầu trời khoáng đạt, thưởng lãm trăng rằm, không nơi nào "tối ưu" bằng quảng trường Mỹ Đình.

Những dịch vụ kinh doanh chỗ ngồi thưởng lãm Trung thu trở nên đắt khách, tuy là địa điểm công cộng, nhưng những người kinh doanh trải những chiếc chiếu lên thảm cỏ, để phục vụ nhu cầu của khách. Phục vụ người lớn, những mặt hàng được bán thường là đồ ăn nhẹ: ngô nướng, mực nướng, trà đá, bia, bánh kẹo...

Người chơi Trung thu thường đi thành nhóm, có khi là cả gia đình. Bên cạnh đồ chơi, trò chơi trẻ em, còn có một loại trò chơi dành cho người lớn trong đêm thu tại sân Mỹ Đình, đấy chính là thả đèn trời, khiến bầu trời đêm Mỹ Đình trở nên lung linh huyền ảo.

Không ai thả đèn trời một mình, mà người ta tụ họp thành từng nhóm, một người giữ cho đèn thăng bằng, một người đốt bấc. Sau khi bấc đèn cháy, phải giữ một lúc để đèn đủ hơi nóng, khi cảm nhận đèn có thể tự bay lên được mới thả tay ra. Đèn bay lên cao, mang theo ước nguyện của người thả, trong tiếng vỗ tay tán thưởng của những người xung quanh.