10:36 10/09/2008

Lại chuyện thiếu cá tra nguyên liệu!

Khôi Nguyên

Dự báo, từ tháng 11/2008 đến quý 1/2009, sản lượng cá tra ở ĐBSCL sẽ thiếu hụt khoảng 50% so với nhu cầu

Theo dự báo của VASEP, từ nay cho đến tháng 3/2009, sản lượng cá tra nguyên liệu nuôi ở ĐBSCL sẽ giảm khoảng 40%.
Theo dự báo của VASEP, từ nay cho đến tháng 3/2009, sản lượng cá tra nguyên liệu nuôi ở ĐBSCL sẽ giảm khoảng 40%.
Lại chuyện thiếu cá tra nguyên liệu khi giá tiếp tục tăng cao, cầu từ doanh nghiệp tăng nhưng cung không còn nhiều.

Giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL hiện đã tăng cao so với cách đây 1 tuần; loại 1 thịt trắng đạt size giá mua tại ao đã lên tới 17.500 đồng/kg. Nguyên do là nguồn cá nguyên liệu trong dân không còn nhiều, trong khi nhu cầu thu mua của các doanh nghiệp chế biến lại tăng mạnh.

Hiện thị trường xuất khẩu phi lê cá tra đông lạnh cũng đã tăng lên khoảng 10% so với tháng 8. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại không “mạnh tay” ký hợp đồng vì nguồn cá tra nguyên liệu trong dân đã cạn. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Việt Nam (VASEP), trong bảy tháng đầu năm 2008, giá trị xuất khẩu (xuất khẩu) cá tra đạt 762,7 triệu USD so với 784,3 triệu USD tôm đông lạnh xuất khẩu.

Đây là sự bứt phá ấn tượng về giá trị xuất khẩu cá tra. Sự gia tăng mạnh mẽ của xuất khẩu cá tra trong những tháng qua đã góp phần đưa giá trị xuất khẩu toàn ngành thủy sản lên 2,885 tỉ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2007 và là mức tăng cao nhất trong ba năm qua. Với kết quả này, mục tiêu xuất khẩu 4,2 tỷ USD năm 2008 là hoàn toàn khả thi.

Hết thừa lại đến... thiếu

Theo dự báo của VASEP, từ nay cho đến tháng 3/2009, sản lượng cá tra nguyên liệu nuôi ở ĐBSCL sẽ giảm khoảng 40%. Và nếu tình hình thiếu cá nguyên liệu không sớm khắc phục ngay từ bây giờ thì kim ngạch xuất khẩu năm 2009 sẽ giảm đáng kể.

Dự báo từ tháng 11/2008 đến quý 1/2009 sản lượng cá tra sẽ thiếu hụt khoảng 50% so với nhu cầu. Thị trường xuất khẩu phi lê cá tra đông lạnh đang khởi sắc, giá cá tra trong nước đang chuyển biến theo chiều hướng có lợi cho người nuôi, vậy tại sao nông dân chưa sẵn sàng cho niên vụ cá mới?

Ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản thành phố Cần Thơ (CAFA), cho biết, dù biết sắp tới thiếu trầm trọng cá tra nguyên liệu, nhưng đến nay phần lớn nông dân ở Cần Thơ sau khi bán cá xong vẫn không thả cá giống nuôi lại. Hiện nay tỷ lệ treo ao của thành phố Cần Thơ khoảng 50%, do hầu hết những hộ nuôi cá đơn lẻ đều nghỉ, vì phần lớn các dự án nuôi cá vẫn chưa được ngân hàng xem xét nên bà con không có khả năng lo vốn để đầu tư cho vụ cá mới.

Ngoài ra, sau khi cân nhắc giữa lãi suất cho vay của ngân hàng và hệ số rủi ro trong nghề nuôi cá tra quá lớn nên bà con còn ngần ngại chưa dám thả cá nuôi lại. Trước tình hình cá tra nguyên liệu sẽ thiếu hụt trong những tháng tới, các doanh nghiệp kêu gọi nông dân hợp tác với nhà máy bằng hình thức doanh nghiệp kết hợp với hộ dân tạo thành các vệ tinh nuôi cá cho nhà máy, doanh nghiệp bỏ vốn với tỷ lệ doanh nghiệp 70%, nông dân 30%, cũng có doanh nghiệp chỉ thuê hầm của nông dân để nuôi cá. Tuy nhiên người dân vẫn còn đắn đo lựa chọn mô hình thích hợp.

Khủng hoảng thừa có thể tái diễn

Ông Phan Văn Danh, Chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản tỉnh An Giang (AFA), cho biết, đến hết quý 1/2009, khi nguồn cá tra nguyên liệu cạn kiệt, thì tình hình mới thật sự trầm trọng. Hiện có khoảng 30% nông dân ở An Giang treo ao...

Vẫn theo ông Danh, vừa qua lúc cá tra dội chợ ế ẩm, mọi người cứ đổ lỗi do nông dân nuôi nhiều, nhưng trên thực tế chưa có ai đứng ra khảo sát đưa ra kết quả thống kê cụ thể để làm cơ sở khoa học. Theo số liệu mà các hiệp hội trong vùng cung cấp, năm nay số lượng cá tra tăng lên không quá 20%, nếu so sánh với thị trường và năng lực chế biến của các nhà máy thì không thừa.

Tuy nhiên, do thu hoạch cá rơi vào thời điểm Chính phủ chống lạm phát và chính sách thắt chặt tiền tệ đã khiến cho nghề nuôi cá gặp không ít khó khăn. Để vực dậy nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL, Chính phủ cần bơm tiền vào các ngân hàng cổ phần nơi phần lớn nông dân vay tiền nuôi cá, nhưng hiện nay tính thanh khoản ở các ngân hàng này rất thấp. Trước đây Chính phủ nói “bơm tiền cứu cá tra”, nhưng thực tế chỉ bơm tiền cho doanh nghiệp và các ngân hàng nhà nước.

Theo các doanh nghiệp chế biến ở Cần Thơ, nếu không học bài học hôm nay trong vấn đề cung - cầu thì hệ quả của năm tới sẽ còn nặng nề hơn. Bởi vì chính việc xiết chặt tín dụng đã lộ ra những điềm yếu trong quy hoạch. Năm 2007, cá tra đã mang lại siêu lợi nhuận cho người nuôi, lãi trên 5.000 đồng/kg cá, từ đó kích thích người nuôi đầu tư mới, người chưa nuôi cá cũng nhập cuộc và hậu quả là cá khủng hoảng thừa.

Đến khi Chính phủ thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất ngân hàng tăng cao khiến nhiều nông dân không trụ vững, buộc phải bán đổ bán tháo cá với bất cứ giá nào gây nên sự rối ren nghề nuôi cá tra. Và theo nhận định của những người trong cuộc, tình trạng khủng hoảng thừa cá tra nguyên liệu năm 2008 có nguy cơ tái diễn vào niêu vụ cá mới, nếu các ngành chức năng không sớm có những định hướng và quy hoạch mang tính chiến lược.

Theo ông Ngô Phước Hậu, Phó chủ tịch VASEP, chuyện thừa thiếu cá nguyên liệu là chuyện bình thường, do tình hình cung cầu tại những điểm khác nhau. Và sự chuyển biến giữa treo ao và nuôi tiếp diễn ra rất nhanh.

"Hôm nay treo ao, chỉ cần thấy giá cá tra tăng cao thì nông dân lại vô cá giống. Giữa treo ao hoặc nuôi cá trở lại hoàn toàn không có ranh giới rõ ràng. Tốc độ nuôi, tốc độ sản xuất, tốc độ thu hoạch cá tra... sẽ hoàn toàn thay đổi và thay đổi rất nhanh theo diễn biến của thị trường", ông Hậu nhận định.