10:58 09/08/2013

“Lạm phát cao có nguy cơ trở lại”

Thủy Diệu

"Lạm phát tuy được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại trong những tháng cuối năm"

Nhu cầu một số hàng hoá, dịch vụ có khả năng tăng vào dịp khai giảng, 
Quốc Khánh 2/9 và những tháng cuối năm, nhất là thời điểm giáp Tết 
Nguyên đán 2014... gây sức ép lên mặt bằng giá.
Nhu cầu một số hàng hoá, dịch vụ có khả năng tăng vào dịp khai giảng, Quốc Khánh 2/9 và những tháng cuối năm, nhất là thời điểm giáp Tết Nguyên đán 2014... gây sức ép lên mặt bằng giá.
Nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, lạm phát tuy được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại trong những tháng cuối năm.

Bộ Tài chính vừa phát đi thông cáo gửi các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục tăng cường biện pháp quản lý, bình ổn thị trường giá cả, kiềm chế lạm phát những tháng cuối năm 2013.

Bộ Tài chính cho biết, tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2013 đã có những kết quả tích cực bước đầu, như lạm phát tiếp tục được kiềm chế - chỉ số giá tiêu dùng tháng tháng 7/2013 tăng 2,68% so với tháng 12/2012, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn: lạm phát tuy được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại trong những tháng cuối năm; tình hình mưa bão còn diễn biến phức tạp, dịch bệnh trên vật nuôi chưa được  khống chế hoàn toàn, giá một số mặt hàng tiếp tục được điều hành theo lộ trình thị trường như giá điện (điều chỉnh từ 1/8/2013); giá than cho sản xuất điện; giá xăng dầu thế giới diễn biến thất thường tác động đến giá xăng dầu trong nước; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước; giá dịch vụ giáo dục (học phí)...

Ngoài ra, nhu cầu một số hàng hoá, dịch vụ có khả năng tăng vào dịp khai giảng, Quốc Khánh 2/9 và những tháng cuối năm, nhất là thời điểm giáp Tết Nguyên đán 2014... gây sức ép lên mặt bằng giá.

Trước những nguy cơ lạm phát cao có thể quay trở lại, Bộ Tài chính đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai một số việc trọng tâm như, nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đồng thời triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP.

Theo dõi sát tình hình giá cả thị trường và diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại địa phương, kịp thời có biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật nhằm bình ổn thị trường, giá cả, kiềm chế tốc độ tăng CPI của địa phương; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá, thuế, phí trên địa bàn; xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm, lợi dụng thời gian cao điểm để tăng giá, phí tùy tiện, trái pháp luật hoặc tăng giá dây chuyền khi yếu tố hình thành giá không có biến động lớn.

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá; hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng giao kế hoạch; hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách địa phương; hàng hóa, dịch vụ còn được trợ cước, trợ giá theo thẩm quyền; đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá (nếu có) đến tình hình kinh tế xã hội và CPI của địa phương, tránh điều chỉnh vào cùng một thời điểm đẩy CPI tăng cao.

Với các địa phương có xảy ra bão lũ cần có biện pháp bình ổn giá kịp thời theo quy định tại Luật Giá đối với những mặt hàng thiết yếu trên địa bàn...