11:15 27/08/2008

Lúa gạo lại giảm giá

Khôi Nguyên

Sau một thời gian ngắn nhích lên, giá lúa gạo ở ĐBSCL đã chững lại và quay về vạch xuất phát

Cánh hàng sáo không còn đi kiếm mua lúa nhiều như những ngày đầu tuần rồi.
Cánh hàng sáo không còn đi kiếm mua lúa nhiều như những ngày đầu tuần rồi.
Sau hàng loạt chỉ đạo của Chính phủ về việc thu mua tạm trữ lúa hè thu trong dân, và công tác thu mua lúa, gạo được các doanh nghiệp kinh doanh lúa, gạo ở các tỉnh trong vùng tích cực triển khai, giá gạo trong tuần qua nhích dần lên.

Có lúc, lúa đứng ở mức 5.150 đồng/kg, hầu hết nông dân trồng lúa đều cảm thấy phấn khởi.

Giá lúa về vạch xuất phát

Tuy nhiên, "sự phấn khởi" này chỉ kéo dài được khoảng 5 ngày, vì sau đó giá lúa gạo ở ĐBSCL đã chững lại và quay về vạch xuất phát!

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tuần trước loại lúa dùng làm gạo 5% tấm hiện đang có giá 5.100 đồng/kg, loại làm gạo 15% tấm và 25% tấm có giá từ 4.700 - 4.800 đồng/kg, tùy địa phương và tùy ẩm độ, riêng giá lúa ở tỉnh Long An có giá cao nhất là 5.300-5.400 đồng/kg.

Giá gạo nguyên liệu gạo lứt để làm ra gạo 5% tấm khoảng 6.700-6.800 đồng/kg, gạo nguyên liệu làm làm ra gạo 25% tấm là 6.150-6.200 đồng/kg tùy địa phương, gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì giao tại mạn tàu là 7.800-8.000 đồng/kg, gạo 15% tấm khoảng 7.250-7.600 đồng/kg, tùy địa phương.

Nhưng trong ba ngày qua, giá lúa, gạo ở các chợ đầu mối ĐBSCL bất ngờ giảm mạnh, giá gạo nguyên liệu dùng làm gạo 10% và 25% tấm được các doanh nghiệp xuất khẩu mua vào với giá 6.200 đồng/kg, tại các chốt gạo thì giá mua vào là 6.050 đồng/kg, còn giá mua lúa trong dân của cánh hàng sáo đưa ra chỉ giao động từ 4.600 đồng - 4.750 đồng/kg nhưng có ít người mua.

Cánh hàng sáo không còn đi kiếm mua lúa nhiều như những ngày đầu tuần rồi.

Nông dân Nguyễn Văn Mẫn (huyện Tân Châu, tỉnh An Giang) có 8 tấn lúa muốn bán nhưng ba ngày qua vẫn chưa bán được, vì không có thương lái nào chịu đến coi lúa. Ông Mẫn cho biết: "Tôi gọi điện thoại cho mấy chủ nhà máy mà tôi quen, người thì trả lời là nhà máy còn lúa chưa mua vào được, người thì nói không mua!". Theo lời anh Kha, chủ nhà máy xay xát ở An Giang: "Hiện nay mấy chốt "ăn" gạo yếu quá nên nhà máy không dám mua lúa vào!".

Mặc dù Bộ Công Thương đã chỉ đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo đã có hợp đồng cần đẩy nhanh tiến độ giao hàng các hợp đồng đã ký, đồng thời có thể tăng thêm hạn mức xuất khẩu từ 100 - 200 ngàn tấn gạo giao ngay trong tháng 9 và Bộ cũng đề nghị VFA và các doanh nghiệp tăng cường thương thảo, ký kết thêm các hợp đồng mới, khiến nhu cầu mua gạo tăng, thế nhưng thị trường lúa, gạo ĐBSCL lại trở mình "sốt lạnh"!

Một doanh nghiệp ở An Giang cho biết, giá gạo nguyên liệu mà doanh nghiệp mua vào giao động từ 5.900-6.300 đồng/kg, tùy giống lúa. Hình thức mua gạo nguyên liệu của các doanh nghiệp kinh doanh gạo đều giống nhau, là mua qua trung gian thương lái.

Cánh hàng sáo mua lúa trực tiếp với dân mang về nhà máy xay xát, sau khi lúa xay bóc vỏ trấu cho ra gạo nguyên liệu, sẽ được nhà máy chở đến các chốt gạo bán, chốt gạo mua gạo vào và chở tới kho bán cho doanh nghiệp kinh doanh gạo xuất khẩu. Giá lúa mà cánh hàng sáo mua với nông dân được tính như sau: 1kg lúa xay ra 0,75kg gạo, lấy 0,75 kg gạo nhân giá gạo doanh nghiệp đưa ra, sau đó trừ tất cả chi phí và tiền lãi sẽ ra giá mua 1kg lúa với dân.

Thông thường hàng sáo họ "canh" thấy có lãi trung bình từ 20  đồng/kg trở lên là mua ngay, những lúc giá ổn định thì họ lời chút ít, gặp lúc giá gạo trên thị trường xuống thì bị lỗ, nếu giá lên thì lãi nhiều hơn. Như vậy trong chuỗi xuất khẩu gạo, từ nông dân trồng lúa, hàng sáo, chốt gạo đều lãi ở mức nào đó, người được hưởng lợi nhiều nhất và an toàn nhất là những doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Vì khi định giá gạo nguyên liệu mua vào, doanh nghiệp đã biết trước tỷ lệ chế biến, giá gạo xuất khẩu mà trước đó họ đã ký.

Hai lý do giá lúa gạo giảm

Hiện giá lúa trên địa bàn tỉnh An Giang đã xuống mức 4.500-4.750 đồng/kg tùy loại lúa, giá lúa đang có xu hướng trở về mốc trước khi có buổi giao ban trực tuyến của Chính phủ. Theo giải thích của doanh nghiệp, có 2 nguyên nhân làm cho giá lúa ở ĐBSCL giảm.

Một là, đầu ra hạt gạo có khó khăn do doanh nghiệp bị không chế giá sàn. Hai là, nếu doanh nghiệp thu mua lúa theo giá Chính phủ chỉ đạo là 5.000  đồng/kg thì e rằng không có kho tàng nào chứa hết vì có quá nhiều người mang lúa đến bán, do vậy họ phải hạ giá mua!

Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL cho biết, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc các doanh nghiệp phải mua lúa hàng hóa đảm bảo cho nông dân có lãi khoảng 40% trở lên là rất khó thực hiện, vì thường doanh nghiệp kinh doanh là dựa vào cung, cầu của thị trường mà quyết định giá mua vào, nếu không sẽ lỗ!

Do vậy, chỉ đạo của Chính phủ bảo đảm nông dân có lãi từ 40% trở lên xem ra khó khả thi! Vẫn theo doanh nghiệp này, thử quay lại thị trường lúa gạo của những năm về trước, cái thời mà chưa có quy định giá sàn, giá lúa, gạo trên thị trường lúc lên, lúc xuống nhưng nông dân rất dễ bán lúa, còn bây giờ, mặc dù Nhà nước can thiệp giúp dân nhưng lúa lại rất khó bán.

Vì trước đây Chính phủ không khống chế giá sàn gạo xuất khẩu, doanh nghiệp trước khi đi đấu thầu xuất khẩu gạo thường có trong tay một số lượng gạo nhất định, ký được hợp đồng xuất khẩu thì doanh nghiệp triển khai mua lúa ngay để giao gạo.

Thông thường thời gian giao gạo sau khi ký hợp đồng khoảng 1 tháng, đến thời điểm giao gạo nếu không đủ hàng doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh mua vào bằng cách đẩy giá lúa lên, lúc này dù lỗ họ cũng phải mua. Đó là kinh doanh theo quy luật cung, cầu, còn bây giờ, dù Nhà nước muốn giúp dân bán lúa có lãi, nhưng thị trường vẫn "lạnh" thì doanh nghiệp không thể nâng giá mua.