16:27 16/07/2009

Luật khám chữa bệnh: Công - tư sẽ rõ ràng vào năm 2020?

Minh Thúy

Không thể ngăn công chức, viên chức ngành y chữa bệnh tư vì hiện nay bệnh viện công luôn quá tải

Tại kỳ họp Quốc hội thứ 5 đã có gần 200 ý kiến góp ý vào dự thảo luật khám bệnh, chữa bệnh.
Tại kỳ họp Quốc hội thứ 5 đã có gần 200 ý kiến góp ý vào dự thảo luật khám bệnh, chữa bệnh.
Sáng 16/7, mở đầu phiên họp thứ 21 (từ 16-18/7), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án luật khám bệnh, chữa bệnh.

Đây là dự luật đã được thảo luận tại kỳ họp Quốc hội thứ 5 vừa qua, với nhiều ý kiến khác nhau từ tên gọi đến nhiều nội dung cụ thể. Trong đó có vấn đề ranh giới pháp lý giữa y tế Nhà nước và y tế tư nhân, công chức, viên chức y tế hành nghề khám chữa bệnh tư nhân.

Dự luật quy định cho phép công chức, viên chức y tế làm ngoài giờ, thành lập các loại cơ sở khám chữa bệnh tư nhân nhưng không được thành lập, tham gia thành lập và quản lý bệnh viện tư nhân.

Nhiều ý kiến cho rằng, để tạo ra ranh giới pháp lý rõ ràng giữa y tế Nhà nước và y tế tư nhân thì phải quy định công chức viên chức ngành y không được thành lập, tham gia quản lý điều hành đối với tất cả các loại cơ sở khám chữa bệnh tư nhân.

Theo cơ quan chủ trì thẩm tra - Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội – để phù hợp với thực tế của Việt Nam thì nên dung hòa hai loại ý kiến trên. Đồng thời phải định hướng lộ trình đến tiến tới việc hành nghề khám chữa bệnh công, tư rõ ràng từ năm 2020 (lộ trình trong Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân là năm 2011).

Lý do chọn  năm 2020, theo chủ nhiệm Ủy ban Trương Thị Mai là do “đến thời điểm này áp lực về cơ sở vật chất và cán bộ y tế sẽ không còn bức xúc như hiện nay, do đó sẽ có điều kiện để thực hiện việc phân định rõ hành nghề khám chữa bệnh công và tư”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cũng cho rằng nên kéo dài đến năm 2020 để cán bộ y tế Nhà nước yên tâm công tác, vì hiện nay đời sống của họ còn gặp nhiều khó khăn.

Nhiều ý kiến của các vị ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng tình với quy định như dự thảo luật vì hiện nay bệnh viện công luôn trong tình trạng quá tải. “Vào bệnh viện thấy 3,4 bệnh nhân cao tuổi nằm chung trên 1 cái giường nhỏ cũng thấy xót xa lắm”, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng nói.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên thì cho rằng hiện nay sức của Nhà nước không kham nổi nên bác sĩ chữa bệnh tư thì “ngăn cũng không được”.

Theo ông trước mắt quy định cho công chức ngành y khám bệnh tư chứ không cho điều hành, quản lý là hợp lý. Tuy nhiên, Chính phủ cần hướng dẫn cụ thể, chứ nếu không thì “chân ngoài lại dài hơn chân trong”.

Ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế nêu thực tế, hiên nay cũng đã có việc công chức viên chức y tế góp vốn thành lập bệnh viện tư rồi. Vì vậy nếu luật quy định cứng quá thì có thể sẽ chỉ cấm được trên giấy tờ thôi. Có thể không tham gia quản lý nhưng có thể tham gia góp vốn vào bệnh viện tư, ông Hiền góp ý.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cũng lo ngại nếu không có quy định rạch ròi thì sẽ có hiện tượng “lách” luật, và trung tâm y tế tư nhân cũng sẽ na ná như bệnh viện tư.

Về việc lùi thời điểm đến năm 2020, chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng phải có lộ trình cụ thể và nghiêm túc. Nếu không từ nay đến năm 2020 “có khi sửa luật mấy lần  và ra hạn đến năm 2050 cũng nên”.

Vị đại biểu này lo ngại, nếu không có kế hoạch cụ thể để thực hiện lộ trình này thì sẽ ảnh hưởng đến tính nghiêm túc và nghiêm minh của luật.

Bên cạnh dự án luật khám bệnh, chữa bệnh, trong thời gian ba ngày của phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án luật người cao tuổi và dự án luật dân quân tự vệ. Phương án sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ bổ sung năm 2009 và tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh chính sách thu ngân sách đối với số lợi nhuận bất thường có được của nhà thầu dầu khí do giá dầu thô biến động tăng cũng sẽ được xem xét.

Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe báo cáo về việc chuẩn bị Dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội; Đề án Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến 2015 và tầm nhìn 2020; đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm kỳ họp thứ 5 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 12.