10:27 03/07/2008

Mặc cả tỷ giá

Trên thị trường linh kiện máy tính, điện tử đã xuất hiện hình thức trả giá mới: mặc cả tỷ giá thanh toán trước khi mua bán

Hiện tại, thay vì trả giá sản phẩm thì người mua thường hỏi: “Ở đây tính tỷ giá bao nhiêu?”.
Hiện tại, thay vì trả giá sản phẩm thì người mua thường hỏi: “Ở đây tính tỷ giá bao nhiêu?”.
Trên thị trường linh kiện máy tính, điện tử đã xuất hiện hình thức trả giá mới: mặc cả tỷ giá thanh toán trước khi mua bán.

Ngày 27/6/2008, tỷ giá thanh toán của cửa hàng Sáng Tạo (27AB Tôn Thất Tùng, quận 1, Tp.HCM) là 18.000 đồng/USD. Còn Hoàn Long tính tỷ giá 17.900 đồng/USD. Hoàn Long không tính chung một tỷ giá mà tuỳ thuộc giá trị của hàng hóa. Hàng có giá trị lớn, tỷ giá USD là 18.000 đồng, còn hàng có giá trị thấp sẽ tính tỷ giá là 18.250 đồng. Tỷ giá của Phong Vũ có mềm hơn.

Chọn ngẫu nhiên ổ cứng Samsung dung lượng 80GB có giá tiền đồng Việt là 797.000 đồng, giá USD niêm yết là 44,5 USD, quy ra tỷ giá là 17.910 đồng. Tỷ giá này tương đối thống nhất giữa các mặt hàng có bán tại siêu thị này. Tỷ giá mà các cửa hàng áp dụng cho ngày 30/6 ngang với giá thị trường, dao động từ 17.400 - 17.900 đồng/USD.

Qua khảo sát, hiện Phong Vũ, Sáng Tạo, Hoàn Long… (Tp.HCM) là những địa chỉ bán hàng không thể trả giá tỷ giá vì giá niêm yết trên bảng báo giá đã chuyển sang tiền Việt và một cột phụ có ghi bằng tiền USD để ai có nhu cầu biết mà thanh toán.

Một nhân viên bán hàng của Phong Vũ nói rằng, nếu trả bằng tiền đồng hãy tham khảo cột giá bên phải, còn tiền USD tham khảo cột bên trái.

Tỷ giá Đô la Mỹ hiện nay hạ nhiệt khá mạnh so với vài ngày trước đây, từ 19.800 đồng (ngày 21/6/2008) xuống còn khoảng 17.400 - 17.900 đồng (vào sáng ngày 30/6/2008), cộng với quy định không được niêm yết giá ngoại tệ với những mặt hàng kinh doanh trong nước đã làm nhiều cửa hàng và người mua “lộn xộn” khi mua bán. Đặc biệt với mặt hàng linh kiện máy tính vốn đã được giao dịch, niêm yết giá bằng đồng USD ngay từ khi chúng có mặt tại thị trường Việt Nam.

Quốc Vũ (Tp.HCM) đã có gần 10 năm “kinh nghiệm” mua những mặt hàng linh kiện máy tính với đơn vị là đồng USD, mà anh quen gọi tắt là “đồng”. Trước đây, cần hỏi giá những mặt hàng linh kiện máy tính, từ con chuột cho đến CPU, anh đọc vanh vách giá của từng sản phẩm bằng đồng USD. Nhưng từ ngày có quy định niêm yết giá bằng tiền đồng Việt anh hết nhớ nổi.

Vũ nói: “Trước đây chỉ nhớ vài ba con số thì nay phải nhớ sáu, bảy con số. Nhớ làm sao nổi”. Cái khó ở đây, theo nhiều người còn là tỷ giá thanh toán để biết nơi bán tính theo mức tỷ giá nào. “Nếu tính bằng đồng USD, dễ dàng biết được nơi nào rẻ, nơi nào đắt. Còn bây giờ, khó biết lắm vì còn phụ thuộc vào tỷ giá của từng nơi bán”.

Hiện tại, thay vì trả giá sản phẩm thì người mua thường hỏi: “Ở đây tính tỷ giá bao nhiêu?”. Nếu nơi bán đưa ra tỷ giá chấp nhận được, chẳng có vấn đề gì. Còn nếu tính tỷ giá như tỷ giá thị trường tự do sẽ được người mua trả với mức… ngang giá với giá quy định của ngân hàng!

Anh Hiền (Bách Khoa Computer, quận 1, Tp.HCM) cho biết: “Không chỉ khách mua lẻ mà ngay cả các đại lý cũng vận dụng cách tính bằng đồng USD, sau đó hai bên đưa ra tỷ giá thanh toán. Cũng tốn nhiều thời gian để hai bên thoả thuận với nhau”.

Những địa chỉ bán lẻ nào đưa ra tỷ giá thấp nhất sẽ được người mua quan tâm. “Còn nơi nào có tỷ giá cao hơn sẽ được cộng đồng chuyên mua hàng máy tính cảnh báo trên các diễn đàn để mọi người cùng biết mà tránh”, Vũ tiết lộ.

Anh còn chia sẻ thêm, cùng là mặt hàng nên mua ở những cửa hàng nhỏ, dễ trả giá hơn; còn những cửa hàng lớn bao giờ cũng có tỷ giá cao hơn và khó trả!