09:50 17/09/2012

Ngăn chặn rượu giả nhập lậu

Minh Tú

Tỉ lệ rượu giả tại Việt Nam đã giảm từ mức 9,1% năm 2009 xuống còn 4,4% năm 2012

Cơ quan chức năng đang kiểm tra một cửa hàng kinh doanh rượu ngoại.
Cơ quan chức năng đang kiểm tra một cửa hàng kinh doanh rượu ngoại.
Theo Hiệp hội Rượu - bia - nước giải khát và Hiệp hội Chống hàng giả & bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), tỉ lệ rượu giả (rượu có thương hiệu) tại Việt Nam đã giảm từ mức 9,1% năm 2009 xuống còn 6,6% năm 2010 và chỉ còn 4,4% năm 2012. 

Đây là kết quả nỗ lực không ngừng của các thành viên cũng như các cơ quan chức năng trong cuộc đấu tranh chống hàng giả. Tuy nhiên, thực trạng rượu lậu vẫn đang làm đau đầu các cơ quan chức năng.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, hiện nay con số phần trăm cụ thể về rượu giả quả là khó trả lời chính xác. Tội phạm về hàng giả hiện không chỉ ở trong nước mà là xuyên quốc gia. Tuy vậy tỷ lệ rượu giả hiện đã và đang giảm do nhiều nguyên nhân khách quan. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - bượu - bước giải khát Việt Nam (VBA), cho biết: “Nguyên nhân tỷ lệ rượu giả giảm đáng kể trong thời gian gần đây là do công nghệ làm rượu giả hiện nay tinh vi hơn và cách thức hoạt động buôn bán rượu giả đã e dè hơn... 

Mặt khác, hầu hết các tay “trùm” sản xuất rượu giả đều đã bị bắt và truy tố. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2012, đã có gần 10 vụ rượu giả bị xử lý hình sự”.

Ngoài ra, Hiệp hội Chống rượu giả quốc tế tại Việt Nam (IFSP Việt Nam), được thành lập năm 2006 với 7 thành viên, cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Việt Nam như tổ chức hội thảo, cung cấp thông tin, giới thiệu một số cách giám định hàng giả và thật, phối hợp với với các cơ quan chức năng tại Việt Nam triệt phá nhiều vụ làm rượu giả. 

Năm 2011, IFSP phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam triệt phá 21 vụ, bắt 16 đối tượng làm rượu giả, thu giữ 6.300 dụng cụ làm giả như vỏ chai, hộp thành phẩm, nắp, nút, tem... Từ đầu năm đến tháng 8 năm 2012, cơ quan chức năng đã triệt phá 13 vụ, bắt giữ 13 đối tượng làm giả, thu giữ 6.513 dụng cụ làm giả...

Dù tỷ lệ rượu giả đã được giảm đáng kể nhưng tình trạng rượu lậu vẫn còn khá cao với diễn biến phức tạp về quy mô lẫn tổ chức tiêu thụ và cơ quan chức năng chưa kiểm soát được. Tình hình nhập rượu lậu vẫn diễn ra phổ biến và phức tạp. Trước đây, rượu nhập lậu được chuyển từ Nam ra Bắc, nhưng gần đây có hiện tượng rượu nhập lậu qua các cảng phía bắc chuyển ngược vào Nam.

Theo ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch VATAP, khoảng 70% lượng rượu ngoại nhập lậu trên thị trường được nhập qua tuyến biên giới Tây Nam, miền Trung và gian lận thương mại khi làm thủ tục thông quan và tạm nhập tái xuất. Cụ thể: rượu ngoại nhập lậu dọc tuyến biên giới các tỉnh biên giới Tây Nam như An Giang, Tây Ninh, Long An hay hành lang cửa khẩu Lao Bảo của Quảng Trị ở miền Trung. 

Phương thức điển hình của gian lận thương mại là khai hải quan tạm nhập để tái xuất vào các cửa hàng miễn thuế trong khu vực kinh tế cửa khẩu, khu thương mại tự do hoặc tái xuất sang nước thứ 3 nhưng phần lớn lại tuồn vào thị trường nội địa trên đường vận chuyển. Hoặc gian lận khi làm thủ tục thông quan hàng nhập khẩu như nhập nhiều khai ít, nhập rượu ngoại nhưng khai là hàng khác.

Theo ông Trần Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường, công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức về hàng giả là rất quan trọng. Chính phủ rất quan tâm đến công tác chống hàng giả, gian lận thương mại. Hiện nay, công tác quản lý thị trường tại địa bàn biên giới, cửa khẩu gặp nhiều khó khăn. Cục Quản lý thị trường sẽ tổ chức tập huấn nhằm nâng cao ý thức của người dân về công tác chống hàng giả, hàng nhái bởi lực lượng quản lý thị trường nếu đông mà ý thức người dân không tốt thì cũng khó kiểm soát.

Theo lãnh đạo VATAP, nếu thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu càng cao thì tình trạng hàng lậu, hàng giả càng nhiều, giá thành sản phẩm sẽ đội lên. Việc xây dựng cơ chế chính sách cần phù hợp với thực tế sản xuất, kinh doanh và đời sống thì mới phát huy tác dụng. Cần có biện pháp quản lý đối với rượu làng nghề nhằm chống lại nạn hàng giả, hàng nhái, bởi hiện tượng làm giả thường xuất hiện ở một số làng nghề. 

Đồng thời, tăng sản lượng sản phẩm rượu công nghiệp để chống nạn hàng giả, hàng nhái. Hiện nay, tình trạng làm rượu giả chủ yếu xảy ra đối với các thương hiệu rượu nước ngoài. Các cơ quan báo chí cần phối hợp nhiều hơn nữa với các doanh nghiệp trong công tác chống hàng giả, hàng nhái. Các doanh nghiệp cũng cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng về nhiều mặt để công tác chống hàng giả, hàng nhái đạt kết quả cao hơn.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)