10:52 30/09/2008

Nguy cơ của thông tin nguy cơ

Ở nước ta khi nào mới đánh giá được những thiệt hại từ truyền thông nguy cơ không chuẩn mang lại?

Xét nghiệm chất melamine trong sữa tại Đài Loan, hôm 22/9 vừa qua. Trong vòng hai tuần, sữa nhiễm melamine trở thành đề tài nóng bỏng cho mọi phương tiện thông tin đại chúng - Ảnh: Reuters.
Xét nghiệm chất melamine trong sữa tại Đài Loan, hôm 22/9 vừa qua. Trong vòng hai tuần, sữa nhiễm melamine trở thành đề tài nóng bỏng cho mọi phương tiện thông tin đại chúng - Ảnh: Reuters.
Peter Sandman, nhà nghiên cứu người Mỹ nổi tiếng thế giới về thông tin nguy cơ (risk communication), đã định nghĩa nguy cơ bằng một công thức đơn giản: Nguy cơ = Nguy hiểm + Giận dữ.

Nếu theo định nghĩa trên, chưa thời đại nào mà con người lại sống chung với nhiều nguy cơ như hiện nay. Có nguy cơ đến từ thiên nhiên như: thiên tai, dịch bệnh, và cũng có nguy cơ do chính con người tạo ra như: khủng bố, kém an toàn vệ sinh thực phẩm, thuốc giả…

Do xu hướng toàn cầu hoá, tần suất nguy cơ cho con người ngày càng nhiều, mức độ cũng lớn hơn, vì nguy cơ ở nước này có thể trở thành nguy cơ của nước khác, dễ dàng lan đi khắp thế giới chỉ bằng một chuyến bay như dịch SARS vào năm 2003.

Sữa nhiễm độc melamine hiện nay cũng đáng gọi là nguy cơ. Không thể khác hơn vì sự việc quá nguy hiểm: đã có hơn 12.000 trẻ nhập viện, hơn 100 trẻ nguy kịch và bốn trẻ tử vong vì “sữa nhiễm độc”. Và cũng không thể không gọi là nguy cơ khi hàng triệu phụ huynh có con uống sữa này phẫn uất trước việc làm ăn gian dối của nhà sản xuất.

Cũng như dịch SARS, trong tích tắc, nguy cơ “Trung Quốc” đã trở thành nguy cơ của nhiều nước, trong đó có Việt Nam, vì sữa Trung Quốc với giá thành thấp, được nhiều tập đoàn sản xuất và chế biến sản phẩm ưa chuộng sử dụng làm nguyên liệu. Trong vòng hai tuần, sữa nhiễm melamine trở thành đề tài nóng bỏng cho mọi phương tiện thông tin đại chúng Việt Nam.

Tuy nhiên, khi sự việc dần dần được kiểm soát và cao trào đi qua, thì một “nguy cơ” khác lại xuất hiện, đó là chuyện người tiêu dùng hoang mang, lo sợ, thậm chí quay mặt với sữa và mọi sản phẩm từ sữa. Thiệt hại trước nhất là những em bé còn trong thời kỳ dùng sữa, chúng sẽ mất cơ hội phát triển cơ thể; thiệt hại sau đó là những nhà sản xuất chân chính, khi sản phẩm của họ bị người tiêu dùng tẩy chay, đánh đồng với những sản phẩm độc hại.

Kịch bản này dường như quá quen thuộc với bối cảnh xã hội Việt Nam trong vài năm trở lại đây, từ nước tương chứa 3-MCPD bị quy là nguyên nhân trực tiếp gây ung thư cho đến vaccine bị quy cho gây chết người. Nhiều doanh nghiệp sản xuất nước tương chân chính phải đình đốn vì người tiêu dùng ngoảnh mặt, còn phong trào chích vaccine cho trẻ em giảm sút nghiêm trọng do các bậc phụ huynh hoang mang, lo sợ.

Tuy nhiên, điều đáng bàn dường như không phải là hậu quả do chính nguy cơ mang lại, mà xuất phát từ sự truyền thông nguy cơ không đúng cách. Theo Peter Sandman, truyền thông nguy cơ gồm hai mặt nhỏ: “làm công chúng hoảng sợ” và “trấn an công chúng”, “truyền thông nguy cơ đúng cách là tạo ra một mức độ giận dữ phù hợp với mức độ nguy hiểm”.

Peter cũng lưu ý tránh những sai lầm khi truyền thông nguy cơ, như không nói dối, không nói một nửa sự thật, đừng trấn an công chúng quá mức, nhằm mục tiêu trung thực và minh bạch hoàn toàn…

Khi dịch cúm gia cầm đi qua Hồng Kông, vùng đất này “tan hoang” như sau một trận bão vì tổn thất kinh tế quá mức. Sau đó, giới hữu quan Hồng Kông đã làm một nghiên cứu về truyền thông nguy cơ trên báo chí. Hàng trăm tác phẩm báo chí được tập hợp để phân tích, từ đó người ta đã rút ra những kinh nghiệm và sai lầm về truyền thông nguy cơ: đó là làm công chúng hoảng sợ quá mức, hù doạ công chúng, tham khảo thông tin không chính xác, thiếu minh bạch…

Ở nước ta, câu chuyện nước tương 3-MCPD gây tai biến, chích vaccine gây chết người trước đây, và uống sữa nhiễm melamine bị sạn thận hiện nay cũng không xa lạ. Ở Hồng Kông, người ta có thể tính toán được thiệt hại do truyền thông nguy cơ sai sau thời cúm gia cầm, còn ở nước ta khi nào mới đánh giá được những thiệt hại từ truyền thông nguy cơ không chuẩn mang lại?

Con người đang đối mặt với nhiều nguy cơ rình rập, hậu quả của một nguy cơ ngày nay chắc chắn lớn hơn hậu quả nguy cơ thời trước đây rất nhiều. Vì thế, sai lầm từ truyền thông nguy cơ không chuẩn tất yếu dẫn đến hậu quả rất lớn.

Phan Sơn (SGTT)