10:05 14/11/2011

Nhập điện thoại “đặc thù”: Quy định đánh đố doanh nghiệp

Ái Vân

Một số doanh nghiệp có hoạt động sản xuất liên quan đến mặt hàng điện thoại di động bị gián đoạn công việc vì Thông báo 197

Điện thoại di động nhập khẩu để làm phương tiện, công cụ phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm... sẽ không phải "đi" bằng đường biển.
Điện thoại di động nhập khẩu để làm phương tiện, công cụ phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm... sẽ không phải "đi" bằng đường biển.
Mấy tháng qua, một số doanh nghiệp có hoạt động sản xuất liên quan đến mặt hàng điện thoại di động bị gián đoạn công việc, do chưa có quy định rõ ràng đối với trường hợp đặc thù của mình, khi áp dụng quy định của Thông báo 197/TB-BCT.

Theo quy định của Thông báo 197/TB-BCT ký ngày 6/5/2011, từ 1/6/2011 khi doanh nghiệp nhập khẩu rượu, mỹ phẩm, điện thoại di động phải có thêm giấy chỉ định hoặc ủy quyền là nhà phân phối, nhà nhập khẩu chính hãng sản xuất, đại lý của chính hãng và được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa. Hàng chỉ được làm thủ tục nhập khẩu và thông quan tại các cảng biển quốc tế Hải Phòng, Đà Nẵng và Tp.HCM.

Ông Nguyễn Trọng Hùng, Phó cục trưởng Cục Hải quan Tp.HCM cho rằng, Thông tư 197 của Bộ Công Thương nhằm kiềm chế nhập siêu. Tuy nhiên, sau khi ban hành thì đã bộc lộ những vướng mắc, vì điện thoại di động, đặc biệt loại tinh vi đắt tiền, mỹ phẩm mà không cho đi máy bay, phải vận chuyển trên biển dài ngày rất dễ ảnh hưởng đến chất lượng vì hơi ẩm muối biển. Dù vướng mắc nhưng hải quan vẫn phải thực hiện vì đó là quy định.

Để gỡ điểm bất cập, ngày 12/7/2011, Bộ Công Thương đã ký Công văn số 6318/BCT-XNK gửi Tổng cục Hải quan để triển khai một số nội dung liên quan đến Thông báo số 197. Theo Công văn 6318, quy định hàng hóa là hàng phi mậu dịch (không nhằm mục đích thương mại), quà biếu tặng, hàng ngoại giao, hành lý cá nhân, hàng mẫu; hàng nhập khẩu để bán miễn thuế, linh kiện, phụ tùng, phụ kiện điện thoại di động (trừ thân máy có hoặc không có số IMEI), rồi điện thoại di động nhập khẩu để làm phương tiện, công cụ phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm để sản xuất sản phẩm, sản xuất phần mềm ứng dụng, nhập khẩu để phục vụ bảo hành, sửa chữa thay thế, thì Tổng cục Hải quan sẽ hướng dẫn số lượng, trị giá các lô hàng nhập khẩu theo hình thức phi mậu dịch và không phải là đối tượng áp dụng theo Thông báo 197.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, dù Bộ Công Thương đã chỉ rõ đối tượng không bị điều tiết bởi Thông báo 197, nhưng lại chưa giải quyết được vấn đề rốt ráo khi quy định về số lượng và trị giá lô hàng, và từ tháng 7 đến nay vẫn chưa đưa ra được thông tin cụ thể. Chính sự chậm trễ thông tin của các cơ quan nhà nước đã khiến các doanh nghiệp bị ngưng trệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đơn cử như trường hợp của công ty GameLoft nghiên cứu và sản xuất phần mềm trò chơi trên điện thoại di động để xuất khẩu. Đại diện công ty này cho biết mỗi tháng phải nhập khoảng 100-200 chiếc điện thoại di động từ đối tác khắp nơi trên thế giới về để nghiên cứu, mỗi lô hàng chỉ vài máy, với nhiều mẫu khác nhau, nên vận chuyển bằng chuyển phát nhanh, bởi số lượng mỗi lần ít như vậy thì không thể nào “đi” bằng đường biển.

Mặc dù đã khăn gói đi gặp trực tiếp các bộ ngành để kêu cứu, nhưng từ tháng 6 đến nay, công ty không thể nhận được lô hàng nào gửi và không dám yêu cầu đối tác gửi mẫu về. Và một khi Bộ Tài chính và Bộ Công Thương chưa có được sự nhất quán với nhau về chuẩn mực số lượng lẫn giá trị lô hàng, Tổng cục Hải quan vẫn chưa thể đưa ra thông tin cụ thể.

Trong tình cảnh ấy, để chữa cháy công việc, công ty đã vận dụng mọi mối quan hệ bạn bè, hay nhân lúc nhân viên đi công tác nước ngoài tranh thủ mang mẫu điện thoại về cho công ty. Các mẫu máy sau khi nhập về đều được lưu vào thư viện mẫu máy để quản lý cho việc nghiên cứu, ông Phùng Việt Hưng, giám đốc sản xuất của GameLoft cho biết.

Để khắc phục sự cố, lãnh đạo Cục Hải quan Tp.HCM hứa sẽ giải quyết ngay cho các doanh nghiệp như GameLoft khi có văn bản nêu mục đích sử dụng, số lượng gửi lên Cục, lãnh đạo ngành sẽ xem xét giải quyết sớm. Doanh nghiệp phải chấp nhận “vất vả” làm đơn xin thông quan vì các chi cục hải quan không thể độc lập giải quyết vấn đề trái với những gì đã quy định.

Ông Hùng cho rằng vấn đề ở đây là hải quan chỉ thực thi quyết định, nên khi vướng mắc ở quy định của ban hành ngành nào thì cơ quan đó phải tháo gỡ. Hải quan không thể ban hành văn bản bác lại Bộ Công Thương. Hải quan đã kiến nghị lên Bộ Tài chính và Bộ Tài chính cũng đã kiến nghị vấn đề đến Bộ Công Thương.

Ngày 10/11/2011, sau khi có  ý kiến của phía hải quan, phóng viên đã liên lạc với công ty GameLoft và được thông tin rằng, sáng ngày 9/11, 5 gói hàng với tổng cộng 20 chiếc điện thoại mẫu đã được thông quan sau hơn hai tuần lễ bị lưu kho Hải quan Tân Sơn Nhất.

Đại diện GameLoft cho biết, với các thông tin giải quyết của lãnh đạo hải quan thành phố, công ty sẽ liên lạc với đối tác các nước tiếp tục gửi mẫu về Việt Nam cho công ty. Tuy nhiên, việc gửi văn bản xin xem xét thông quan là giải pháp tạm thời. Điều mà các doanh nghiệp cần hiện nay là một quyết định cụ thể giải toả nút thắt này thì mới đảm bảo tính ổn định hoạt động lâu dài.