10:26 26/08/2011

Nhiều gia đình doanh nhân chỉ tự nấu ăn 2 - 4 lần/tuần

Chu Khôi

Công bố kết quả nghiên cứu điều tra nhu cầu sử dụng lương thực, thực phẩm ở một số thành phố lớn

Thực phẩm chế biến sẵn đang được tiêu thụ mạnh hơn.
Thực phẩm chế biến sẵn đang được tiêu thụ mạnh hơn.
Tổng hợp tại 4 thành phố, có tới 26% số hộ nấu ăn 3 lần/ngày; 68-74% số hộ nấu ăn 2 lần ngày; chỉ có 8% số hộ nấu ăn một lần trong ngày. Các doanh nhân thường chỉ tự nấu ăn 2-4 lần/tuần, con số này chiếm tỷ lệ 2% số hộ gia đình.

Ngày 25/8, Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) tổ chức hội thảo “Công bố kết quả nghiên cứu điều tra nhu cầu sử dụng lương thực, thực phẩm ở một số thành phố lớn”.

Ông Dương Ngọc Thí, Phó giám đốc Ipsard nhận định, sự phát triển của nền kinh tế đi cùng với quá trình đô thị hóa nhanh, thu nhập đầu người ngày càng cao, xu hướng lối sống hiện đại đã tác động làm thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân đô thị Việt Nam.

Với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Tây Ban Nha (ACCID), các cán bộ nghiên cứu của Ipsard đã khảo sát giới tiêu dùng tại 4 thành phố lớn là Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng về nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng điển hình có mặt trong bữa ăn hàng ngày của các gia đình, gồm: gạo, thịt tươi sống, thực phẩm chế biến, dầu ăn.

Khảo sát chọn ngẫu nhiên trên cơ sở các mức thu nhập khác nhau, tập trung chủ yếu vào các đối tượng hộ gia đình là cán bộ, công nhân, nhân viên đại diện cho đa số tầng lớp nhân dân, với mức thu nhập bình quân 3-4,5 triệu đồng/tháng.

Kết quả khảo sát ở Tp.HCM và Hà Nội, bình quân chi tiêu cho lương thực, thực phẩm khoảng 960 nghìn đồng/người/tháng; ở Đà Nẵng và Hải Phòng thấp hơn, mức chi bình quân 802 nghìn đồng/người/tháng. Khoảng 70% hộ gia đình đô thị vẫn giữ được tập quán nấu ăn 2 bữa mỗi ngày tại gia đình, mặc dù rất nhiều người đi làm không thể về nhà ăn cơm vào buổi trưa, nhưng ở nhà họ vẫn có người (thường là người giúp việc hoặc người già) nấu ăn bữa trưa cho các cháu nhỏ.

Về thói quen, với mặt hàng thịt và thủy sản, đa số người tiêu dùng vẫn còn thói quen tiêu dùng thực phẩm tươi sống, chủ yếu hai loại thịt lợn, cá. Người dân ở miền Bắc ăn thịt lợn nhiều hơn so với người dân miền Nam. người tiêu dùng ở Hải Phòng, Đà Nẵng mua thủy sản nhiều hơn so với Hà Nội, Tp.HCM.

Có tới 59% số hộ gia đình ở Đà Nẵng sử dụng thủy sản trong bữa cơm hàng ngày. Bình quân mỗi tháng, người tiêu dùng Hà Nội mua 2,2 kg thịt lợn và 1,7 kg thủy sản; người Hải Phòng mua 2,37 kg thịt lợn và 2,52 kg thủy sản/người; Tp.HCM tiêu dùng 1,52 kg thịt lợn và 1,74 kg thủy sản/người; Đà Nẵng tiêu dùng 1,55 kg thịt lợn và 2,54 kg thủy sản.

Ngày nay, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là khi mua thực phẩm tươi sống. Tuy nhiên nhu cầu về các loại thực phẩm đông lạnh, thực phẩm chế biến sẵn vẫn còn hạn chế. Vẫn còn tới 36% số ở Hà Nội và 42% ở Hải Phòng mua thực phẩm không đóng gói và thịt không có dấu kiểm dịch.

Các mặt hàng thực phẩm chế biến được tiêu dùng ngày càng đa dạng, ngoài chả, giò, nem là những sản phẩm truyền thống thì xúc xích, thịt hộp, thịt hun khói, dăm bông đang ngày càng được tiêu dùng nhiều. Đã có tới 50% người tiêu dùng sử dụng thực phẩm chế biến ở mức độ thường xuyên.

Đại diện của hệ thống siêu thị BigC cho biết, các mặt hàng thực phẩm cả tươi sống và chế biến đều được tiêu thụ rất tốt ở BigC, từ thịt lợn, thịt gà, giò chả, thủy hải sản đông lạnh. Tuy nhiên mặt hàng gạo thì tiêu thụ ở siêu thị còn chậm.

Kết quả khảo sát của Ipsard nêu lên rằng có tới 90% người tiêu dùng mua gạo không đóng gói ở các chợ dân sinh, ở các khu dân cư cho thấy mặt hàng gạo còn rất nhiều tiềm năng cho các siêu thị. Các siêu thị cần phải đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch marketing đối với mặt hàng gạo, thay đổi khối lượng đóng gói và chọn lựa những loại gạo phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Một vị lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định, nghiên cứu của Ipsard rất kỳ công và công phu, tuy nhiên nhiều con số kết quả đưa ra mới chỉ là tương đối. Hiện tại hệ thống phân phối lương thực, thực phẩm vẫn còn nhiều lỗ hổng và nút thắt, nên vẫn còn xảy ra tình trạng nơi cung thừa so với cầu, trong khi nhiều nơi khác lại thiếu. Nhiều loại nông sản do thời gian thu hoạch ngắn, khả năng bảo quản chưa được dài ngày, nên phân phối lưu thông vẫn còn mang tính địa phương, chưa đưa đi lưu thông được rộng khắp thị trường cả nước.

Các nhà nghiên cứu ngành hàng nông sản nói chung, thực phẩm nói riêng cần chỉ ra được những yếu tố chi phối hành vi của người tiêu dùng, những nút thắt và kẽ hổng trong hệ thống phân phối để giúp các cơ quan điều hành, những nhà làm chính sách có giải pháp điều hành thị trường tốt hơn.