12:07 18/10/2016

Nhiễu loạn vụ nước mắm có “thạch tín vượt ngưỡng”

Bạch Dương

Khi giới báo chí yêu cầu công khai danh sách các nhãn hiệu nước mắm nằm trong khảo sát, Vinastas đã từ chối

Ở dạng hợp chất vô cơ, thạch tín rất độc nếu sử dụng với liều lượng cao. Tuy nhiên, Phó tổng thư ký Vinastas cho hay, khi phân tích 20 mẫu nước mắm chứa asen tổng vượt ngưỡng, thì đều không phát hiện asen vô cơ. <br>
Ở dạng hợp chất vô cơ, thạch tín rất độc nếu sử dụng với liều lượng cao. Tuy nhiên, Phó tổng thư ký Vinastas cho hay, khi phân tích 20 mẫu nước mắm chứa asen tổng vượt ngưỡng, thì đều không phát hiện asen vô cơ. <br>
Hôm 17/10, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã công bố kết quả một cuộc khảo sát toàn diện về nước mắm, được thực hiện trên 150 mẫu đóng chai, thuộc 88 nhãn hiệu được mua trực tiếp tại siêu thị, đại lý, chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng đặc sản trên 19 tỉnh thành trong cả nước.

Theo kết quả này, một điểm đáng chú ý là hàm lượng thạch tín (asen) ở phần lớn mẫu cao hơn nhiều so với quy định.

Asen là khoáng vật thuộc nhóm kim loại nặng, không màu, không mùi,  có thể gây ngộ độc nếu cơ thể hấp thụ quá liều lượng cho phép. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị mức giới hạn của asen là 0,01 mg/lít trong nước uống.

Theo Vinastas, 67% loại nước mắm được khảo sát - tương ứng 101 nhãn hiệu nước mắm - có hàm lượng asen trên 1,0 mg và thậm chí 5 mg/l, trong khi theo quy định, hàm lượng asen cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1,0 mg/l.

Vinastas nhấn mạnh, các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao thì tỷ lệ có hàm lượng asen cao càng tăng, cụ thể là 95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên được đánh giá có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định.

Mặc dù Vinastas yêu cầu các doanh nghiệp phải minh bạch thông tin cho người tiêu dùng, trung thực với người dùng về nguồn gốc, xuất xứ, dung lượng, song khi giới báo chí yêu cầu công khai danh sách các nhãn hiệu nước mắm nằm trong khảo sát, thì chính hiệp hội lại từ chối.

Tại cuộc họp báo hôm 17/10, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Vinastas nói, mục đích của khảo sát trên là thông tin cho người tiêu dùng biết thực trạng của nước mắm hiện nay.

“Trong danh sách 88 mẫu có hàm lượng thạch tím vượt ngưỡng, có rất nhiều thương hiệu nước mắm nổi tiếng hiện nay. Cuộc khảo sát nhằm cho người dùng biết về thực trạng và đánh động các nhà quản lý, chức trách vào cuộc quyết liệt hơn”, ông Tuấn nói và khẳng định việc công bố danh sách không thuộc thẩm quyền của Vinastas, mà thuộc về cơ quan quản lý.

Ở dạng hợp chất vô cơ, thạch tín rất độc nếu sử dụng với liều lượng cao. Tuy nhiên, Phó tổng thư ký Vinastas cho hay, khi phân tích 20 mẫu nước mắm chứa asen tổng vượt ngưỡng, thì đều không phát hiện asen vô cơ. 

Bà Trần Thuỳ Dung, một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về nước mắm, đến từ Viện Kinh tế và quy hoạch thuỷ sản, cũng chất vấn Vinastas vì sao lại đưa asen hữu cơ - một chất gần như vô hại trong nước mắm - để đánh giá. 

Theo bà Dung, asen tồn tại dưới nhiều dạng, asen vô cơ mới có thể gây ngộ độc, còn asen hữu cơ thường tồn tại trong thuỷ sản, và gần như vô hại. 

Theo PGS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, nếu cá sống ở môi trường nước nhiễm thạch tín, asen sẽ có trong cá. Khi ủ cá dùng để sản xuất nước mắm, thạch tín trong cá tiết ra nên nước mắm bị nhiễm. Nguyên nhân cũng có thể do muối ở vùng biển nhiễm thạch tín.

Trên thực tế, dù Vinastas chưa công bố danh tính 150 nhãn hiệu nước mắm nằm trong khảo sát, thì danh sách này được cho là đã bị rò rỉ tại một vài diễn đàn và mạng xã hội trên Internet, với nhiều loại “nước mắm truyền thống” thường được quảng bá có độ đạm cao thì nằm trong nhóm chứa asen vượt ngưỡng. Ngược lại, một số nhãn hiệu bị xem là “nước mắm công nghiệp” thì nằm trong nhóm an toàn.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang cho rằng đây là một đợt khảo sát và không mang tính chất kiểm tra, thanh tra, tuy nhiên, Vinastas nên công khai toàn bộ 150 nhãn hiệu nước mắm nói trên để tránh gây hoang mang cho người dân.