15:48 16/02/2011

Nhiều mặt hàng tăng giá đón đầu

Y Nhung

Trước thông tin giá điện, than, xăng dầu… sẽ được điều chỉnh tăng, nhiều hàng hóa đến thời điểm này đã tăng giá bán

Sau mặt hàng xi măng, thép xây dựng cũng đã tăng giá.
Sau mặt hàng xi măng, thép xây dựng cũng đã tăng giá.
Trước thông tin giá điện, than, xăng dầu… sẽ được điều chỉnh tăng, nhiều hàng hóa đến thời điểm này đã tăng giá bán.

Hàng năm vào đầu tháng 3, giá bán điện được áp dụng trong cả năm sẽ được công bố. Năm nay, nhiều khả năng phương án tăng giá điện tới 18% so với giá bán trước đó sẽ được Chính phủ thông qua.

Mới đây nhất vào ngày 11/2, Ngân hàng Nhà nước đã công bố quyết định tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa USD với VND, từ 18.932 VND lên 20.693 VND (tăng 9,3%), cùng với đó là thu hẹp biên độ áp dụng cho tỷ giá của các ngân hàng thương mại từ +/-3% xuống còn +/-1%.

Thêm vào đó, tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối - mặt hàng “huyết mạch” của nền kinh tế - đang lỗ tới trên 2.000 đồng/lít xăng dầu bán ra do bị “kìm” giá cũng sẽ không thể kéo dài quá lâu nữa. Tiếp đến giá bán than, giá một số nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất cũng đều trong tư thế sẵn sàng tăng…

Tất cả những điều này đã khiến một số mặt hàng đã tăng giá đón đầu để tránh gây “sốc” cho thị trường.

Ngay từ đầu tháng 2/2011, các doanh nghiệp trong ngành xi măng đã chính thức điều chỉnh tăng giá bán xi măng thêm 60.000 đồng/tấn, để bù đắp một phần các chi phí đầu vào. Theo đó, mặt hàng đang được bán ra phổ biến từ 900.000 đồng - 1,36 triệu đồng/tấn, tuỳ theo chủng loại và khu vực.

Ông Nguyễn Văn Điệp, Chánh văn phòng Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng mức điều chỉnh giá trên chỉ tương đương tăng khoảng 5-6% không làm ảnh hưởng nhiều tới thị trường.

Nguyên nhân của việc tăng giá này là do gần đây giá cước vận tải, bao bì và một số nguyên liệu đầu vào phục vụ cho việc sản xuất xi măng đã bắt đầu tăng. Nếu không sớm tăng giá bán, tới đây khi giá than và giá điện tiếp tục được điều chỉnh tăng thì giá bán của mặt hàng sẽ phải tăng mạnh, sẽ gây ra những hiệu ứng không tốt đối với người tiêu dùng.

Mặt hàng vật liệu xây dựng khác là thép, thời điểm này cũng đã tăng thêm từ 300.000 - 800.000 đồng/tấn do giá phôi thép đã tăng lên mức 670 - 690 USD/tấn, tăng khá mạnh so với mức 600 USD/tấn hồi cuối tháng 12 năm trước. Thép phế cũng từ mức 400 USD/tấn vọt lên 530 - 540 USD/tấn. Hiện thép xây dựng đang được bán ra phổ biến từ 15,5 - 16,4 triệu đồng tấn (chưa có VAT).

Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), thép là mặt hàng chịu tác động lớn từ giá nguyên liệu nhập khẩu và cả giá điện, giá than trong nước. Do vậy, khi giá điện, giá than bán cho ngành sản xuất này có sự điều chỉnh thì giá bán sản phẩm cũng phải tăng theo. Song mức tăng bao nhiêu vẫn phải phụ thuộc vào sự chấp nhận của thị trường, vì nếu tăng quá mạnh thì sức mua có thể giảm hoặc thép nội địa sẽ không thể cạnh tranh với thép từ nước ngoài tràn vào nước ta.

Khá nhạy cảm với sự điều chỉnh tỷ giá hiện nay phải kể tới mặt hàng gas. Từ 12/2, chỉ một ngày sau khi Ngân hàng Nhà nước ra quyết định về việc điều chỉnh tỷ giá giữa USD và VND, giá bán lẻ gas đã đồng loạt tăng thêm từ 15.000 - 17.000 đồng/bình 12 kg. Giá bán tới tay người tiêu dùng của nhiên liệu này đang phổ biến từ 320.000 - 325.000 đồng/bình.

Đối với các mặt hàng tiêu dùng khác, thời điểm này, theo ghi nhận từ các siêu thị trên địa bàn Thủ đô, tuy chưa có nhà cung cấp nào gửi đề nghị tăng giá, nhưng bà Mai Khuê Anh, Giám đốc điều hành Tổng công ty Thương mại Hà Nội cho rằng, việc tăng giá của nhiều loại hàng hoá trong thời gian tới là khó tránh khỏi, nhưng sẽ không có tình trạng khan hiếm, do hàng hóa hiện nay rất dồi dào.

“Mặc dù, giá bán tại các siêu thị thường tăng chậm hơn so với các chợ dân sinh nhưng chỉ khoảng nửa tháng tới, giá của nhiều hàng hoá sẽ tăng đáng so với hiện nay”, cùng chung nhận định trên, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nói.