10:15 26/12/2008

Nhìn lại diễn biến giá cả 2008: Hai nỗi lo “trái dấu”

Hưng Nguyễn - Anh Quân

Năm 2008 khép lại với mức lạm phát kỷ lục, nhưng nỗi lo hiện tại không còn là lạm phát, mà là giảm phát

 Năm 2008 khép lại với mức lạm phát kỷ lục 19,89% - nếu so với tháng 12/2007, và xấp xỉ 23% - nếu so với giá tiêu dùng bình quân của năm 2007 - Ảnh minh họa.
Năm 2008 khép lại với mức lạm phát kỷ lục 19,89% - nếu so với tháng 12/2007, và xấp xỉ 23% - nếu so với giá tiêu dùng bình quân của năm 2007 - Ảnh minh họa.
Liên tục “vọt” cao trong nửa đầu của năm rồi lại về âm vào những tháng cuối năm, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2008 tạo thành hai nỗi lo “trái dấu”: lạm phát (+) và suy giảm (-).

Trong khoảng 8 tháng đầu năm, biểu đồ CPI tạo thành những đường dốc đứng, trồi lên, sụt xuống kế tiếp nhau. “Nhịp điệu” tăng CPI tạo thành những đợt sóng, vượt lên một tháng lại giảm tốc hai tháng mà đỉnh của những “con sóng” CPI rơi vào các tháng 2, 5 và 8.

Ở 4 tháng còn lại, đường biểu diễn giá trị CPI tạo thành dốc, trượt xuống mạnh mẽ, vượt qua mức âm cho đến tháng tận cùng của năm, khép lại một năm 2008 đầy biến động bằng việc xóa sạch xu hướng tăng của lạm phát, nhưng làm gia tăng nỗi lo suy giảm.

Nỗi lo thứ nhất: Lạm phát

Chỉ số giá khởi đầu năm 2008 với mức tăng “ấn tượng”, 2,38%, đã báo hiệu một năm đầy sóng gió với lạm phát cao. Không tạo bất ngờ, do đã có “đà” từ những tháng cuối năm 2007, tuy nhiên sự “mở màn” của năm 2008 bắt đầu làm dấy lên nỗi lo lạm phát.

Tuy có nguyên nhân của dịch bệnh khiến nguồn cung thực phẩm suy giảm, có nguyên nhân từ tăng “lực” cầu vào dịp giáp Tết Nguyên đán, nhưng tháng 1/2008 cũng đã chứng kiến mức tăng giá tiêu dùng cao trong nhiều năm trước đó.

Nỗi lo lạm phát thực sự đã xuất hiện vào ngày 21/2, thời điểm Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2008 đạt mức tăng 3,56% so với tháng trước.

Ở đỉnh “sóng” CPI thứ nhất, mặt hàng gạo có ảnh hưởng khá lớn. Giá của loại lương thực này tăng liên tục trên thị trường thế giới. Chỉ trong một thời gian ngắn, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên mạnh mẽ, gây hiện tượng tư thương tranh mua và đẩy giá lên cao.

Dù xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai thế giới và lượng tồn kho đủ tiêu dùng trong nước, nhưng nạn đầu cơ, tung tin sai lệch đã “thắng thế” hệ thống phân phối yếu, khiến gạo tại thị trường Việt Nam bị “làm giá”.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống trong tháng hai đã tăng 3,2%, riêng lương thực tăng tới 3,7%. Quyền số trên 42% của nhóm này đã tác động mạnh đến chỉ số giá. Nhưng những lo ngại vẫn còn ở phía trước.

Tương ứng với ba vòng tác động: trực tiếp, gián tiếp và lan tỏa, CPI đã kéo dài ảnh hưởng lên hai tháng 3 và 4 sau đó, dù có thể hiện sự giảm tốc. Ba tháng này đã hoàn thành một chu kỳ với CPI tháng Ba tăng 2,99%; tháng Tư “khiêm tốn” hơn với mức 2,2%.

Với “đợt sóng” kế tiếp, đỉnh sóng cao hơn, nhưng sức lan tỏa lại kém mạnh mẽ. Ở mức tăng cao nhất, tháng Năm đạt đỉnh tăng của năm 2008 và “soán ngôi” của tháng Hai với 3,91%. Trong khi đó, tháng Sáu tăng 2,14% và tháng Bảy còn 1,13%.

Ở chu kỳ tăng giá này, tại nhiều thời điểm, lương thực là nguyên nhân duy nhất tác động đến chỉ số giá. Tính đến tháng 6/2008, giá lương thực đã tăng 57,22% so với tháng 12/2007.

Với những “lực đẩy” mạnh mẽ như trên, CPI tháng 6/2008 so với tháng 12/2007 đã tăng 19,01%.

Tháng 7/2007, quá trình “hãm phanh” giá xăng trong nước đã quá dài và đến lúc không thể kiềm chế thêm nữa. Tiếp theo diễn biến giá dầu thế giới đạt mốc kỷ lục mọi thời đại ở 147 USD vào ngày 11/7, 10 ngày sau đó, giá xăng A92 đã nhảy vọt với bước tăng 30%, lên mức 19.000 đồng/lít vào ngày 21/7.

Mức tăng gây “sốc” của nhiên liệu quan trọng này đã kéo theo hàng loạt sản phẩm, dịch vụ tăng giá theo, trong đó phải kể đến những đợt tăng giá cước vận tải không “hẹn” ngày giảm, hay kể cả những mặt hàng không liên quan nhiều như rau xanh, thực phẩm chưa chế biến...

Ngoài những cú “knock-out” đến từ việc tăng giá của nhóm hàng hóa chiếm quyền số cao, cũng còn những mặt hàng khác đã thể hiện sức “vươn” giá mạnh mẽ không thua kém.

Giá phôi thép thế giới từ khoảng 600-700 USD/tấn hồi đầu năm đã lên đỉnh cao khoảng 1.150-1.200 USD/tấn trong khoảng thời gian lạm phát kéo dài này, đẩy giá thép trong nước có thời điểm lên tới 19-20 triệu đồng/tấn.

Nhìn lại giai đoạn này, những vòng tác động gián tiếp và tâm lý đã đẩy nhiều loại hàng hóa tăng giá bất hợp lý. Tại một số thời điểm, trong lúc giá xi măng xuất xưởng của một số nhà cung cấp chỉ có 53.000-55.000 đồng/bao, thì giá bán trên thị trường lên 80.000 - 90.000 đồng/bao...

Không chỉ tác động đến giá các loại hàng hóa vật chất, thị trường chứng khoán cũng nhiều lần chứng kiến tác động của chỉ số giá đến sự tăng hay giảm của “bảng điện tử”. Những công bố CPI sớm của các thành phố quan trọng như Tp.HCM, Hà Nội có thời điểm cũng “áp đặt” xu hướng cho thị trường mua bán giầy tờ có giá này.

CPI cũng đẩy lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại tăng liên tục trong giai đoạn này, có những thời điểm vượt trên 18-19%, đối với huy động tiền gửi, và 21-24% với cho vay.

Bình quân mức tăng CPI thời kỳ này đạt 2,48%/tháng, dù đã được điều chỉnh bởi các nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ.

Nhìn lại diễn biến giá cả 2008: Hai nỗi lo “trái dấu” 1
Nỗi lo thứ hai: Giảm phát

Trái với giai đoạn 8 tháng đầu năm, khi “gánh nặng” giá cả đè lên vai đa số người dân, thì ở 4 tháng còn lại của năm, doanh nghiệp lại “chịu trận” giảm phát.

Trong khi thế giới nhìn nhận rõ nét hơn cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì vào tháng 9 năm nay, Việt Nam “hân hoan” với chiến thắng trước lạm phát. CPI chỉ tăng có 0,18% trong tháng này, khiến những tính toán rằng lạm phát cả năm có thể khống chế dưới 24% bắt đầu trở nên đáng tin tưởng hơn.

Những tác nhân chính thúc đẩy chỉ số giá tăng cao trong giai đoạn trước, nay không còn phát tác. Giá gạo đã có những tháng giảm âm, tạo lực kéo mạnh lên CPI, “đẩy” chỉ số này giảm liên tiếp trong 3 tháng cuối của năm.

Sự sụt giảm giá cả nhiều loại hàng hóa trên thị trường thế giới cũng tác động mạnh đến giá hàng hóa trong nước. Chỉ trong vòng 4 tháng cuối năm, giá xăng đã giảm liên tiếp 10 lần. Tiếp theo là giá dầu, giá gas cũng giảm mạnh nhiều lần trong cùng thời gian này.

Giá phôi thép trên thị trường thế giới đã “mò” đáy ở 270-280 USD/tấn, kéo giá sắt thép xây dựng trong nước có thời điểm chỉ còn ở quanh mức 10 triệu đồng/tấn.

Sự “tụt dốc không phanh” của kim loại này thậm chí còn dẫn đến việc các doanh nghiệp thép “liên minh” giữ giá, khiến Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) ra văn bản yêu cầu Hiệp hội Thép Việt Nam giải trình.

Vẫn còn những đột biến nhỏ lẻ, mang tính khu vực như trận lụt lịch sử đẩy chỉ số giá tại Hà Nội tăng trở lại trong tháng 11. Tuy nhiên, đây không phải là diễn biến chung trên diện rộng và xu hướng giảm giá là khó cưỡng.

Ba vòng tác động trong giai đoạn này đã “áp đặt” ảnh hưởng lên thói quen tiêu dùng, tác động mạnh mẽ đến thị trường hàng hóa và dịch vụ thiết yếu. Tâm lý chờ giá xuống đã “thắng” tâm lý cầm cự của doanh nghiệp sản xuất và phân phối. Nhiều loại hàng hóa đã giảm giá mạnh, tạo sức lôi cuốn đến hầu hết các hàng hóa trên thị trường.

Sau tháng 9 với chỉ số giá tăng nhẹ 0,18%, ba tháng của quý 4/2008, chỉ số giá giảm liên tiếp: tháng 10 giảm 0,19; tháng 11 giảm 0,76; và tháng 12 giảm 0,68%.

Sự “co rút” của thị trường hàng hóa làm tăng lượng tồn kho của doanh nghiệp, dẫn tới sản xuất đình đốn. Những quan điểm bi quan nhất tại thời điểm này cho rằng có đến 20% doanh nghiệp đang đặc biệt khó khăn.

Một số doanh nghiệp ngành thép đã phải giãn công lao động. Một số nhà máy phải cho công nhân nghỉ việc tạm thời. Đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp lớn, kể cả doanh nghiệp FDI, sa thải lao động số lượng lớn.

Năm 2008 khép lại với mức lạm phát kỷ lục 19,89% - nếu so với tháng 12/2007, và xấp xỉ 23% - nếu so với giá tiêu dùng bình quân của năm 2007, nhưng hiện tại, nỗi lo chính đã không còn là lạm phát, mà là giảm phát.