01:44 02/01/2010

Nhìn lại “vũ điệu” giá năm qua

Y Nhung

Thị trường năm 2009 đã trải qua nhiều diễn biến khó lường về giá của một số hàng hóa thiết yếu

Tháng khuyến mại Hà Nội "sôi động" hơn vì cảnh ùn tắc tại nhiều điểm bán hàng.
Tháng khuyến mại Hà Nội "sôi động" hơn vì cảnh ùn tắc tại nhiều điểm bán hàng.
Xăng dầu “9 tăng, 2 giảm”, giá thép không ngừng “nhảy múa”, gas một tháng tăng giá 3 lần..., thị trường năm 2009 đã trải qua nhiều diễn biến khó lường về giá của một số hàng hóa thiết yếu.

Xăng dầu “9 tăng, 2 giảm”

Sau khi giá xăng A92 tăng thêm 500 đồng/lít, lên mức 11.500 đồng/lít lần đầu tiên trong năm 2009 vào ngày 2/4, tới nay, giá bán lẻ xăng A92 đã có 9 lần tăng và chỉ có 2 lần giảm.

Như vậy, trong năm qua, sau nhiều lần điều chỉnh, giá xăng đã tăng tới 48%, dầu diezzel có mức tăng là 44%.

Đối với việc điều chỉnh giá bán lẻ mặt hàng này, từ ngày 15/12, khi Nghị định 84/2009/NĐ-CP về việc kinh doanh xăng dầu có hiệu lực, thời gian tối thiểu giữa hai lần tăng giá xăng dầu chỉ là 10 ngày.

Ma trận giá thép

2009 là một năm có nhiều biến động của ngành thép. Những tháng đầu năm, tiêu thụ thép trong nước đã giảm xuống chỉ còn 1/3 so với cùng kỳ năm 2008. Lượng tiêu thụ sụt giảm, kéo theo giá bán đã phải giảm xuống mức thấp hơn cả giá thành để trả lương cho công nhân…

Bước sang quý 2, tình hình đã được cải thiện hơn, cộng thêm các yếu tố đầu vào đều tăng nên các doanh nghiệp sản xuất buộc phải tăng giá bán để bù đắp lại các chi phí.

Tuy nhiên đến tháng 10, thị trường thép lại có biến động mạnh về giá. Vào đầu tháng, giá thép trong nước sản xuất ở mức khá cao từ 12 - 13,2 triệu đồng/tấn. Do thép ngoại nhập từ các nước ASEAN như Malaysia, Thái Lan, Indonesia... có mức giá rẻ hơn từ 300 - 700 nghìn đồng/tấn, nên để đẩy nhanh mức tiêu thụ thép và cạnh tranh với thép nhập khẩu, các công ty thép đã phải đồng loạt giảm giá.

Nhưng đến trung tuần tháng 12, nhiều loại thép của các công ty lại bắt đầu tăng giá trở lại.

Gas một tháng tăng giá 3 lần

Trong tháng 11, nhiều hãng gas đã phải điều chỉnh giá tới 3 lần, với mức tăng khoảng 43.000 đồng/bình 12 kg. Ngoài lý do giá gas trên thị trường thế giới tăng cao, nguyên nhân khác chính là sự biến động tỷ giá USD/VND.

Không chỉ có nhiều lần tăng giá, thời gian qua, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các hãng gas, việc sang chiết gas trái phép cũng là những vấn đề làm người tiêu dùng chưa thực sự an tâm khi sử dụng gas.

Tuy nhiên, từ 15/1/2010, khi Nghị định số 107/2009/NĐ- CP về kinh doanh gas do Chính phủ ban hành có hiệu lực tình trạng “bát nháo” hiện nay về cơ bản sẽ được hạn chế. Theo đó, thương nhân kinh doanh gas đầu mối sẽ phải công khai giá bán và phải chịu trách nhiệm về giá trong hệ thống phân phối của mình.

“Sốt” giá đường giữa vụ mía đường

Bắt đầu từ tháng 8/2009, giá đường trên thị trường liên tục tăng. Các dự báo đã cho rằng tình trạng “sốt” giá sẽ hạ khi vụ mía đường chính thức bắt đầu vào đầu tháng 10.

Tuy nhiên, vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12, người tiêu dùng đã phải mua đường với giá từ 19.500 - 20.000 đồng/kg. Mức giá mà cả người tiêu dùng lẫn các nhà sản xuất đều không ngờ tới, vì hầu hết các nhà máy mía đường trong cả nước đều đã bước vào chính vụ.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, sau ba năm dư thừa đường lớn, sản lượng đường trên toàn thế giới đã sụt giảm mạnh trong niên vụ 2009/2010. Dự báo sản lượng đường thiếu hụt trên toàn cầu có thể là 4,5-6 triệu tấn.

Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Mía đường vẫn khẳng định đường sản xuất trong nước cộng với lượng đường nhập khẩu và đường tồn kho của các nhà máy hoàn toàn có thể đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Như vậy, sẽ không thiếu đường mà chỉ có những lúc hơi “căng” do lượng dự trữ không dồi dào như những năm trước.

Tin đồn đẩy giá gạo tăng vọt

Đầu tháng 12, nhiều người dân Tp.HCM nghe tin đồn mua gạo về dự trữ đã gây ra cơn sốt “ảo”. Hầu hết các loại gạo bán ở các chợ của Tp.HCM đều tăng từ 500 - 2.500 đồng/kg.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, Tổ trưởng Tổ điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ đã khẳng định: không có hiện tượng thiếu gạo do lượng gạo tồn kho của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Lương thực Việt Nam sau khi đã xuất khẩu vẫn còn khoảng 1 triệu tấn để chuyển sang năm 2010.

Vì vậy, sẽ không có điều kiện để giá gạo đột biến tăng như trong năm 2008.

Giá sữa cao gấp đôi giá vốn

Đó là kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính sau khi kiểm tra về giá và thuế tại một số doanh nghiệp sữa, cuối tháng 11 vừa qua.
 
Quá trình kiểm tra, đoàn công tác đã phát hiện nhiều công ty nhập khẩu sữa đã “quá tay” chi cho các khoản như: Quảng cáo, tiếp thị, hoa hồng… Có đơn vị đã chi cho quảng cáo chiếm tới 30% tổng chi phí kinh doanh. Trong khi đó, theo quy định tại Thông tư số 134/2007/TT-BTC, các chi phí quảng cáo tiếp thị  không được vượt quá 10%.

Điều này đã dẫn đến, giá bán của nhiều loại sữa ngoại cao gấp đôi so với giá vốn. Cụ thể, Enfagrow 900g giá nhập khẩu 108.150 đồng/hộp; cộng thêm 5% thuế nhưng giá bán lẻ là 266.818 đồng/hộp; Enfakid 900g giá nhập khẩu là 102.893 đồng/hộp, cộng thuế 5%, nhưng khi tới tay người tiêu dùng giá đã bị đây lên tới 229.545 đồng/hộp….

Cũng liên quan đến sữa, điều tra ngẫu nhiên của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinatas) trên 19 mẫu sữa bột khác nhau được bán ở các chợ, siêu thị tại Tp.HCM và 1 mẫu sữa bột tại Bình Dương đã cho kết quả: 10 mẫu (chiếm 50%) không đạt hàm lượng đạm như công bố trên nhãn, 1 mẫu không công bố hàm lượng đạm trên nhãn, 6 mẫu (chiếm 30%) có tỉ lệ đạm rất thấp dưới 10%.

Đặc biệt 4 mẫu sữa còn có hàm lượng đạm dưới 2% (riêng 1 mẫu sữa bột béo trên nhãn ghi thành phần đạm là trên 24%, song kết quả thử nghiệm chỉ có 0,5%).

Tháng khuyến mại và “Ngày Vàng” ùn tắc

Tháng khuyến mại Hà Nội diễn ra từ 31/10/2009 đến hết tháng 11/2009 đã thu hút sự tham gia của 350 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, với gần 1.000 địa điểm khuyến mại.

Do nhu cầu mua sắm tăng đột biến, các doanh nghiệp đều có mức tăng doanh thu cao trong Tháng khuyến mại. Điển hình là Công ty Cổ phần Saman tăng tới 207%, Công ty Thương mại  Đại Đoàn Kết tăng 188%.... so với cùng kỳ năm 2008.

Đặc biệt, trong “Ngày Vàng” mua sắm 15/11, lượng khách đã tăng đột biến tại các siêu thị, trung tâm thương mại, gây ra ùn tắc "khủng khiếp". Theo báo cáo của các doanh nghiệp lớn là điểm Vàng như Metro, Big C, Intimex, PICO, Việt Long, Nguyễn Kim, HC, Hiền Lương, Parkson…, lượng khách đã tăng gấp từ 2 đến 10 lần so với các ngày cuối tuần trước đó.

Trong Tháng khuyến mại Hà Nội 2009, tổng mức lưu chuyển hàng hóa dịch vụ đã tăng thêm gần 800 tỷ đồng so với tháng 10/2009.