07:15 05/01/2008

Những đồ uống “phất” nhất 2007

Linh San

Năm 2007 là năm đầu tiên ghi nhận các thương hiệu của Việt Nam phát triển ngang tầm với các thương hiệu quốc tế

Theo thống kê, năm 2007, 4 trong số 10 thương hiệu phát triển nhanh nhất của Việt Nam là đồ uống.
Theo thống kê, năm 2007, 4 trong số 10 thương hiệu phát triển nhanh nhất của Việt Nam là đồ uống.
Năm 2007 đánh dấu sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và là năm đầu tiên ghi nhận các thương hiệu của Việt Nam phát triển ngang tầm với các thương hiệu quốc tế. 

Theo báo cáo mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường TNS Việt Nam, thương hiệu phát triển nhanh nhất ở Việt Nam năm 2007 thuộc về trà xanh đóng chai, Trà Xanh Không Độ của công ty Tân Hiệp Phát.

“Do trà là loại đồ uống được tiêu thụ mạnh nhất ở Việt Nam và đồ uống của Việt Nam nên không có gì ngạc nhiên khi công ty đã có tầm nhìn và sáng tạo một loại đồ uống lâu đời và thân thuộc nhất thành đồ uống của một thiên niên kỷ mới”, ông Ralf Matthaes, Giám đốc điều hành của TNS Việt Nam nhận xét.

Theo số liệu điều tra của TNS tại 2.150 hộ dân ở các Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ, từ tháng 11/2006 đến tháng 11/2007, mức độ tiêu thụ Trà Xanh Không Độ đã tăng 190% ở các khu vực này, trong khi đó trà xanh đóng chai nói chung tăng ở mức 80%. Hiện Trà Xanh Không Độ đang chiếm 17% thị phần và trở thành “Vua của các loại trà xanh đóng chai” tại Việt Nam.

Thương hiệu phát triển nhanh thứ hai tại Việt Nam trong năm 2007 thuộc về các loại kem. Kem Vinamilk và kem Tràng Tiền đạt mức tăng tương ứng là 11% và 10% trong thời điểm từ tháng 11/2006 đến tháng 11/2007, trong khi đó mức tăng trưởng chung của ngành kem trong cùng thời điểm là 36%.

Trong số các thương hiệu phát triển nhanh nhất ở Việt Nam năm 2007 chỉ có thương hiệu Sting của Pepsi phát triển nhanh nhất về mặt thị phần, tăng thêm 8%. Con số này đã đặt Sting nằm trong “top” đồ uống tăng lực với 40% thị phần ở các khu vực thành thị của Việt Nam.

Cùng hàng với Sting còn có nước tương Maggi tăng 8% và là thương hiệu nước ngoài phát triển nhanh thứ hai tại Việt Nam với 16% thị phần ở khu vực thành thị trong năm 2007.

Một thương hiệu khác của Pepsi là nước ép hoa quả Twister cũng tăng thị phần, đứng thứ 7 trong số các thương hiệu phát triển nhanh nhất ở Việt Nam năm 2007. Sản phẩm Number 1 của Tân Hiệp Phát mặc dù không nằm trong “top ten” các thương hiệu phát triển nhanh nhất nhưng cũng tăng 3% thị phần trong năm 2007.

Theo thống kê của TNS, một số thương hiệu phát triển nhanh khác gồm có: Bia 333, Sài Gòn Đỏ, sữa Vinamilk, mỳ ăn liền Hảo Hảo, giấy ăn Watersilk, nước tương Chinsu, bột nêm Aji-Ngon, kem đánh răng Colgate, Oriflame và L’Oreal.

“Năm 2006, 10 trong số 15 thương hiệu phát triển nhanh nhất ở Việt Nam là các thương hiệu đồ uống. Năm 2007, 4 trong số 10 thương hiệu phát triển nhanh nhất cũng là đồ uống. Điều này dẫn tới dự báo là đồ uống sẽ tiếp tục phát triển vào năm 2008”, ông Ralf Matthaes nói.

Theo ông Ralf Matthaes, có ba lý do dẫn tới sự tăng trưởng này. Thứ nhất là do sự giàu có ngày càng tăng. Thứ hai, người tiêu dùng Việt Nam ngày nay quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe. Thứ ba là sự tiện lợi đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn thương hiệu.

Ông Ralf Matthaes cho biết, các thương hiệu Việt Nam và nước ngoài về các sản phẩm gia dụng, đồ uống, sản phẩm chăm sóc cá nhân và thương hiệu thời trang sẽ có nhiều thay đổi trong năm 2008.