15:45 12/09/2013

Nước nào được lợi khi sản lượng gạo của Việt Nam giảm?

An Huy

Năm 2014 có thể sẽ là năm mà sản lượng gạo của Việt Nam bắt đầu giảm

Một đồng lúa ở Cần Thơ - Ảnh: Bloomberg.<br>
Một đồng lúa ở Cần Thơ - Ảnh: Bloomberg.<br>
Sản lượng gạo của Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ nhì thế giới, có thể lần đầu tiên giảm sau hơn 1 thập kỷ vào năm 2014 khi người nông dân được khuyến khích chuyển sang các loại cây trồng khác. Nếu dự báo này trở thành sự thật, mức độ cạnh tranh khốc liệt hiện nay trên thị trường gạo toàn cầu sẽ giảm bớt.

Trong cuộc trao đổi với hãng tin tài chính Bloomberg, ông Phạm Đồng Quảng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc dịch chuyển cây trồng là nhằm tăng thu nhập cho người nông dân, trong đó ngô sẽ là một trong những cây trồng mục tiêu do nhu cầu của thị trường và năng suất của cây này cùng ở mức cao. Ông Quảng cũng cho hay, kế hoạch chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa sang cây trồng khác sẽ được Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn phê chuẩn trước cuối năm nay.

Giới phân tích đánh giá, sản lượng gạo của Việt Nam giảm sẽ đem lại lợi ích cho Ấn Độ và Thái Lan, hai đối thủ lớn nhất của Việt Nam về xuất khẩu gạo trong bối cảnh nguồn cung gạo toàn cầu đạt mức cao kỷ lục mọi thời đại. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), đây là ba quốc gia chiếm 2/3 khối lượng xuất khẩu gạo toàn cầu trong năm 2012.

Ông Quảng dự báo, năm 2014 có thể sẽ là năm mà sản lượng gạo của Việt Nam bắt đầu giảm.

“Nếu sản lượng gạo của Việt Nam giảm, điều đó sẽ đem lại lợi ích cho các quốc gia xuất khẩu gạo và có thể gây ảnh hưởng bất lợi cho các nước nhập khẩu gạo”, ông David Dawe, chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) ở Bangkok, nhận định. Theo ông Dawe, kế hoạch dịch chuyển cây trồng của Việt Nam “là tốt vì khuyến khích sự linh hoạt về phía người nông dân”.

Dữ liệu của USDA cho thấy, tháng 8 vừa qua, giá xuất khẩu gạo loại 5% tấm của Việt Nam đã giảm 3,4% so với thời điểm đầu còn 400 USD/tấn.

Cũng theo USDA, từ năm 2001 tới nay, sản lượng gạo của Việt Nam tăng liên tục, với tổng mức tăng 37%, đạt 27,4 triệu tấn. Cùng với đó, khối lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng tăng mạnh từ mức dưới 100.000 tấn vào năm 1988 lên 7,4 triệu tấn trong niên vụ 2012-2013, so với mức xuất 9,7 triệu tấn của Ấn Độ và 7 triệu tấn của Thái Lan.

 “Sản lượng gạo của Việt Nam có thể giảm trong một vài năm tới vì người nông dân sẽ chuyển đổi cây trồng”, ông Quảng nói nhưng không đưa ra con số dự báo cụ thể. Ông Quảng cho biết, mặc dù vấn đề tăng thu nhập cho khu vực nông thôn đã được đề cập đến trong những năm qua, vấn đề này đang ngày càng trở nên cấp thiết hơn trong bối cảnh kinh tế khó khăn và mức độ cạnh tranh trên thị trường gạo xuất khẩu thế giới ngày càng lớn.

Bất chấp nhu cầu đối với gạo xuất khẩu chững lại, sản lượng gạo toàn cầu đã tăng lên mức cao kỷ lục. Theo dự báo của USDA, sản lượng gạo của thế giới trong niên vụ 2013-2014 sẽ tăng 1,9%, đạt mức 477,9 triệu tấn. Sản lượng gạo của thế giới trong niên vụ hiện tại được dự báo đạt 39 triệu tấn, ngang với mức sản lượng của niên vụ 2011-2012. Philippines, nước trước đây vẫn nhập khẩu gạo nhiều nhất thế giới, dự kiến sẽ tự cung cấp đủ gạo và sẽ không nhập khẩu gạo trong năm 2013 này.

Thái Lan là một trong số những quốc gia sẽ tăng sản lượng gạo nhờ chính sách của Chính phủ thu mua lúa gạo cao hơn giá thị trường để tăng thu nhập cho người nông dân. Năm ngoái, Chính phủ Thái đã lỗ 4,4 tỷ USD vì chính sách can thiệp thị trường lúa gạo. Theo USDA, kho gạo tạm trữ của Chính phủ Thái Lan sẽ tăng 24% lên mức 15,5 triệu tấn trong niên vụ này. Ngày 11/9, Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Niwattumrong Boonsongpaisan cho biết sẽ bán 1,2 triệu tấn gạo cho Trung Quốc trong 12 tháng tới và sẽ tìm kiếm thêm những thỏa thuận bán gạo mới.

Sản lượng gạo của Campuchia, nước láng giềng của Việt Nam, được dự báo sẽ tăng lên mức cao kỷ lục trong niên vụ hiện tại, đạt 4,9 triệu tấn. Một quan chức của nước này cho hay, Campuchia dự kiến sẽ tăng mức xuất khẩu gạo lên 1 triệu tấn vào năm 2015.

Ông Quảng cho hay, Chính phủ sẽ không đặt mục tiêu mỗi vụ phải sản xuất bao nhiêu lúa gạo mà để nông dân và các chính quyền địa phương tự quyết định theo nhu cầu thị trường. Theo ông Quảng, Chính phủ sẽ cung cấp giống, đào tạo kỹ thuật và hỗ trợ thủy lợi cho người nông dân để giúp họ chuyển đổi cây trồng. Hiện Việt Nam có khoảng 4 triệu hectare đất trồng lúa.