22:51 25/04/2015

Phó thủ tướng yêu cầu sớm duyệt quy hoạch mắc-ca

Nhật Nam

Hiện đã có 14 tỉnh trên cả nước tiến hành thí điểm và quy hoạch phát triển cây mắc-ca

Cây mắc-ca chung sống với cây tiêu, cà phê tại Tuy Đức, Đắc Nông.<br>
Cây mắc-ca chung sống với cây tiêu, cà phê tại Tuy Đức, Đắc Nông.<br>
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có chỉ đạo bộ ngành liên quan khẩn trưởng phê duyệt quy hoạch phát triển cây mắc-ca theo hướng nhanh và bền vững.

Cụ thể, Phó thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển cây mắc-ca; khẩn trương phê duyệt quy hoạch phát triển cây mắc-ca.

Ông cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tăng cường các biện pháp quản lý về chất lượng giống; hướng dẫn người sản xuất hợp tác, liên kết với doanh nghiệp đầu tư, tổ chức sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ, bảo đảm phát triển cây mắc-ca theo hướng nhanh, bền vững.

Cây mắc-ca có xuất xứ từ Úc. Với những giá trị dinh dưỡng vượt trội, hạt mắc-ca được xếp vị trí hàng đầu trong các loại hạt và được mệnh danh là “nữ hoàng của các loại hạt khô”.

Nhân hạt mắc-ca là nguyên liệu đa dụng trong sản xuất thực phẩm, dược mỹ phẩm. Tuy nhiên, nguyên liệu và các sản phẩm từ nhân mắc-ca hiện vẫn còn khá mới trên thị trường thế giới, khi thị phần mới chỉ chiếm khoảng 1% các loại hạt khô.

Theo các nguyên cứu khoa học, mắc-ca là loại cây kén khí hậu và thổ nhưỡng, nên khó trồng và phát triển đại trà trên thế giới. Mặt khác, chi phí đầu tư cho phát triển mắc-ca tại những quốc gia hàng đầu như Úc khá cao. Đây cũng là hai lý do chính khiến thị phần của mắc-ca chưa mở rộng, hay tiềm năng để phát triển còn rất lớn.

Tại Việt Nam, loại cây này đã được trồng khảo nghiệm hơn 20 năm qua và đã cho nhiều mô hình thành công về sản lượng, gắn với lợi thế điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc.

Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, cây mắc-ca đã được mở rộng thí điểm tại nhiều địa phương. Hiện đã có 14 tỉnh trên cả nước thí điểm và lập phương án quy hoạch phát triển, điển hình như Lâm Đồng với bước đầu trên 22.000 ha, Đắc Nông hơn 13.000 ha…

Một số nhà đầu tư lớn hiện cũng đã lên kế hoạch phát triển loại cây này, từ xây dựng các vườn giống tiêu chuẩn, vùng trồng nguyên liệu, nhà máy chế biến, tổ chức công tác tạo lập và phát triển thị trường.