09:54 10/11/2008

Quà Tết thời khó khăn

Thay vì chọn những loại sản phẩm “ăn chơi” như rượu, bánh mứt, nhiều công ty đã chuyển sang tặng những mặt hàng “ăn thiệt”

Nhiều công ty vẫn coi quà Tết là một trong những cách thể hiện sự quan tâm đối với khách hàng, đối tác trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Ảnh chụp một cửa hàng kinh doanh quà tặng tại Tp.HCM - Ảnh: Lê Toàn.
Nhiều công ty vẫn coi quà Tết là một trong những cách thể hiện sự quan tâm đối với khách hàng, đối tác trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Ảnh chụp một cửa hàng kinh doanh quà tặng tại Tp.HCM - Ảnh: Lê Toàn.
Thời buổi làm ăn khó khăn như hiện nay đã buộc nhiều công ty phải cân nhắc điều chỉnh các khoản chi, trong đó có khoản quà tặng cho khách hàng và đối tác vào dịp cuối năm.

Mỗi nơi mỗi cách

Trong năm qua, do có nhiều khoản chi phí gia tăng đè nặng lên ngân sách nên nhiều doanh nghiệp đã tính đến việc điều chỉnh khoản tiền dành cho quà Tết được đưa ra hồi đầu năm sao cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc marketing Công ty Cổ phần Nhựa Đại Đồng Tiến, cho rằng quà Tết thể hiện kết quả một năm làm ăn và mức độ tình thân hữu. Do nặng yếu tố tinh thần như vậy nên hình thức quà Tết khó thay đổi, chỉ có thể cách tân cho phù hợp với từng năm và chất lượng món quà không thể giảm, vấn đề là chọn những mặt hàng nào và ưu tiên khách hàng nào để đảm bảo cân đối ngân sách.

“Với 500.000 đồng, chắc chắn không thể mua được một giỏ quà như năm ngoái, chất lượng thì không thể giảm, có lẽ công ty sẽ siết lại danh sách đối tác, đại lý, khách hàng thân thuộc, chứ không tặng đại trà như những năm trước. Chúng tôi sẽ ưu tiên củng cố quan hệ với đối tác chiến lược và thiết lập quan hệ với khách hàng mới”, ông Hùng nói.

Ông Bùi Quang Thịnh, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bao bì nhựa Tân Tiến, cho biết khách hàng của Tân Tiến là các công ty, nhà sản xuất gắn bó nhiều năm nên rất khó để quyết định tặng ai, bỏ ai.

“Do giá cả các loại bánh mứt, rượu [những mặt hàng không thể thiếu trong giỏ quà Tết] sẽ tăng nên ngân sách dành cho khoản này phải tăng. Vì vậy, trong những tháng qua, công ty đã tiết kiệm tối đa các chi phí marketing, giao tế trong dịp lễ, Trung thu để tập trung cho quà Tết”, ông Thịnh cho biết.

Một số ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm vẫn coi quà Tết là một trong những cách thể hiện sự quan tâm đối với khách hàng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Ông Trần Minh Toàn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sen Vàng, cho rằng trong một năm đầy biến động của thị trường chứng khoán, doanh thu từ môi giới và đầu tư sụt giảm đáng kể nhưng công ty không thể cắt giảm ngân sách quà Tết vì việc này nằm trong chiến lược giữ chân khách hàng. Một món quà nhỏ dịp cuối năm có thể mang đến cho khách hàng niềm tin lớn vào khả năng hồi phục của thị trường trong năm sau.

“Công ty sẽ tăng ngân sách dành cho quà Tết để đảm bảo giỏ quà tươm tất, nếu thiếu có thể trích bớt tiền thưởng cuối năm của nhân viên”, ông Toàn nói.

Trong tình hình khó khăn này, nhiều công ty đã thực hiện chính sách “không tặng, không nhận”. Ông Nguyễn Minh Hiền, Giám đốc Công ty Thiên Ân, chuyên xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, cho biết công ty đã gửi thư thông báo việc không nhận quà biếu đến các đối tác và nhận được một số phản hồi tích cực.

“Trước đó, chúng tôi đã nhận được thư cảm ơn của các nhà nhập khẩu châu Âu và Bắc Mỹ cho biết công ty của họ không có chính sách nhận quà Tết. Thiết nghĩ đây cũng là một cách chia sẻ khó khăn và thể hiện văn hóa doanh nghiệp nên Thiên Ân quyết định áp dụng chính sách này ngay từ năm nay”, ông Hiền giải thích.

Thị trường quà Tết

Trong những năm gần đây, thị trường kinh doanh quà biếu, quà tặng dịp Tết được mở rộng về quy mô, đa dạng về chủng loại và có chu kỳ kinh doanh ngày càng dài. Nó mở ra cho giới kinh doanh cơ hội bán hàng khá tốt, lớn hơn thị trường quà biếu dịp Trung thu cả về tổng giá trị lẫn số lượng mặt hàng.

Tuy nhiên, do tình hình làm ăn năm nay khó khăn, nhiều công ty sản xuất và nhập khẩu các sản phẩm phục vụ Tết nhận định dịp Tết 2009 không phải là mùa tiêu thụ “nóng” của các loại rượu ngoại, nước giải khát đóng lon, thực phẩm đắt tiền.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty Minh Anh, chuyên nhập khẩu rượu, cho biết công ty vừa điều chỉnh danh mục hàng nhập cho mùa Tết này sau khi có kết quả khảo sát sơ bộ của phòng kinh doanh. Công ty chỉ nhập số lượng khiêm tốn các loại rượu cao cấp, phần nhiều là theo đơn đặt hàng của khách hàng quen mặc dù chính sách dành cho các đại lý, nhà phân phối của các hãng rượu cao cấp khá hấp dẫn.

Thay vào đó, công ty đẩy mạnh việc nhập các loại rượu giá trung bình, từ vài trăm ngàn đến dưới một triệu đồng, từ Chilê, Bồ Đào Nha, Thái Lan…

Sau vụ sữa của Trung Quốc nhiễm melamine, khách hàng tỏ ra dè dặt hơn với những loại bánh kẹo nhập khẩu và đây sẽ là cơ hội cho sản phẩm bánh kẹo trong nước, nhất là những sản phẩm giá trung bình của các công ty có tên tuổi.

Ông Hoàng Nhân Nam, Phó giám đốc marketing Công ty Cổ phần Bibica, cho biết mùa Tết năm nay công ty dự kiến đưa ra thị trường khoảng 5 triệu hộp bánh, kẹo, chocolate, mứt các loại, và mức doanh thu nhắm đến là 180 tỉ đồng. Tương tự, nhãn hiệu Phạm Nguyên cũng đang chuẩn bị nhiều loại sản phẩm mới.

Cho đến nay vẫn chưa có con số thống kê chính thức về doanh số của thị trường quà biếu Tết, nhưng theo số liệu của một số siêu thị, thị trường này chiếm khoảng 30%/tổng doanh thu của tháng bán hàng Tết, ở các cửa hàng thực phẩm con số này lên tới 50%.

Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại hệ thống siêu thị Big C, cho biết nhờ quà biếu Tết, các siêu thị có thể tăng thêm lợi nhuận nhờ tăng doanh số và doanh thu từ dịch vụ này. Đối với khách hàng, ngoài việc tiết kiệm thời gian và công sức trong dịp cuối năm bận rộn, họ còn được hưởng mức giá ưu đãi (giá khuyến mãi trên những sản phẩm đóng gói), giảm giá nếu mua với số lượng lớn và được giao hàng tận nơi.

Bà Trang cho biết thêm, nhiều công ty chọn hình thức phiếu quà tặng thay cho quà Tết đối với đối tác là cá nhân hay khách hàng nhỏ lẻ. Việc tặng phiếu mua hàng phù hợp với ngân sách của những công ty nhỏ và thuận tiện hơn cho người nhận trong việc mua sắm theo nhu cầu của họ.

Bà Lê Thị Duy Linh, Giám đốc phát triển kinh doanh của trang thương mại điện tử Golmart, cho biết Golmart đang gửi bản chào hàng quà Tết đến các công ty. Khác với mọi năm là những phần quà có giá trị cao, năm nay Golmart chào hàng ở những đơn hàng vừa phải, phổ biến từ 500.000 đến 1 triệu đồng.

“Nhiều khách hàng tỏ ra bối rối khi giá cả nhiều mặt hàng quà Tết tăng mạnh và ngân sách công ty khó kham nổi. Vì vậy, Golmart tăng cường nhân viên giới thiệu và tư vấn các giỏ quà với giá cả phải chăng sao cho vẫn đảm bảo tính trang trọng và đặc trưng của quà Tết”, bà Linh nói.

Bà Linh dự đoán số lượng khách hàng mua quà biếu Tết qua mạng năm nay tăng khoảng 25% so với năm trước (khoảng 4.000 đơn hàng), tập trung vào hai nhóm mặt hàng chính là nước giải khát và thực phẩm chế biến.

Thay vì chọn những loại sản phẩm “ăn chơi” như rượu, bánh mứt, nhiều công ty đã chuyển sang tặng những mặt hàng “ăn thiệt” như gạo đóng gói sẵn, thực phẩm chế biến, dầu ăn… cho các đối tác thân quen.

Mỹ Hạnh (TBKTSG)