10:56 18/09/2007

“Rác” dược liệu tràn vào Việt Nam

Đình Nam

Nhiều loại thuốc đông dược bị tách chiết hết hoạt chất trước khi bán sang Việt Nam, không còn tác dụng dược lý và đơn thuần chỉ là... rác

Trên thị trường đông dược hiện có khoảng 80% dược liệu có nguồn gốc từ nước ngoài.
Trên thị trường đông dược hiện có khoảng 80% dược liệu có nguồn gốc từ nước ngoài.
Mỗi năm nước ta tiêu thụ hơn 50.000 tấn dược liệu, trong đó dược liệu trong nước (thuốc nam) chiếm tỷ lệ khoảng 20%, số còn lại thường được nhập từ nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) qua con đường tiểu ngạch chiếm tới 80%.

Do được nhập về theo đường tiểu ngạch nên lâu nay chất lượng thuốc đông dược vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý.

Tình trạng đã trở nên đáng báo động khi Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương công bố thông tin phát hiện một số dược liệu nhập khẩu như hoàng kỳ, nhân sâm... bị tách chiết hết hoạt chất trước khi bán sang Việt Nam. Những dược liệu này thực chất không còn tác dụng dược lý và đơn thuần chỉ là... rác!

Phổ biến dược liệu không rõ nguồn gốc

Theo thống kê của Vụ Y học cổ truyền (Bộ Y tế), trên thị trường đông dược hiện có khoảng 80% dược liệu có nguồn gốc từ nước ngoài. Trong đó có đến gần 70% dược liệu không có số đăng ký được đưa vào Việt Nam từ nhiều nguồn và bằng nhiều cách thức khác nhau.

Cục trưởng Cục Quản lý dược Trương Quốc Cường cho biết, trong số hàng trăm loại dược liệu nhập vào Việt Nam thì cũng chỉ có 9 mặt hàng có số đăng ký, còn lại có tới 50-60% là hàng nhập lậu. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra nhiều năm nay mà không có sự kiểm soát hữu hiệu từ các cơ quan quản lý.

Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế Trần Ngọc Nga nhận xét, lĩnh vực đông y và vấn đề quản lý nguồn dược liệu đang rất phức tạp. Vừa qua, chỉ qua kiểm tra 7 tỉnh trên toàn quốc đã có tới 1.996 cơ sở hành nghề đông y, hầu hết các cơ sở này không đủ điều kiện để cấp phép.

Còn các khảo sát của Sở Y tế Hà Nội tại hai điểm kinh doanh đông dược lớn nhất thành phố là phố Lãn Ông và làng thuốc Ninh Hiệp (Gia Lâm) cho thấy hầu hết các cơ sở kinh doanh, chế biến thuốc đông dược, 100% sản phẩm dược liệu không có nhãn mác, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ nhưng vẫn được bày bán “thản nhiên” trên thị trường.

Tại phố Lãn Ông, các cơ sở buôn bán thuốc đông dược đều chế biến các dược liệu ngay trên nền đất. Thậm chí với những gói dược liệu đã ngả màu nấm mốc vẫn được những chủ kinh doanh phơi ra ánh nắng để “tái chế”. Ngay cả giá các loại dược liệu, thuốc đông dược ở đây cũng... “tù mù”.

Chẳng hạn như nhân sâm rẻ nhất chỉ có 35.000 đồng/lạng. Nhưng cùng loại nhân sâm trên ở cửa hàng gần đó lại có giá tới 85.000-100.000 đồng/lạng. Trên bao bì mỗi loại nhân sâm không có dòng chữ nào chứng minh nguồn gốc sản phẩm hay đã được chứng nhận đăng ký chất lượng tại đâu. Người tiêu dùng khi chọn mua cũng chỉ biết tin vào lời quảng cáo của những nhà kinh doanh.

Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Yên cho biết, nhiều lần khi đoàn kiểm tra xuất hiện ở phố Lãn Ông, nhiều cơ sở kinh doanh đã ôm hàng bỏ chạy. Vừa qua, sau khi tiến hành kiểm nghiệm hoạt chất của thuốc đông dược tại 2 cơ sở trên địa bàn, thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã phát hiện hoạt chất không đạt tiêu chuẩn đã tiến hành tiêu huỷ toàn bộ số dược liệu trên.

Tại làng thuốc Ninh Hiệp hiện có hơn 300 hộ kinh doanh dược liệu, trong đó có khoảng 80 cơ sở làm nghề bốc thuốc nhưng chỉ có 7 cơ sở được cấp phép đăng ký kinh doanh. Tại đây, những bao tải dược liệu được nhập và hầu như không chứng minh được nguồn gốc và được bảo quản bằng các loại hoá chất độc hại như lưu huỳnh...

Ngay cả ngành chức năng cũng thừa biết những bất cập đang diễn ra ra tại đây nhưng họ cũng chỉ biết đứng nhìn. Theo ông Yên, không chỉ có việc kiểm soát khó vì thiếu lực lượng thanh tra, ngay cả việc kiểm nghiệm chất lượng các dược liệu tại đây cũng là bài toán nan giải.

Sẽ siết chặt các cơ sở kinh doanh đông dược

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang tại buổi làm việc với Sở Y tế Hà Nội, ngày 14/9. Bản thân ông Quang cũng đã nhận được 4-5 văn bản báo cáo từ các địa phương về thực trạng nhập lậu, buôn bán “rác” dược liệu đang ở mức báo động. Trong đó có nhiều loại dược liệu cấm lưu hành ở Trung Quốc lại “tuồn” sang Việt Nam, đặc biệt tập trung chủ yếu ở Hà Nội và Tp.HCM.

Trước mắt, ngành y tế sẽ tăng cường các cuộc kiểm tra trên diện rộng và đột xuất đối với các cửa hàng buôn bán đông dược, dược liệu nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng này. Các doanh nghiệp sử dụng dược liệu đông dược cũng sẽ phải chứng minh nguồn gốc, chất lượng dược liệu đủ tiêu chuẩn mới được phép sản xuất.

Trong trường hợp phát hiện ra “rác” dược liệu, lực lượng chức năng cần phải tiến hành tịch thu, tiêu hủy ngay lập tức bởi đây hoàn toàn có thể coi là hàng lậu, hàng cấm. Đồng thời, xử lý các doanh nghiệp đó theo chế tài từ xử phạt hành chính đến tạm đình chỉ hoạt động, rút giấy phép kinh doanh...

Đối với những cửa hàng kinh doanh nhỏ, lẻ, ngay khi phát hiện những lô hàng dược liệu “rác”, dược liệu không chứng minh được nguồn gốc thì cũng có thể coi là hàng lậu. Lực lượng thanh tra chuyên ngành cùng quản lý thị trường hoàn toàn có thể xử lý theo quy định pháp luật.

Ông Quang nhấn mạnh đến việc cần phải tăng cường công tác kiểm tra “phần ngọn” là các cửa hàng, cơ sở kinh doanh đông dược hiện nay để ngăn chặn lập tức và có hiệu quả việc buôn bán dược liệu “rác” ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Chánh thanh tra Bộ Y tế Trần Ngọc Nga cho biết, tới đây, thanh tra Bộ Y tế sẽ phối hợp với thanh tra y tế của các địa phương tăng cường hơn nữa việc kiểm tra.