15:37 09/08/2011

Sao vẫn chưa giảm giá xăng dầu?

Y Nhung

Đầu tháng 8 này, giá dầu thô trên thị trường thế giới liên tục lao dốc chỉ trong một thời gian ngắn

Diễn biến giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore thời gian gần đây - Nguồn: Petrolimex.
Diễn biến giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore thời gian gần đây - Nguồn: Petrolimex.
Đầu tháng 8 này, giá dầu thô trên thị trường thế giới liên tục lao dốc chỉ trong một thời gian ngắn.

Giá dầu thô từ mức trên 90 USD/thùng trong tháng 7 nhanh chóng xuyên thủng mốc 85 USD/thùng, kế đến là xuyên cả “đáy” 80 USD/thùng. Đặc biệt, trong ngày 9/8 mức thấp nhất ghi nhận chỉ còn 75,71 USD/thùng.

Diễn biến trên một lần nữa đặt yêu cầu giảm giá bán lẻ xăng, dầu trong nước. Liên tục những ngày gần đây, nhiều ý kiến bạn đọc gửi về VnEconomy đề nghị làm rõ yêu cầu này, đặc biệt là sau khi có thông tin cơ hội giảm giá xăng dầu từng bị “bỏ lỡ” trong tháng 6 vừa qua…

Đầu tuần này, khi VnEconomy đặt vấn đề về khả năng có thể giảm giá xăng dầu trong nước hay không, một lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối lớn trong nước trả lời rằng: “Giá xăng dầu vẫn do cơ quan quản lý nhà nước điều hành, chúng tôi không trả lời được”.

Sáng 9/8, ông Vương Đình Dung, Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Quân Đội, đã trực tiếp trao đổi với phóng viên và đưa ra những phân tích từ thực tế hình thành giá xăng dầu hiện nay. Chốt lại, cơ hội giảm giá xăng dầu trong nước hiện nay, theo những phân tích đó, là gần như không có!

Đồng ý là giá xăng dầu trên thị trường thế giới những ngày qua có giảm, nhưng ông Dung cho rằng giá các sản phẩm dầu thành phẩm chỉ giảm nhẹ và vẫn ở mức cao.

Cụ thể, giá trung bình của xăng A92 từ ngày 1 - 4/8 vẫn ở mức 122,36 USD/thùng. Cộng thêm với chi phí vận tải là 2,3 USD/thùng, khi về đến Việt Nam giá xăng là 125,56 USD/thùng. Với tỷ giá 20.680 VND/USD, mỗi lít xăng sẽ có giá là 16.300 đồng/lít.

Hiện mặt hàng xăng có thuế nhập khẩu là 0%, nhưng cộng thêm các chi phí khác như thuế tiêu thụ đặc biệt là 10% (khoảng 1.633 đồng/lít), VAT 10% (1.796 đồng/lít), chi phí bán hàng và lợi nhuận của doanh  nghiệp theo định mức của Bộ Tài chính là 900 đồng/lít, giá mỗi lít xăng tăng lên là 20.659 đồng.

Tiếp đến, mỗi lít xăng phải trích nộp vào quỹ bình ổn giá là 300 đồng, phí xăng dầu là 1.000 đồng/lít. Sau khi tính tổng tất cả các khoản thuế và phí theo quy định, giá xăng A92 hiện ở mức 21.959 đồng/lít. Với giá bán như hiện nay doanh nghiệp đang lỗ là 659 đồng/lít!

Đối với mặt hàng dầu diezel 0,25% S, giá trung bình trong thời gian nêu trên là 129,81 USD/thùng, chi phí vận tải 1,3 USD/thùng, cộng thêm thuế nhập khẩu 5%, VAT 10%, chi phí bán hàng và lợi nhuận của doanh nghiệp ở mức 900 đồng/lít, trích quỹ bình ổn 300 đồng/lít, phí 500 đồng/lít thì giá cơ sở của mặt hàng này là 21.395 đồng/lít. Trong khi giá bán hiện nay chỉ là 21.050 đồng/lít. Mức lỗ doanh nghiệp đang phải chịu đối với mặt hàng này là 345 đồng/lít!

“Đó là tính toán theo đúng các quy định của Bộ Tài chính. Còn nếu tính theo chi phí thực tế của nay doanh nghiệp (theo đề chi phí bán hàng và lợi nhuận trên mỗi lít xăng dầu là 1.200 đồng/lít) thì mặt hàng xăng doanh nghiệp đang lỗ là 959 đồng/lít, còn dầu diezel là 645 đồng/lít”, ông Dung nói.

Ông Dung cũng cho rằng Nghị định 84/2009/NĐ- CP về kinh doanh xăng dầu cho đến thời điểm này vẫn chưa được triển khai một cách đầy đủ nên nhiều khi doanh nghiệp vẫn chưa thể chủ động trong việc điều chỉnh giá bán.

Lần tăng gần nhất, vào ngày 29/3, giá xăng A92 được điều chỉnh tăng thêm 2.000 đồng/lít, lên mức 21.300 đồng/lít, nhưng thực tế giá bán đó còn khá xa so với giá cơ sở. Khi ấy, lẽ ra giá phải được điều chỉnh tăng lên 26.000 đồng/lít mới đảm bảo cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối không bị lỗ. Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh giai đoạn đó khi trả lời báo chí cũng đã thừa nhận dù giá xăng đã được điều chỉnh tăng nhưng vẫn thấp hơn giá thực tế gần 5.000 đồng/lít.

“Trên thực tế hiện nay, nếu doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã có lãi và việc giảm giá là có thể thì các cơ quan chức năng cũng đã có văn bản yêu cầu về điều này”, ông Dung chốt lại vấn đề.

Và theo như những phân tích mà phía doanh nghiệp đưa ra nói tên, việc giảm giá xăng dầu hiện nay là điều gần như không thể (!?).

Tuy nhiên, nếu theo thực tế biến động của giá các sản phẩm dầu thành phẩm tại thị trường Singapore - nguồn nhập chủ yếu của Việt Nam - thì có sự khác biệt lớn so với các mức giá bình quân trong khoảng thời gian mà ông Dung đưa ra ở trên.

Cụ thể, cập nhật trong ngày 8/8, giá xăng Mogas 92 tại thị trường Singapore chỉ còn ở khoảng 114,96 - 115 USD/thùng; giá diezel 0,25S chỉ còn 121,15 - 121,19 USD/thùng; diezel 0,05S chỉ còn 122,65 - 122,69 USD/thùng…

Rõ ràng, những mức giá đó thấp hơn hẳn so với mức bình quân 122,36 USD/thùng của Mogas 92, hay gần 130 USD/thùng của diezel mà doanh nghiệp đưa ra tính toán.

Liệu sự sụt giảm đó chưa đủ là thực tế để đặt ra yêu cầu giảm giá xăng dầu, hay tính toán vẫn còn lỗ của doanh nghiệp là thực tế? Hay một lần nữa cơ hội giảm giá xăng dầu lại theo điệp khúc “cần tiếp tục theo dõi thêm, do giá thế giới biến động phức tạp”?