17:19 22/09/2008

Sữa không melamine, cơ hội tăng doanh thu

Trong vụ bê bối sữa có melamine ở Trung Quốc, nhiều hãng sữa không dính líu tới chất này tìm thấy cơ hội lớn

Nhân viên bán hàng đang lấy các sản phẩm sữa nhiễm độc khỏi quầy một siêu thị ở tỉnh An Huy - Ảnh: ChinaDaily.
Nhân viên bán hàng đang lấy các sản phẩm sữa nhiễm độc khỏi quầy một siêu thị ở tỉnh An Huy - Ảnh: ChinaDaily.
Trong lúc vụ sữa nhiễm độc đe dọa các công ty sữa Trung Quốc có dính líu đến hóa chất melamine thì các nhãn hàng ngoại và những nhà sản xuất nội địa khác lại tìm thấy cơ hội kinh doanh mới.

“Trong mấy ngày qua, chúng tôi đã nhận được nhiều cuộc gọi từ các nhà phân phối đề nghị được bán sản phẩm sữa bột của chúng tôi và chúng tôi đang chuẩn bị tăng sản lượng”, Ma Guowu, giám đốc kinh doanh của Sanyuan Foods Co., cho biết. Sản phẩm sữa của công ty tầm cỡ này vừa qua được kiểm tra an toàn chất lượng trong tuần qua.

Theo ông Ma, doanh số sữa lỏng của Sanyuan đã tăng vọt 200% vào thứ Sáu, 19/9, sau khi ban kiểm tra chất lượng công bố sản phẩm của công ty an toàn.

Vào thứ Bảy, 20/9, Bộ Thương mại Trung Quốc công bố, những nhãn hàng sữa bột nội địa không dính líu với vụ nhiễm độc cũng bị “vạ lây” khi doanh thu từ 350 điểm bán lẻ trên cả nước giảm 33% trong 6 ngày (tính đến thứ Tư, 17-9). Đến thứ Năm, sau khi có kết quả kiểm tra chất lượng, doanh số mới tăng lại 20% (so với thứ Tư) và tăng thêm 4% vào thứ Sáu.

Melamine, loại hóa chất gây bệnh sạn thận cho hàng ngàn em bé khắp Trung Quốc, được phát hiện có trong sữa dinh dưỡng trẻ em của 22/109 công ty Trung Quốc mà đứng đầu về hàm lượng melamine là Công ty Tam Lộc, tiếp đến là sản phẩm sữa lỏng của 3 công ty sữa hàng đầu Trung Quốc: Bright Dairy, Yili và Mengniu.

Vụ bê bối xuất phát từ công ty Tam Lộc đã đánh một đòn mạnh vào ngành sản xuất sữa Trung Quốc nhưng đồng thời cũng đem lại cho những nhãn hiệu qua được kiểm tra một cơ hội rất tốt để vươn lên, theo nhà phân tích Chen Lianfang thuộc Công ty tư vấn Beijing Orient Agribusiness Consultant. Ông Chen cũng cho rằng thị phần của các loại sữa ngoại sẽ càng được củng cố.

Trả lời phỏng vấn của Tân hoa xã, Xu Haiyin, giám đốc quan hệ công chúng của hãng Wyeth (Mỹ), khẳng định đơn đặt hàng sữa bột từ Trung Quốc đã tăng hơn 400% từ khi xảy ra vụ sữa nhiễm độc. 90% sản phẩm sữa bột của công ty được nhập khẩu.

Trong khi đó, Wang Ling, giám đốc quan hệ công chúng của Abbott (Mỹ) cho biết hãng này đang có kế hoạch tăng nguồn cung cho thị trường Trung Quốc. Hãng này hoàn toàn nhập sữa dinh dưỡng trẻ em.

Những động thái tương tự đang diễn ra ở Dumex, một nhãn hàng sữa dinh dưỡng trẻ em của tập đoàn thực phẩm Danone của Pháp. Công ty này khẳng định sản phẩm sữa bột sản xuất tại Trung Quốc chỉ dùng sữa thô nhập.

Các nhãn hàng sữa ngoại như Mead Johnson, Wyeth, Dumex và Abbott đã chiếm hơn 70% thị phần sữa bột cao cấp của Trung Quốc, theo số liệu năm 2007 của công ty nghiên cứu thị trường CTR.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích Chen, các nhãn hàng sữa bột nội địa vẫn chiếm ưu thế ở phân khúc bình dân và trung lưu của thị trường. Phần lớn sữa dinh dưỡng trẻ em nhãn hàng ngoại có giá trên 150 nhân dân tệ/900 gram, hơn gấp 3 lần giá sữa Tam Lộc.

Theo Bộ Y tế Trung Quốc, số trẻ em nhập viện đã lên đến 12.892, trong đó 104 bé ở tình trạng nguy kịch, ít nhất có 4 trẻ tử vong. Vào thứ Bảy, 21 nhà sản xuất sữa dinh dưỡng trẻ em bị phát hiện có hóa chất melamine trong sản phẩm đã cam kết bồi thường cho người tiêu dùng và nhận trách nhiệm chăm lo những em bé bị bệnh sau khi dùng sữa.

* Không dừng lại ở Trung Quốc

Cuối ngày thứ Bảy, chính quyền Hồng Kông thông báo một bé gái 3 tuổi vừa được chẩn đoán bị sạn thận sau thời gian uống sữa có nhiễm chất melamine của hãng Yili. Đây là nạn nhân đầu tiên được phát hiện bên ngoài Trung Quốc.

Ngày Chủ nhật, Hồng Kông tiếp tục cho biết kiểm tra cho thấy có chất melamine trong sản phẩm sữa Dairy Farm của Nestle sản xuất tại Trung Quốc. Nhưng tập đoàn thực phẩm của Thụy Sĩ đã lập tức đưa ra tuyên bố khẳng định không có sản phẩm Nestle nào sản xuất tại Trung Quốc nhiễm melamine.

Burundi là nước châu Phi thứ ba cấm nhập sản phẩm sữa của Trung Quốc sau Gabon và Tanzania. Tại châu Á, Brunei và các nước Malaysia, Singapore và Bangladesh cũng ngưng nhập khẩu sữa Trung Quốc.


Ngọc Thu (Tân hoa xã/TBKTSG)