14:27 25/04/2008

Tăng 2,2% trong tháng 4, CPI cao vời vợi

Anh Quân

Với con số này, CPI 4 tháng đầu năm đã “vọt” lên 11,6%, đạt mức tăng cao nhất trong 8 năm đầu thế kỷ này

Thời giá cả tăng cao, người tiêu dùng không khỏi đắn đo trước những nhu yếu phẩm hàng ngày - Ảnh: Việt Tuấn.
Thời giá cả tăng cao, người tiêu dùng không khỏi đắn đo trước những nhu yếu phẩm hàng ngày - Ảnh: Việt Tuấn.
So với tháng 3/2008, chỉ số giá tiêu dùng trong nước (CPI) tháng 4 đã tăng 2,2%.

Với con số này, CPI 4 tháng đầu năm đã “vọt” lên 11,6%, đạt mức tăng cao nhất trong 8 năm đầu thế kỷ này.

Như vậy là mức độ tăng CPI đã vượt qua hai con số chỉ trong 4 tháng đầu năm. Nhiều lo ngại đang dấy lên. Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày hôm qua cũng cho biết chỉ số giá tiêu dùng trong năm nay chắc chắn sẽ vượt con số 12,63% của năm ngoái.

Không có nhiều thay đổi so với con số tạm tính được lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra hôm trước, nhưng chỉ số giá tiêu dùng do Tổng cục Thống kê công bố chính thức ngày hôm nay, 25/4, cho cảm nhận vừa mừng vừa lo. Mừng vì tốc độ tăng đã chậm lại và một số chỉ số đã giảm. Lo bởi giá cả nhiều mặt hàng vẫn tăng cao.

Nếu so với mức tăng của 3 tháng trước đó, CPI tháng 4 đã chậm lại. Mức 2,2% của tháng này giảm hơn so với mức tăng 2,38% của tháng 1, 3,56% của tháng 2 và giảm hơn hẳn so với 2,99% của tháng trước đó.

Có 3 nguyên nhân được các nhà phân tích đưa ra để lý giải sự giảm tốc của CPI tháng 4. Nguyên nhân thứ nhất là CPI tháng này “rơi” vào điểm giảm của chu kỳ giá tiêu dùng hàng năm. Thứ hai, Chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ với độ chễ của nó đã bắt đầu phát huy tác dụng. Cuối cùng là tác dụng của các biện pháp hành chính mạnh tay của Chính phủ như giãn tiến độ tăng giá một số mặt mạng thiết yếu, tạm ngừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo…

Cấu thành nên mức tăng cao của tháng 4 chủ yếu là do nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, tăng tới 3,11% so với tháng trước đó. Giá lương thực tăng cao trong tháng khiến mặt hàng này “kéo” CPI leo lên lới một lực tác động mạnh. Giá lương thực tháng 4 tăng tới 6,11% so với tháng 3. Tiếp đến là thực phẩm tăng 2,22%, ăn uống ngoài gia đình tăng 2,02%.

Một nhóm nữa cũng tăng cao hơn chỉ số chung của tháng 4 là nhà ở và vật liệu xây dựng, tăng tới 2,62%. Tuy giá chuyển nhượng nhà ở giảm mạnh nhưng lại không được tính vào nhóm này. Các yếu tố được tính đến là giá thuê nhà, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng đều là các mặt hàng tăng giá trong tháng 4.

Nhóm tăng mạnh thứ 3 thuộc về phương tiện đi lại và bưu điện, tăng 2,33%. Sức tăng trong nhóm này thuộc về dịch vụ vận tải, đặc biệt là từ khối doanh nghiệp tư nhân. Việc Tổng công ty Đường sắt giảm giá vé hồi đầu tháng không tạo được sự cân bằng, khi mà tốc độ tăng giá nhóm này đã ở mức cao.

Riêng “cuộc đua” về giá giữa các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động, cũng thuộc nhóm dịch vụ vận tải và bưu điện, tạo được khác biệt hoàn toàn so với các nhóm hàng còn lại, khi cấu thành vào chỉ số giá tiêu dùng với mức giảm 0,06 điểm%.

Hy vọng giảm bớt căng thẳng về giá xuất hiện ở toàn bộ các nhóm mặt hàng còn lại. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép chỉ tăng 0,96%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,95%; dược phẩm y tế tăng 0,81%; đồ uống thuốc lá tăng 0,68%; các nhóm còn lại có chỉ số tăng từ 0,53% xuống 0,38%.

Xoay quanh con số đáng lo ngại này, có nhiều thông tin liên quan như để kiềm chế giá cả leo thang, Chính phủ đã chỉ thị cho các doanh nghiệp phân phối 10 mặt hàng thiết yếu kìm hãm, giãn thời gian tăng giá để hỗ trợ bình ổn giá cả.

Tuy có nhiều dấu hiệu tốt trong chỉ số giá tiêu dùng tháng 4, nhưng với chỉ số lương thực tăng cao nhất, nhiều nhà phấn tích bình luận rằng đời sống người nghèo sẽ gặp khó khăn hơn. Thực tế là chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 đã cho thấy sự khác biệt về tốc độ tăng giá khu vực thành thị và nông thôn. Trong khi các đô thị chỉ có mức tăng giá tiêu dùng 2,06%, con số này của khu vực nông thôn là 2,32%, cao hơn chỉ số chung cả nước.