08:23 28/02/2011

“Tăng giá điện chủ yếu để giảm lỗ cho EVN”

Từ Nguyên

Lãnh đạo Bộ Công Thương lý giải nguyên nhân điều chỉnh giá điện và những tác động của việc tăng giá điện đến nền kinh tế

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng.
Việc tăng giá điện lần này chủ yếu là để giảm lỗ cho EVN, chứ không phải tăng giá để đầu tư cho hệ thống điện.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng tại buổi họp báo về giá điện năm 2011 và tình hình cung ứng điện do cơ quan này vừa tổ chức.

Trả lời báo giới về lý do tăng giá điện cũng như những tác động của việc tăng giá tới sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói:

- Việc điều chỉnh giá điện vào 1/3 tới có thể gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, song đây là là bước đi cần thiết để thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc chuyển các mặt hàng sang thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, trong đó có mặt hàng điện.

Ngoài ra, việc tăng giá điện lần này cũng nhằm xử lý một số vấn đề mang tính căn bản, dài hạn hơn trong khó khăn của ngành điện như: giá điện vẫn thấp hơn giá thành, chi phí đầu vào cho sản xuất điện đang ngày càng tăng cao, hạn hán...

Hiện nay, cơ quan quản lý và ngành điện đều đưa ra hai lý do cơ bản cho việc tăng giá điện lần này là để bớt lỗ cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và nhằm thu hút đầu tư vào ngành điện. Thế nhưng, dễ thấy rằng, khoảng cách giữa “giảm lỗ cho EVN” và “thu hút đầu tư vào ngành điện” là khá xa, bởi muốn thu hút thì chắc chắn phải có một mức lãi nhất định?

Tôi cho rằng, có 4 lý do chính để phải tăng giá điện. Thứ nhất, đó là giá điện Việt Nam hiện nay đang rất thấp, mà mức thấp này là xuất phát từ việc trong nhiều năm qua, chúng ta luôn kìm giá, chưa tăng giá điện theo đúng chi phí đầu vào một cách đầy đủ, hợp lý.

Năm 2010, thời tiết khắc nghiệt, hạn hán, thiếu nước dẫn tới, nguồn thủy điện bị sụt giảm lớn. Trong khi lãi của EVN chính là nằm từ nguồn thủy điện có giá thành rẻ. Hai lý do này cộng lại đã dẫn tới việc EVN phải chịu lỗ.

Thứ hai, việc tăng giá điện lần này còn nhằm để tiến giá điện theo thị trường hợp lý hơn. Hy vọng lúc đó, các nhà đầu tư nước ngoài, trong nước sẽ quan tâm hơn tới các dự án điện, từ đó hy vọng đáp ứng đủ điện cho nhu cầu của nền kinh tế.

Thứ ba là khi giá bán điện thấp hơn giá thành, không chỉ làm cho EVN lỗ mà vô hình trung, đã khiến nhiều doanh nghiệp không quan tâm cải tiến, đổi mới công nghệ, mà đi nhập những công nghệ tiêu tốn năng lượng, gây ô nhiễm môi trường, làm bức tranh kinh tế bị sai lệch.

Cuối cùng, khi giá điện được điều chỉnh hợp lý thì việc sử dụng điện trong toàn xã hội, từ các hộ gia đình, nhà máy, doanh nghiệp... sẽ tiết kiệm hơn, hiệu quả hơn. Đây chính là chiến lược lâu dài của tất cả các quốc gia.

Tất nhiên, trong 4 lý do này, có lý do quan trọng là giảm lỗ cho EVN, làm lành mạnh hơn tình trạng tài chính của EVN.

Nhưng mức tăng đó vẫn chưa giải quyết được tình hình tài chính của EVN bởi cơ sở xây dựng giá năm nay được căn cứ trên 4 yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng là lợi nhuận của EVN bằng 0.

Nếu lợi nhuận kinh doanh điện của EVN bằng 0 thì nguồn thu của Tập đoàn này trong năm nay sẽ lấy từ đâu hay ngân sách nhà nước hỗ trợ, thưa ông?

Năm 2010, do chạy giá dầu FO, DO cao, EVN lỗ lên tới nhiều nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay tôi chưa thể công bố con số cụ thể, vì con số lỗ này của EVN chưa được kiểm toán chính thức.

Vừa qua, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đã cho biết, nếu để EVN có lãi trong năm nay thì giá điện phải tăng hơn 60%, như thế là vượt quá sức chịu đựng của nền kinh tế, nên Chính phủ chỉ cho phép tăng hơn 15% để tránh xáo trộn trong nền kinh tế quá lớn.

Chính vì dựa trên lợi nhuận bằng 0 nên năm 2011, EVN vẫn có nguy cơ bị lỗ. Tất nhiên, không ai muốn doanh nghiệp nào bị lỗ cả. Nhưng tôi cho rằng, khi EVN là Tập đoàn kinh tế Nhà nước, trong lúc khó khăn, buộc phải chấp nhận điều chỉnh giá điện ở mức thấp, phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế..

Còn thực tế tình hình tài chính của doanh nghiệp này như thế nào thì phải chờ kết quả báo cáo kiểm toán độc lập.

Vậy, Bộ đánh giá tác động cụ thể của việc tăng giá điện lần này đối với doanh nghiệp và các hộ dân như thế nào, thưa ông?

Với việc tăng giá chỉ gần 15,3% thì những ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển kinh tế đã được xem xét để giữ ở mức thấp nhất. Chính phủ ước tính, do tăng giá điện sẽ trực tiếp làm tăng CPI khoảng 0,46%.

Về tác động đến các ngành sản xuất, dự kiến giá điện cho sản xuất tăng bình quân khoảng 12%, làm tăng giá thành sản xuất của các ngành từ 0,01 - 1,33%. Đối với các ngành cán thép, xi măng, sản xuất sợi... tỷ lệ tăng giá thành sản phẩm do điều chỉnh giá điện khoảng từ 0,38 - 1,33%. Một số ngành khác như thuốc lá, bia rượu, bao bì... thì tối đa tăng khoảng 0,46%.

Đối với các hộ sử dụng điện sinh hoạt, chúng tôi tính toán, nếu hộ nào sử dụng ít, trên dưới 100kWh/tháng thì tiền điện phải trả thêm khoảng 32.000 đồng/tháng. Đối với các hộ sử dụng từ 300 - 400 kWh/tháng thì tối đa sẽ phải trả thêm 52.000 đồng/tháng.

Đối với các hàng hóa thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày như thực phẩm, may mặc, xăng dầu... thực tế tỷ trọng chi phí tiền điện trong giá thành các mặt hàng này là rất nhỏ, do đó tỷ lệ tăng giá do điều chỉnh giá điện của các mặt hàng này do điều chỉnh giá điện là không đáng kể.

Vừa qua, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, trong năm 2011 này, có khả năng còn tiếp tục phải điều chỉnh giá điện thêm lần nữa?

Thực ra thì chúng tôi vừa công bố tăng giá điện xong, thời gian có hiệu lực đến nay vẫn chưa đến. Hiện tại, tôi chưa thể khẳng định được trong năm 2011 có tăng giá nữa không, vì còn phụ thuộc vào diễn biến của nền kinh tế.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, Chính phủ sẽ thận trọng trong vấn đề này, vì mục tiêu phải kiềm chế lạm phát, đảm bảo kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội mới là nhiệm vụ hàng đầu trong năm nay.