06:03 05/09/2012

Tăng giá thuốc, “bệnh” khó trị

Dũng Hiếu

Lý giải về việc tăng giá thuốc, các doanh nghiệp dược đều đổ cho nguyên nhân tăng giá điện, nguyên phụ liệu, xăng dầu

Cuối tháng 7 và đầu tháng 8, có khoảng 28 lượt mặt hàng thuốc sản xuất trong nước tăng giá và 32 lượt mặt hàng thuốc nhập khẩu tăng giá.
Cuối tháng 7 và đầu tháng 8, có khoảng 28 lượt mặt hàng thuốc sản xuất trong nước tăng giá và 32 lượt mặt hàng thuốc nhập khẩu tăng giá.
Việc tăng giá thuốc đã thành chuyện thường ngày như cách nói của Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược Việt Nam, tháng nào thuốc cũng tăng giá, trong khi đó, số lượng thuốc giảm giá chỉ nhỏ giọt.

Cuối tháng 7 và đầu tháng 8, có khoảng 28 lượt mặt hàng thuốc sản xuất trong nước tăng giá và 32 lượt mặt hàng thuốc nhập khẩu tăng giá.

Lý giải về việc tăng giá thuốc này, các doanh nghiệp dược đều đổ cho nguyên nhân tăng giá các thành tố đầu vào như điện, nguyên phụ liệu, xăng dầu, chi phí vận tải đều tăng. Tại thời điểm này cộng với sự tăng giá của gần 400 dịch vụ y tế, việc giá thuốc tăng gần như một “đòn” đánh vào những bệnh nhân nghèo.

Nếu dạo quanh các tuyến phố có nhiều cửa hàng thuốc như Ngọc Khánh hay Láng Hạ đều thấy sự tăng giá đồng loạt của các mặt hàng thuốc chữa bệnh. Đơn cử, thuốc kháng sinh như Augmentin loại 500mg tăng từ 15.000 đồng /vỉ lên 17.500 đồng/vỉ; Thuốc cảm cúm Panadol tăng từ 9.000 đồng/vỉ lên 12.000 đồng/vỉ; Thuốc giảm đau, hạ sốt Efferalgan tăng từ 2.500 đồng/viên lên 3.500 đồng/viên; Thuốc trị cảm cúm cho trẻ em như sirô Tiffy cũng tăng 10.000 đồng/lọ lên 11.0000 đồng/lọ. Đặc biệt, thuốc trị bệnh tiền đình, chống say tàu xe Stugerol tăng thêm 45.000 đồng/hộp.

Nhiều nhà thuốc Hà Nội cho thấy, khoảng một tuần qua, thuốc chữa bệnh bước vào đợt tăng giá đồng loạt mới, trong đó, thuốc thuộc nhóm kháng sinh, điều trị tim mạch, huyết áp, nhãn khoa nhập khẩu tăng 7-10% và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Bên cạnh các cửa hàng tư nhân tăng giá thuốc vô tội vạ, nhiều loại thuốc bán ở bệnh viện cũng giá cao bất thường, thậm chí còn cao hơn cả giá bán đã bao gồm lợi nhuận, thuế VAT, lương nhân viên, chi phí văn phòng, lãi vay... mà nhà nhập khẩu đã đăng ký với Cục Quản lý dược.

Ví dụ, thuốc Azilide có giá đăng ký là 2.798 đồng/viên, trúng thầu vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là 9.500 đồng/viên; Thuốc Coltab (Citicolin 500mg, Ấn Độ) có giá nhập khẩu là 12.000 đồng/viên, nhưng giá đang bán tại nhà thuốc Bệnh viện Bạch Mai là 31.565 đồng/viên, gấp 2,5 lần giá nhập khẩu.

Tương tự, thuốc Micropim 1g (Ấn Độ) có giá bán buôn kê khai trên website Cục Quản lý dược là 38.903 đồng/hộp, nhưng giá trúng thầu vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương năm 2011 lên đến 105.000 đồng; Thuốc Azi Powder hộp một chai 15ml có giá bán kê khai tại Cục Quản lý dược là 16.000 đồng, nhưng giá bán tại nhà thuốc Bệnh viện Sant Paun Hà Nội lên đến 83.000 đồng.

Theo tìm hiểu, nhiều thuốc chỉ có giá kê khai 50.000 đồng/lọ nhưng trúng thầu vào bệnh viện tới 90.000- 100.000 đồng/lọ, cao gấp đôi so với giá chính công ty đã kê khai. Đây là một thực tế kéo dài và rất thường xảy ra tại các bệnh viện.

Quy định hiện hành có yêu cầu giá thuốc trúng thầu vào bệnh viện không được cao hơn giá kê khai tại Cục Quản lý dược. Nhưng giá kê khai là của doanh nghiệp tự kê, tự chịu trách nhiệm nên có tình trạng kê khai tại Cục Quản lý dược một giá, kê tại bệnh viện một giá, sau đó điềm nhiên được thắng thầu với giá gấp 2-3 lần so với giá kê khai tại Cục Quản lý dược mà không ai phát hiện.

“Rất nên pháp quy hóa giá kê khai tại Cục Quản lý dược, nếu không sẽ còn nhiều thuốc được bán vào bệnh viện với giá cao mà bệnh viện không phát hiện được” - một chuyên gia về quản lý giá thuốc phân tích.

Cũng theo chuyên gia này, quy định hiện hành yêu cầu không được bán thuốc với giá cao hơn giá kê khai, tuy nhiên việc phát hiện doanh nghiệp có làm đúng quy định hay không thì vẫn chưa triển khai được nên quy định chỉ tồn tại trên giấy.

Tháng 3/2012, Chính phủ đã cho phép Bộ Y tế xây dựng thông tư thí điểm quản lý giá thuốc theo thặng số trần từ nhập khẩu đến bán buôn. Nhưng việc này đang rất khó triển khai vì thặng số bao nhiêu là vừa vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Hai văn bản mới hướng dẫn quản lý giá thuốc và đấu thầu thuốc vào bệnh viện đều đã có hiệu lực nhưng chưa phát huy hiệu quả.

Chuyện giá thuốc cao, quản lý lỏng lẻo được nói đến từ năm 2002, đã mười năm nhưng xem ra chặng đường vẫn còn rất xa. “Căn bệnh “ tăng giá thuốc hầu như chưa có thuốc đặc trị và thành căn bệnh mãn tính. Rất nhiều nguyên nhân đã được đưa ra để lý giải cho sự tăng giá.

Một điều thấy rất rõ là do cách quản lý của ngành dược về giá vẫn đang bộc lộ nhiều yếu kém. Đó là cách đấu thầu và quản lý đấu thầu mua thuốc, quản lý giá cả nhập khẩu cũng như quản lý hướng dẫn chi trả cho bảo hiểm y tế vẫn còn nhiều vướng mắc.

Để quản lý được giá thuốc, rất cần một sự hợp tác phối hợp chặt chẽ giữa các cấp quản lý. Phải có những chế tài mạnh để buộc các doanh nghiệp, kinh doanh thuốc, nhà sản xuất thuốc thực hiện đúng theo quy định của các cơ quan quản lý nhà nước về dược phẩm.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)